Ngăn chặn nạn đánh bắt thủy sản trái phép ở Quảng Bình

ND - Thời gian gần đây ở Quảng Bình, tình trạng sử dụng chất nổ và xung điện đánh bắt thủy sản theo kiểu hủy diệt diễn ra phổ biến trước sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở. Việc nâng cao nhận thức cho người dân và tăng cường quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường đang đặt ra rất bức thiết. 

Tại những vùng đồng trũng ở huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình) hoặc dọc bờ sông Nhật Lệ, sông Gianh, tình trạng dùng xung điện để đánh bắt thủy sản diễn ra khá phổ biến. Khi được hỏi, nhiều người hồn nhiên cho rằng, dùng xung điện, vừa đơn giản lại rất hiệu quả(!). Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, thiết bị xung điện rất đa dạng với nhiều chủng loại khác nhau, có loại sử dụng "12 - 16 con sò", có bán kính hoạt động từ 8 đến 10 m tùy vào mục đích sử dụng, hoặc dùng hai bình ắc-quy 12V (loại này khá phổ biến ở Quảng Bình), kích lên dòng điện 220V có khả năng sát thương rất cao. Ðể sắm một bộ xung điện khá đơn giản, chỉ cần đầu tư khoảng 1,5 triệu đồng là có thể mua hai bình ắc-quy 12V và một bộ kích điện tại bất cứ hiệu sửa chữa điện tử nào, cộng với một bình nhựa hoặc chiếc làn nhựa và hai cần tre tự chế dài 1,5 - 2 m là có ngay một bình kích điện. Ban đêm, người đi kích điện sử dụng thêm chiếc đèn soi chạy bằng ắc- quy để hành nghề.

Là người có "thâm niên" đánh cá theo kiểu này, Nguyễn Văn Tuấn ở xã An Thủy, Lệ Thủy cho biết, nơi có thể đánh được là những cánh đồng trũng, ao hồ hoặc các con hói nội đồng. Chỉ cần đưa hai chiếc cần tre xuống dòng nước là dòng điện từ bộ kích phóng qua trong nước. Theo phản xạ, những con cá, con tôm nhao loạn lên rồi ngắc ngoải, lịm hẳn. Người đi kích điện chỉ việc dùng vợt hoặc tay để bắt cá, tôm.

Theo Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình Lê Văn Lợi, việc sử dụng xung điện để khai thác thủy sản trong vùng nội đồng ở tỉnh Quảng Bình diễn ra phổ biến, nhất là ở huyện Lệ Thủy.  Dọc theo các sông Nhật Lệ, sông Gianh, người dân dùng thuyền để đi kích điện. Mỗi người một thuyền nhỏ và chiếc đèn soi hoạt động trên khắp dòng sông rộng. Xã Trường Xuân là địa bàn "trọng điểm" về sử dụng xung điện khai thác thủy sản ở huyện Quảng Ninh. Sáng sớm, hoặc chiều muộn, trên sông Long Ðại đoạn qua khu vực Lùi thuộc xã Trường Xuân, nhiều chiếc thuyền nhỏ chỉ với một hoặc hai người chở theo những bộ kích điện thản nhiên đánh cá ven bờ. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sở dĩ một số người dân vẫn ngang nhiên khai thác thủy sản bằng xung điện ở khu vực này là bởi, họ đã "cài cắm" người trên bờ, hễ nghe tiếng  tàu kiểm ngư của lực lượng thanh tra thủy sản là lập tức chèo thuyền vào bờ neo lại, cất giấu tang vật xem như chưa có chuyện gì xảy ra. Cũng có trường hợp giấu được dụng cụ hành nghề rồi thì họ đánh đắm thuyền, làm cho việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Việc khai thác thủy sản bằng xung điện không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và môi trường mà nguy hiểm đến tính mạng của người hành nghề này. Cách đây chưa lâu ở huyện Lệ Thủy, đã có hai trường hợp đi kích điện thì bị rò điện dẫn đến chết người trên cánh đồng ở huyện Lệ Thủy. 

Bên cạnh đó, tình trạng tàu, thuyền sử dụng chất nổ để khai thác trên biển cũng xảy ra nhiều nơi ở Quảng Bình trong đó xảy ra nhiều nhất là ở xã Nhân Trạch (Bố Trạch), Hải Ninh (Quảng Ninh). Thanh tra chuyên ngành thủy sản đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh phát hiện và bắt giữ tàu QB-2603 TS của ông Ngô Xuân Việt ở Nhân Trạch tàng trữ kíp nổ và dây cháy chậm trên tàu; tàu của ông Phạm Văn Hiệu cũng ở Nhân Trạch sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản. Cơ quan chức năng đã xử phạt hành vi vi phạm đối với hai tàu số tiền 15 triệu đồng.

Các chủ phương tiện thường tàng trữ chất nổ bằng cách trà trộn vào những nhu yếu phẩm mang theo trên tàu, thuyền, cá biệt có những trường hợp được cung cấp ngay ngoài khơi. Ban đêm, ngư dân sử dụng đèn chiếu sáng để hút cá rồi nổ mìn, sau đó dùng lưới mành thu cá. Còn ban ngày, tàu ngư dân chạy dọc bờ biển, khi phát hiện thấy đàn cá thì ném mìn rồi dùng lưới thu cá. Theo ông Lợi, để bắt quả tang các đối tượng vi phạm này rất khó bởi việc tiếp cận các đối tượng trên biển không thể nhanh được, và người vi phạm khi phát hiện lực lượng chức năng thường vứt mìn, kíp nổ, dây cháy chậm xuống biển để phi tang. Ðược biết, vào đầu tháng 5-2009, trên vùng biển Nhân Trạch có ba thuyền của ngư dân  dùng mìn để đánh cá khi bị Bộ đội Biên phòng phát hiện, các chủ thuyền đã thả tang vật xuống biển.

Thực tế dễ nhận thấy, ngoài những con tôm, con cá mà người đi kích điện vớt được còn nhiều những loại thủy sản nhỏ khác chết hàng loạt, đấy là chưa kể đến những sinh vật phù du trong nước cũng không chịu nổi dòng điện tới 220V. Sự tận diệt nguồn lợi thủy sản, tàn phá môi trường đã đến lúc báo động.

Mặc dù đã được cảnh báo và ngăn chặn nhưng tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện và chất nổ ở Quảng Bình vẫn chưa chấm dứt, thậm chí tái phát mạnh khi vào đầu vụ cá nam. Việc quản lý vấn đề này còn bỏ ngỏ, bởi lực lượng thanh tra thủy sản quá ít, vào cuộc một cách đơn độc trước sự buông lỏng quản lý của chính quyền ở một số địa phương. Cố gắng lắm, cả năm 2008, lực lượng thanh tra thủy sản mới tổ chức được 20 đợt kiểm tra việc sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác thủy sản, tịch thu 28 bộ kích điện; 9 tháng đầu năm 2009 đã có 13 trường hợp vi phạm bị xử lý với mức phạt 10 triệu đồng. Con số này chưa phản ánh được thực trạng sử dụng   chất nổ và xung điện để đánh cá. Và hiện cũng chưa có con số thống kê cụ thể và kiểm soát được số người trên địa bàn tỉnh tham gia đánh bắt thủy sản bằng xung điện và chất nổ.

Mặt khác, Nghị định số 128/2005/NÐ-CP ngày 11-10-2005 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, cụ thể đối với hành vi sử dụng kích điện (không dùng thuyền) không giao thẩm quyền xử phạt hành chính cho chính quyền các cấp, các ngành mà mới chỉ dừng ở biện pháp tịch thu phương tiện nên không đủ sức răn đe và việc quản lý cũng trở nên khó khăn hơn. Cùng với công tác tuyên truyền, cơ quan chức năng cần tập trung vận động nhân dân, nhất là những hộ đã, đang sử dụng kích điện, chất nổ ký cam kết không sử dụng và không tái sử dụng phương tiện, vật liệu cấm này để đánh bắt thủy sản. Ðịa bàn là các xã Hàm Ninh, Xuân Ninh, Hiền Ninh, Trường Xuân (Quảng Ninh), Nhân Trạch, Thanh Trạch (Bố Trạch), Quảng Văn, Quảng Minh, Quảng Lộc, Quảng Ðông, Cảnh Dương (Quảng Trạch).

Ðể kiểm tra, xử lý việc sử dụng chất nổ trong khai thác thủy sản, các lực lượng chức năng thường chọn thời điểm mất cảnh giác của đối tượng vi phạm, thường vào lúc 1-2 giờ sáng khi ngư dân đang ngủ và phải dùng hai ca-nô cặp hai mạn tàu để đối tượng không kịp tẩu tán tang vật, nhưng cũng có lúc cán bộ phải nhảy xuống biển để kịp thời vớt tang vật. Còn để xử lý đối tượng làm nghề soi, nghề giã kéo sử dụng kích điện để khai thác thủy sản, thanh tra thủy sản phải thuê tàu ngư dân để tuần tra vào ban đêm với sự phối hợp của lực lượng dưới sông và trên bờ để bắt giữ đối tượng.

Tỉnh Quảng Bình mới đây đã chỉ đạo quản lý chặt chẽ các nguồn vật liệu nổ từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng vật liệu nổ, trong các đơn vị quân đội, bom đạn sau chiến tranh để không thất thoát ra ngoài; phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ. Mặt khác, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong kiểm tra việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản, chẳng hạn thanh tra thủy sản, Công an giao thông tỉnh, các đồn Biên phòng có trách nhiệm kiểm tra trên biển, đoạn sông là ranh giới giữa hai huyện; chính quyền cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm trên sông, vùng nội đồng thuộc địa bàn mình quản lý.

Dù vì mục đích mưu sinh hay lợi nhuận, nạn đánh bắt thủy sản bằng chất nổ, xung điện đã hủy hoại  môi trường sinh thái, cần được ngăn chặn và xử  nghiêm.