Thường Tín là huyện không nằm trong kế hoạch ban đầu của thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Nhưng bằng những kết quả thực chất trong việc nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, huyện Thường Tín vừa vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.
Theo đại diện Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín, năm 2020, huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Để đáp ứng các tiêu chí, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, hằng năm, Ủy ban nhân dân huyện lựa chọn các xã đủ điều kiện đăng ký phấn đấu hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời cân đối nguồn thu, chi, tập trung nguồn lực đầu tư, bảo đảm hoàn thành kế hoạch đề ra. Huyện phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn và dịch vụ, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm, nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Nhờ đó, đến nay, toàn bộ 26 xã, thị trấn của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 20 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bốn xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Thu nhập bình quân đầu người, từ hơn 55 triệu đồng năm 2020 đã tăng lên đạt 76 triệu đồng năm 2024. Anh Nguyễn Văn Bình, xã Tô Hiệu chia sẻ: Chúng tôi rất hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới. Mọi người dân đều được thụ hưởng giá trị các công trình, dự án mang lại, từ nhà văn hóa thôn, hệ thống đường giao thông liên thôn đến trạm y tế, trường học… Đáng chú ý, các công trình, dự án đầu tư xây dựng đều có sự tham gia, đóng góp ý kiến và giám sát của người dân, cho nên chất lượng bảo đảm, sử dụng hiệu quả, không lãng phí.
Không chỉ ở Thường Tín, hạ tầng nông thôn ở các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì… được đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ, tạo thuận lợi phát triển kinh tế, xã hội. Kinh tế khu vực nông thôn phát triển ấn tượng. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển chuỗi giá trị nông sản và chương trình OCOP thu được nhiều kết quả. Năm 2024, tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của thành phố đạt gần 66.380 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với năm 2023. Giá trị xuất khẩu nông, lâm sản lần đầu tiên vượt 2 tỷ USD.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, đến nay, 100% số xã trên địa bàn thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 229 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 109 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt chỉ tiêu cả giai đoạn 2021-2025. Sáu huyện, gồm Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai và Thường Tín đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Hà Nội năm 2024 đạt gần 75 triệu đồng/năm. Thành phố không còn hộ nghèo. Năm 2025, thành phố không đặt thêm chỉ tiêu mới do sắp xếp lại đơn vị hành chính, nhưng Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, triển khai bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu riêng phù hợp với đô thị đặc biệt, gắn phát triển nông thôn với phát triển đô thị sinh thái, phát triển vùng ven đô.
Mới đây, phát biểu tại hội nghị xem xét công nhận Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp thành phố năm 2024 do Hội đồng Thẩm định trung ương tổ chức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, ngay khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Hà Nội xác định rõ mục tiêu xây dựng nông thôn mới không chỉ là nâng cao chất lượng hạ tầng, mà còn là nâng tầm chất lượng sống nông thôn. Hà Nội xây dựng nông thôn trở thành những miền quê đáng sống