Những ngày đầu tháng 7, bất chấp cơn mưa lớn kéo dài khiến rừng biên giới trơn trượt, cán bộ, chiến sĩ hai bên vẫn siết chặt tay nhau, cùng hành quân nhiều km đường rừng dốc cheo leo từ địa điểm đóng quân đến khu vực các cột mốc 363, 364 và 365 – đoạn biên giới hiểm trở thuộc địa bàn Đồn Biên phòng Thông Thụ (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) và Đại đội Biên phòng 216 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hủa Phăn).

Mang theo ba lô, vũ khí, dụng cụ sơn sửa mốc, máy quay tư liệu nghiệp vụ và quan trọng nhất là tinh thần đoàn kết, hữu nghị truyền thống, lực lượng hai bên đã phối hợp chặt chẽ tuần tra, kiểm tra thực trạng đường biên, hệ thống mốc quốc giới, biển báo cũng như tình hình xâm canh, xâm cư, vi phạm quy chế biên giới.
Đoàn Việt Nam do Đại tá Hồ Quyết Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Nghệ An dẫn đầu. Phía bạn Lào do Thiếu tướng Khăm Mương Khốt Vông Khun, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hủa Phăn trực tiếp chỉ huy.
Tuần tra được triển khai chặt chẽ, đúng quy định. Kết quả cho thấy toàn bộ hệ thống mốc quốc giới, đường biên được bảo vệ nguyên trạng, không có dấu hiệu vi phạm. Hai bên cũng phối hợp vệ sinh khu vực biên giới, sơn sửa mốc quốc giới và ghi hình toàn bộ quá trình để bổ sung tư liệu phục vụ quản lý, bảo vệ biên giới trong tình hình mới.

Phát biểu tại buổi hội ý sau tuần tra, Đại tá Hồ Quyết Thắng cho biết: “Việc tổ chức tuần tra cấp tỉnh là bước đi mang tính đột phá, thể hiện sự chủ động, linh hoạt của lực lượng bảo vệ biên giới hai bên trong việc cụ thể hóa các nội dung hợp tác quốc phòng song phương, ứng phó hiệu quả với các nguy cơ xuyên biên giới”.
Thiếu tướng Khăm Mương Khốt Vông Khun nhấn mạnh: “Dù là lần đầu tiên tổ chức tuần tra cấp tỉnh, nhưng sự phối hợp giữa hai bên rất nhịp nhàng, bài bản. Đây không chỉ là hoạt động nghiệp vụ mà còn là biểu tượng sinh động của tình đoàn kết, hữu nghị, góp phần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, ổn định và phát triển lâu dài”.

Hai bên cũng thống nhất tiếp tục duy trì cơ chế trao đổi thông tin định kỳ, tăng cường phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới.
Biên giới giữa hai tỉnh Nghệ An và Hủa Phăn có chiều dài hơn 122km, phần lớn là địa hình rừng núi hiểm trở, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp như buôn lậu, tội phạm ma túy, di cư trái phép, xâm canh, xâm cư. Hoạt động tuần tra song phương cấp tỉnh vì vậy không chỉ có ý nghĩa nghiệp vụ, mà còn giúp tăng cường niềm tin, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng bảo vệ biên giới hai nước.
Thời gian qua, các đơn vị Bộ đội Biên phòng Nghệ An nói chung và Đồn Biên phòng Thông Thụ nói riêng đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, duy trì hiệu quả mô hình tổ tự quản đường biên, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng Lào trong kiểm soát tuyến biên giới. Riêng Đồn Biên phòng Thông Thụ và Đại đội Biên phòng 216 đã có nhiều lượt tuần tra phối hợp, kịp thời xử lý các vụ việc phức tạp liên quan đến xuất nhập cảnh và ma túy.
Trung tá Sổm Nức Khun Phạ Chăn, Đại đội trưởng Đại đội Biên phòng 216 (Hủa Phăn) chia sẻ: “Tuần tra song phương không chỉ bảo đảm an ninh mà còn làm sâu sắc thêm mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt-Lào”.
Trong thời gian qua, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã tích cực tham mưu triển khai hiệu quả công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân. Nổi bật là việc phối hợp tổng kết và tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả hợp tác, giúp đỡ các đại đội Biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh Lào giáp Nghệ An, giai đoạn 2023–2028”.

Bộ đội Biên phòng Nghệ An cũng thường xuyên tổ chức hội đàm, trao đổi thông tin với Bộ Chỉ huy quân sự và Công an ba tỉnh: Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay (nước bạn Lào); đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ biên giới cho lực lượng cán bộ nước bạn.
Đặc biệt, các mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, kết nghĩa giữa đồn Biên phòng với các đơn vị bảo vệ biên giới nước bạn Lào tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.
Tuần tra cấp tỉnh giữa Nghệ An và Hủa Phăn không chỉ là một dấu mốc trong công tác quản lý biên giới, mà còn là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia Việt Nam–Lào. Những bước chân thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ hai nước giữa đại ngàn Trường Sơn chính là biểu tượng sống động cho ý chí bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, vì một biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển bền vững.