Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2024, tổng lượt khách đến khu vực đạt hơn 52 triệu lượt, tăng 15,94% so với năm 2023, trong đó, lượng khách quốc tế tăng gần 50%. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 62.239 tỷ đồng, tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch tăng trưởng nhanh đòi hỏi cao hơn về số lượng và chất lượng hướng dẫn viên.
Những năm qua, ngoài việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao tại các trường đại học, cao đẳng, các địa phương, tổ chức cũng thường xuyên mở lớp tập huấn để cải thiện kỹ năng cho hướng dẫn viên. Anh Trần Minh Thành, hướng dẫn viên du lịch tại Cần Thơ chia sẻ: Để phục vụ du khách tốt hơn, chúng tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn và tham gia các cuộc thi dành cho hướng dẫn viên. Chị Trần Hoàng Yến (du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh) thường liên hệ các công ty lữ hành để tổ chức các hoạt động cộng đồng cho công ty, nói: Qua một số chuyến đi miền Tây, tôi cảm nhận được sự mến khách, mộc mạc, giản dị của các hướng dẫn viên ở đây. Ngoài ra, kiến thức và mức độ am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán miền sông nước của họ khá tốt.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, số lượng hướng dẫn viên còn ít, nhất là hướng dẫn viên quốc tế. Chất lượng chuyên môn của hướng dẫn viên chưa đồng đều. Đồng bằng sông Cửu Long có nền văn hóa đa dạng với nhiều dân tộc như Kinh, Khmer, Chăm… nhưng không ít hướng dẫn viên chưa thật sự hiểu rõ đặc trưng văn hóa vùng miền để truyền tải đến du khách. Một số có kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc về văn hóa, lịch sử địa phương, nhưng lại chưa đáp ứng yêu cầu về kỹ năng dẫn tour, giao tiếp và xử lý tình huống, khả năng sử dụng ngoại ngữ.
Theo Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, ngành du lịch toàn vùng có khoảng 150 nghìn lao động, với khoảng 68 nghìn lao động trực tiếp và khoảng 500 hướng dẫn viên có thẻ đang hoạt động, chủ yếu đến từ chi nhánh của các công ty lữ hành và tại khu, điểm của các địa phương. Trong số này, khoảng 30 đến 40% chưa đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Công ty Bến Thành Tourist chi nhánh Cần Thơ cho biết, do số lượng ít, nhất là người có chuyên môn và kinh nghiệm, tình trạng “cháy” hướng dẫn viên mùa cao điểm diễn ra hằng năm. Ngành du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần đào tạo tốt cho hướng dẫn viên về chuyên môn, ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp và khả năng ứng dụng công nghệ; tạo ra nhiều sân chơi, cuộc thi hướng dẫn viên giỏi giúp các bạn trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng và tinh thần học hỏi. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ và cơ hội phát triển của hướng dẫn viên cũng phải được quan tâm đúng mức. Các công ty lữ hành cần có chính sách lương, thưởng hợp lý để giữ chân hướng dẫn viên giỏi. Việc đầu tư vào nhân lực chất lượng cao sẽ giúp du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững hơn.