Cụ thể, trước đó năm 2020, chỉ số năng lực cạnh tranh của Bạc Liêu khá thấp. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân: Thực tế từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã có rất nhiều cố gắng, tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp chuyên đề nhằm tạo đột phá, với quyết tâm sớm khắc phục tình trạng nêu trên. Tuy nhiên, kết quả chưa tạo được nhiều chuyển biến mới.
Năm 2023, Bạc Liêu có tiến bộ, số điểm tăng vài bậc so với năm 2022, nhưng thực tế vẫn nằm trong tốp 30 tỉnh, thành phố có chỉ số năng lực cạnh tranh chưa cao. Các chỉ số thành phần giảm điểm nhiều nhất như: Tiếp cận đất đai, đào tạo lao động, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự...
Đại diện một số doanh nghiệp tại Bạc Liêu cho rằng, có một số khu, cụm công nghiệp, dự án được quy hoạch nhưng chưa có đất sạch giao cho doanh nghiệp đầu tư. Đáng chú ý, chỉ số tiếp cận đất đai nhiều năm qua liên tục thấp, điều này chứng minh rõ những hạn chế cần khắc phục trong lĩnh vực này.
Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều giải pháp để phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn để hoàn thành mục tiêu thành lập mới 2.000 doanh nghiệp (trong nhiệm kỳ 2020- 2025) mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đã đề ra. Tính đến thời điểm này, Bạc Liêu có khoảng gần 2.800 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đầu tư hơn 36.800 tỷ đồng. Song, tỷ lệ doanh nghiệp nếu xét theo mật độ dân số thì hiện tại Bạc Liêu vẫn xếp vào nhóm thấp trong cả nước và cả tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo số liệu chưa đầy đủ, từ đầu năm 2024 đến nay, có gần 300 doanh nghiệp rút khỏi thị trường địa phương, điều này dẫn đến tình trạng nhiều lao động bị mất việc làm.
Tại một hội nghị chuyên đề bàn các giải pháp khắc phục bất cập về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bạc Liêu Trần Yến Hòa, nêu ý kiến: Một trong những điểm nghẽn về chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh nhiều năm qua, trong đó có một phần nguyên nhân do chỉ số đào tạo lao động của tỉnh còn thấp, chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; số lượng cơ sở đào tạo còn ít cho nên tuyển sinh chưa đạt yêu cầu đề ra…
“Việc xúc tiến thương mại do nguồn kinh phí có hạn cho nên hỗ trợ còn hạn chế; chưa có đội ngũ cán bộ chuyên sâu về hội nhập kinh tế quốc tế; chất lượng một số loại dịch vụ chưa cao. Cụ thể, năm 2023 và 2024, Bạc Liêu tiếp tục có điểm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh khá thấp”, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu Tô Minh Đương bày tỏ...
Nhìn vào kết quả các chỉ tiêu của các chỉ số thành phần trong năm 2024 cho thấy, việc giải quyết các thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện của tỉnh Bạc Liêu vẫn còn bất cập. Các doanh nghiệp có chung nhận xét, các cấp, các ngành của tỉnh Bạc Liêu cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa, vì thực tế doanh nghiệp vẫn còn gặp khó trong giải quyết thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Một số cơ quan chức năng vẫn thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp nhiều lần/năm, gây mất thời gian, khiến không ít doanh nghiệp căng thẳng, áp lực. Đây là vấn đề mà cấp ủy, chính quyền tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng chấn chỉnh, kiên quyết không để tình trạng nêu trên kéo dài.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu Lê Chí Tôn chia sẻ: Nhiều năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm, đồng hành với doanh nghiệp, doanh nhân. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, đôi lúc vẫn còn gặp khó khi giải quyết thủ tục liên quan đến các lĩnh vực như an toàn phòng cháy, chữa cháy, môi trường, quản lý thị trường… Vì vậy, các cơ quan, đơn vị liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Các cấp, các ngành trong tỉnh Bạc Liêu nỗ lực tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư làm ăn, phát triển bền vững.