Tái khẳng định sẵn sàng đàm phán với Ukraine
Tuyên bố của Điện Kremlin nêu rõ, Moscow cho rằng, phía Ukraine cũng cần thực hiện ngừng bắn, đồng thời nhắc lại việc sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột với Kiev mà không cần điều kiện tiên quyết. Bên cạnh đó, Moscow nhấn mạnh việc cần phải loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng. Điện Kremlin lưu ý các lực lượng vũ trang Nga sẽ đưa ra phản ứng thích hợp trong trường hợp lệnh ngừng bắn bị vi phạm.
Tuyên bố của Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov rằng, Nga sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraine, được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hoài nghi về thiện chí của Nga trong việc chấm dứt xung đột. Ông Dmitry Peskov đồng thời nhấn mạnh, Mỹ cần tiếp tục các nỗ lực của mình để bảo đảm tiến trình hướng đến giải pháp hòa bình. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cũng nhấn mạnh lập trường của Moscow rất rõ ràng về chấm dứt xung đột.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng thông báo với Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff rằng, Nga sẵn sàng nối lại đàm phán hòa bình với Ukraine mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Ông Putin và ông Witkoff đã thảo luận về khả năng đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine. Hai bên xung đột chưa tổ chức cuộc đàm phán trực tiếp nào kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi năm 2022.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sau cuộc trao đổi với Tổng thống Zelensky rằng, Ukraine đã sẵn sàng cho lệnh ngừng bắn vô điều kiện và "Liên minh thiện chí" do Pháp và Anh dẫn đầu sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được điều đó, cũng như một nền hòa bình lâu dài ở Ukraine.
Mỹ hối thúc các bên đạt thỏa thuận hòa bình
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio tuyên bố cần sớm đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine, đồng thời cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ xem xét liệu có tiếp tục đảm nhận vai trò trung gian hòa giải hay không. Phát biểu ý kiến trong chương trình “Gặp gỡ báo chí” của hãng truyền thông NBC, ông Rubio nói rằng, các bên cần sớm đạt thỏa thuận và Mỹ không thể tiếp tục dành thời gian và nguồn lực cho nỗ lực trung gian nếu điều này không mang lại kết quả nào.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ bày tỏ, đây là tuần thật sự quan trọng để quyết định về việc liệu Mỹ có nên theo đuổi nỗ lực chấm dứt xung đột tại Ukraine hay là chuyển trọng tâm sang các vấn đề khác. Ông Rubio cho biết, Mỹ đã trì hoãn áp cấm vận với Nga để thúc đẩy đàm phán ngoại giao hiệu quả, nhưng cảnh báo chính quyền Tổng thống Trump có nhiều lựa chọn để đáp trả việc bất kỳ bên nào phản đối thỏa thuận hòa bình. Theo ông, Mỹ không muốn chuyển sang giai đoạn đáp trả này, bởi làm vậy sẽ đóng chặt cánh cửa ngoại giao.
Trong một diễn biến có liên quan, Mỹ và Ukraine thống nhất thêm chi tiết thỏa thuận đất hiếm. Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết, Kiev và Washington đã đạt được thỏa thuận về viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine trước thời điểm ký kết thỏa thuận, theo đó khoản tài chính này sẽ không được tính là nghĩa vụ nợ trong hợp tác song phương về đất hiếm. Thông tin được ông công bố sau cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent.
Theo ông Shmyhal, hai bên đã thảo luận về nội dung thỏa thuận và đạt tiến triển tích cực. Ông nhấn mạnh rằng, Ukraine đã vạch ra những "lằn ranh đỏ" trong quá trình đàm phán, trong đó yêu cầu thỏa thuận phải phù hợp với các cam kết của Ukraine đối với châu Âu, không mâu thuẫn với Hiến pháp và pháp luật trong nước, đồng thời phải được Quốc hội Ukraine phê chuẩn.