Nhằm tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (từ ngày 15/4-15/5) với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”.
Triển khai Tháng hành động, các địa phương trên cả nước đã tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm trên địa bàn phụ trách.
Hà Nội đã thành lập 3 đoàn, kiểm tra việc triển khai thực hiện của các quận, huyện, thị xã theo chuyên đề, đồng thời gắn với việc xử phạt mức cao nhất trong thẩm quyền mà thành phố ban hành đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Không chỉ cấp thành phố, các quận, huyện cũng đều thành lập các đoàn kiểm tra trên địa bàn.
Kết quả bước đầu cho thấy, không ít các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa xuất trình được cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm; giấy xác nhận kiến thức và khám sức khỏe của người lao động; thiếu hồ sơ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu và bao bì thực phẩm; nhãn mác và bản tự công bố của sản phẩm chưa đầy đủ, chưa phù hợp theo quy định...
.webp)
Bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn thực phẩm giả, kém chất lượng
Tại Đà Nẵng, bên cạnh hoạt động của các đoàn thành tra, Công an thành phố (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường) chủ trì, phối hợp Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố, các sở, ngành liên quan tập trung đấu tranh, phát hiện, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật như: Sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể không bảo đảm an toàn thực phẩm; kinh doanh hàng hóa là thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng...
Để những hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm phát huy hiệu quả, không dừng lại trong khuôn khổ của Tháng hành động thì chính quyền địa phương và các ngành chức năng đóng vai trò quan trọng. Cần tuyệt đối tránh tình trạng “bệnh thành tích”, làm theo “phong trào”.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về an ninh, an toàn thực phẩm vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị; thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý.
Ngoài ra, cần xử lý nghiêm tình trạng “né tránh trách nhiệm”, “đùn đẩy trách nhiệm”.
Các cơ quan chức năng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành y tế trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Hoạt động này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm; chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực này; phát huy phong trào quần chúng phát hiện, tố giác và tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm an toàn; đồng thời, thúc đẩy xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn tại địa phương.
Song song với đó, các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trước sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng, với phương châm “Không đánh đổi sức khỏe để lấy kinh tế”.
Mặt khác, mỗi người hãy là “Người tiêu dùng thông thái” khi lựa chọn và sử dụng các loại thực phẩm hằng ngày; tích cực tham gia đấu tranh chống nạn hàng giả, hàng kém chất lượng và những hành vi gian lận thương mại nơi mình sinh sống… Đây là những hành động thiết thực để chung tay bảo đảm an toàn thực phẩm và ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm.