Nam Định xây dựng những làng quê xanh-sạch-đẹp bền vững

Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tỉnh Nam Định kiên trì với cách làm "không xóa bỏ cái cũ để xây dựng cái mới"; luôn kế thừa, giữ gìn, phát huy thành quả của thế hệ đi trước; giữ gìn môi trường, không "bê-tông hóa nông thôn", mà xây dựng những làng quê xanh-sạch-đẹp thực chất, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Một con đường "sáng-xanh-sạch-đẹp" ở xã Hồng Quang, huyện Nam Trực.
Một con đường "sáng-xanh-sạch-đẹp" ở xã Hồng Quang, huyện Nam Trực.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng, đến nay, toàn tỉnh có 97,5% số xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 28,1% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Giao Thủy được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, là huyện đầu tiên của tỉnh và là 1 trong 10 huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; vượt mục tiêu Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 đã đề ra.

Thành công này là kết quả từ những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc nâng cao các tiêu chí, nhất là tiêu chí môi trường - một thách thức lớn và cũng là điểm nhấn trong hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu sáng-xanh-sạch-đẹp của Nam Định.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Giao Thủy Nguyễn Tiến Tùng chia sẻ: Xác định công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sáng-xanh-sạch-đẹp là một trong những tiêu chí quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huyện Giao Thủy chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung về tiêu chí môi trường.

Hiện nay, toàn huyện Giao Thủy có 18 khu xử lý rác thải tập trung; trong đó, có 7 khu xử lý bằng cách chôn lấp, 11 khu xử lý bằng công nghệ đốt. Tất cả các khu xử lý chất thải tập trung đều bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường; có 85% số hộ trên địa bàn tổ chức phân loại chất rắn tại nguồn; tỷ lệ chất thải nhựa được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý đạt khoảng 96%; các chất thải hữu cơ và phế phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện được xử lý và tái chế đạt 90%; các chất thải nguy hại từ sản xuất nông nghiệp, y tế và sinh hoạt của các hộ gia đình đều được thu gom, xử lý 100%. Nước thải sinh hoạt phát sinh được thu gom, xử lý bằng biện pháp phù hợp đạt tỷ lệ 100%; 22/22 xã, thị trấn có nước sạch từ nhà máy nước tập trung.

Từ năm 2021-2023, toàn huyện đã trồng được 470.000 cây xanh phân tán; diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn là 4,28m2/người. Nhận thức và trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường được nâng cao, đã hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường xanh-sạch-đẹp.

Theo Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Hữu, để xây dựng nông thôn mới xanh-sạch-đẹp thực chất, bền vững, Nam Định đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và các đoàn thể nhân dân trong việc quán triệt, triển khai, tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường.

Thông qua Cuộc vận động "Xây dựng môi trường nông thôn xanh-sạch-đẹp" và phong trào "Nhà sạch, vườn xanh, đường, sông không rác", tỉnh đã huy động các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện. Mang lại hiệu quả rõ nét nhất là mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được tỉnh chỉ đạo tập trung thực hiện từ đầu năm 2020 nhằm giảm bớt khối lượng rác phải đưa vào cơ sở xử lý tập trung đã cho kết quả vượt xa kỳ vọng ban đầu.

Hiện nay, 100% số xã, thị trấn trên toàn tỉnh đã thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn, giúp giảm thiểu được 30-50% tổng lượng rác đưa về khu xử lý rác thải tập trung; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 đạt hơn 98%.

Nam Định xây dựng nông thôn mới với chủ trương xuyên suốt không "bê-tông hóa nông thôn" mà phát huy thế mạnh của vùng đất trù phú, người nông dân giàu kinh nghiệm, tài hoa, tô điểm làng quê bằng sắc mầu đa dạng của các loại cây trồng. Phong trào trồng hoa, cây bóng mát bên lề đường trục xã, thôn, xóm đã tạo nên 2.605 tuyến đường hoa dài 2.775 km, biến làng quê Nam Định thành những bức tranh yên bình, rực rỡ sắc mầu.

Bên cạnh kết quả ấn tượng về thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, để tất cả những làng quê nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đều xanh-sạch-đẹp bền vững, Nam Định cần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại 17 làng nghề nông thôn (có nơi ở mức báo động); vào cuộc quyết liệt hơn trong quản lý, bảo vệ môi trường và làm đẹp cảnh quan nông thôn ngày càng sáng-xanh-sạch-đẹp.

Tỉnh kỳ vọng điều này sẽ không chỉ mang lại môi trường, điều kiện sống tốt hơn cho người dân mà còn khai thác được các giá trị kinh tế từ các chức năng môi trường, cảnh quan nông nghiệp, nông thôn; từng bước phát triển thành ngành kinh tế du lịch sinh thái đem lại thu nhập cho người dân và bảo tồn văn hóa bản địa, xây dựng lối sống thân thiện hài hòa bền vững với thiên nhiên.