Bài 1: Nguồn nhân lực của ngành kinh tế mũi nhọn ở miền trung

Nâng cao chất lượng đào tạo để phát triển du lịch bền vững

Miền trung với những danh thắng nổi tiếng và bờ biển dài tuyệt đẹp đang dần trở thành tâm điểm du lịch của cả nước. Để du lịch phát triển bền vững, nguồn nhân lực chất lượng cao chính là yếu tố then chốt. Thời gian qua, các tỉnh, thành phố miền trung đã tập trung vào 3 nội dung cốt lõi: phát triển số lượng, nâng cao chất lượng và hợp lý hóa cơ cấu nhân lực du lịch. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế cần giải pháp đột phá để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của ngành du lịch trong thời kỳ hội nhập.
Học viện đào tạo mến khách IBH ở thành phố Đà Nẵng mỗi năm tổ chức hàng trăm khóa đào tạo chuyên sâu cho các đơn vị đối tác. (Ảnh ANH ĐÀO)
Học viện đào tạo mến khách IBH ở thành phố Đà Nẵng mỗi năm tổ chức hàng trăm khóa đào tạo chuyên sâu cho các đơn vị đối tác. (Ảnh ANH ĐÀO)

VAI TRÒ NGUỒN NHÂN LỰC TRONG DU LỊCH

Nguồn nhân lực du lịch được hiểu là những người đã qua đào tạo, có bằng cấp và trình độ chuyên môn, kỹ thuật ít nhất từ sơ cấp trở lên để làm việc trong các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng. Họ có khả năng đáp ứng những yêu cầu phức tạp của hoạt động kinh doanh du lịch, tạo ra năng suất và hiệu quả cao trong công việc, đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng và phát triển du lịch của một doanh nghiệp, địa phương và quốc gia, thu hút cộng đồng và xã hội tham gia phát triển du lịch.

Nếu trước đây, người làm việc trong ngành du lịch từng là lao động “tay ngang” thì nay lực lượng này được thay thế bằng nguồn nhân lực đã qua đào tạo, bồi dưỡng để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách. Để phát triển bền vững ngành du lịch, cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo các sản phẩm mới, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, địa phương, các tỉnh, thành phố ở miền trung luôn chú trọng đến yếu tố then chốt là đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực.

NHU CẦU NHÂN LỰC DU LỊCH CỦA MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG

Khánh Hòa hiện là một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam, có đẳng cấp quốc tế. Năm 2024, du lịch - ngành kinh tế trụ cột của tỉnh tăng trưởng ấn tượng với 10,6 triệu lượt khách; doanh thu tăng 53,9% so với năm 2023. Tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2025 doanh thu du lịch đạt 60.000 tỷ đồng; đón trên 11,8 triệu lượt khách; trong đó khách quốc tế đạt 5,2 triệu lượt. Với nội lực đó, Khánh Hòa sẽ trở thành điểm đến đẳng cấp của khu vực Đông Nam Á; dự kiến năm 2030 đón hơn 21,1 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có hơn 10,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 121.800 tỷ đồng.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa, hiện tỷ lệ người lao động trong ngành du lịch có trình độ đại học chiếm 33,9%; tiếp đến là trình độ cao đẳng nghề/cao đẳng chuyên nghiệp chiếm 26,6%. Tỷ lệ người lao động được đào tạo chuyên ngành quản trị du lịch chiếm 25,4% và quản trị nhà hàng, khách sạn là 23,3%; chuyên ngành quản trị kinh doanh và ngôn ngữ Anh lần lượt chiếm 8,5% và 7,4%.

Có thể thấy, trình độ, nghiệp vụ đội ngũ làm du lịch của Khánh Hòa được đào tạo khá bài bản. Tổng số nhân lực ngành này hiện có hơn 55.000 lao động. Về lâu dài, dự kiến đến năm 2030 cần có khoảng 120.000 lao động, tức là phải tuyển mới khoảng 70.000 lao động. Với mức cung ứng từ 4 trường đại học có khoa du lịch và 7 trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm có đào tạo nghề du lịch, các trường đào tạo chỉ đáp ứng khoảng 5.000 lao động/năm. Đây là một thách thức không nhỏ cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch Khánh Hòa.

Thách thức trên cũng tương tự đối với thành phố Đà Nẵng - một địa phương có ngành du lịch phát triển hàng đầu cả nước. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, đến nay, thành phố có 544 đơn vị lữ hành, 5.811 hướng dẫn viên du lịch (do Sở Du lịch Đà Nẵng cấp thẻ). Năm 2024, Đà Nẵng có 56.135 lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, tăng 10,7% (tương ứng 5.435 người) so với cùng kỳ năm 2023. Năm nay, số lượng này khoảng hơn 65.000 người, tăng 28% so với năm 2019.

Quảng Bình đã xây dựng một chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về du lịch; trong đó xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực là một trong chín nhóm giải pháp cơ bản để thúc đẩy phát triển du lịch. Trên cơ sở đó, Sở Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình) đã triển khai các nội dung cụ thể để phát triển du lịch bền vững.

Toàn tỉnh hiện có 58 đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; 533 cơ sở lưu trú đang hoạt động, trong đó có 3 cơ sở hạng 5 sao, 6 cơ sở hạng 4 sao, 7 cơ sở hạng 3 sao và nhiều cơ sở lưu trú cao cấp đầu tư theo tiêu chuẩn 4-5 sao đã đi vào phục vụ khách du lịch; gần 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ. Toàn tỉnh có gần 40 sản phẩm, khu, điểm tham quan du lịch đã được phê duyệt đề án hoặc cho phép khai thác thử nghiệm.

Đại diện Phòng Quản lý du lịch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình cho biết, số lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đã tác động khá lớn đến cơ cấu nguồn nhân lực. Cụ thể, nhân lực dịch vụ ăn uống luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất do đặc thù sử dụng số lượng người đông, trong đó các dịch vụ ăn uống của hộ dân phần lớn sử dụng khá nhiều lao động phổ thông chưa qua đào tạo (chiếm tỷ lệ cao); dịch vụ lưu trú đứng thứ hai và dịch vụ du lịch lữ hành chiếm tỷ trọng nhỏ nhất. Hiện ở Quảng Bình có 384 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ đang hoạt động, trong đó có 182 hướng dẫn viên quốc tế, 202 hướng dẫn viên du lịch nội địa.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

back to top