Ngăn chặn xâm hại trẻ em, cần hệ thống bảo vệ hiệu quả và kịp thời

Vụ việc đau lòng về bé gái ba tháng tuổi nghi bị xâm hại mới đây đã khiến dư luận phẫn nộ và một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em tại Việt Nam.

Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em Lê Hồng Loan (UNICEF) đang trao đổi cùng các em học sinh.
Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em Lê Hồng Loan (UNICEF) đang trao đổi cùng các em học sinh.

Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, để làm rõ hơn thực trạng và những giải pháp cấp bách cần triển khai.

Phóng viên: Vụ việc gần đây khiến cả xã hội bàng hoàng. Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam hiện nay nghiêm trọng đến mức nào, thưa bà?

Bà Lê Hồng Loan: Đây là một vụ việc hết sức đau lòng và đáng tiếc thay, nó không phải là cá biệt. Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (trước đây), từ năm 2020 đến tháng 9/2023 có 7.883 trẻ em được báo cáo là nạn nhân của bạo lực và xâm hại, trong đó hơn 80% là xâm hại tình dục. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn nhiều, vì rất nhiều trường hợp không được báo cáo.

Nhiều trẻ em phải âm thầm chịu đựng vì sợ hãi, xấu hổ, hoặc vì kẻ xâm hại là người mà các em tin tưởng, đôi khi chính là người thân trong gia đình. Xâm hại không chỉ diễn ra ở những nơi xa xôi, hẻo lánh mà ngay trong gia đình, trường học, nơi lẽ ra phải là môi trường an toàn nhất. Chính vì thế, chúng tôi cho rằng, đây là một vấn đề nghiêm trọng và phức tạp.

Phóng viên: Theo bà, trẻ em sẽ chịu những hậu quả gì sau những tổn thương như vậy?

Bà Lê Hồng Loan: Xâm hại tình dục không chỉ để lại tổn thương thể chất mà còn hủy hoại cảm giác an toàn, niềm tin và lòng tự trọng của trẻ. Nhiều em phải sống trong lo âu, trầm cảm, cảm giác tội lỗi, xấu hổ hoặc bị cô lập. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập, phát triển tâm lý và các mối quan hệ xã hội của trẻ em.

Nếu không được hỗ trợ kịp thời, chấn thương tâm lý có thể kéo dài suốt đời. Tuy nhiên, khi trẻ nhận được dịch vụ hỗ trợ đúng từ y tế, tâm lý, đến pháp lý, các em hoàn toàn có cơ hội hồi phục, vượt qua sang chấn và tiếp tục lớn lên khỏe mạnh.

Phóng viên: Bà có thể cho biết, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đang triển khai những hoạt động gì để bảo vệ trẻ em tại Việt Nam?

Bà Lê Hồng Loan: Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để xây dựng và tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em, hướng tới phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ để những vụ việc đáng tiếc như thế này không xảy ra. Một số hoạt động can thiệp chính đang được triển khai hiện nay, bao gồm:

Tập huấn cho lực lượng Công an, tòa án về quy trình thân thiện với trẻ em, nhạy cảm về giới, giúp trẻ em cảm thấy an toàn và được tôn trọng khi làm việc với cơ quan chức năng.

Đào tạo cha mẹ, giáo viên, và các cán bộ trực tiếp làm việc với trẻ em và gia đình như nhân viên y tế, công tác xã hội nhận diện và phản ứng kịp thời khi phát hiện các dấu hiệu xâm hại trẻ em.

Hỗ trợ Bệnh viện Nhi Trung ương thành lập mô hình "Ban Bảo vệ trẻ em", nơi cung cấp dịch vụ tích hợp cho trẻ em là nạn nhân của bạo lực và xâm hại: từ chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý, hỗ trợ pháp lý đến kết nối với cơ quan chức năng. Mô hình này đã cho thấy hiệu quả bước đầu và cần được nhân rộng ra các cơ sở y tế khác trên toàn quốc.

tre-em.jpg
Trẻ em cần được dạy về quyền tự bảo vệ bản thân và được lắng nghe khi lên tiếng.

Phóng viên: Theo bà, gia đình và cộng đồng nên đóng vai trò gì trong công tác phòng ngừa xâm hại trẻ em?

Bà Lê Hồng Loan: Gia đình và cộng đồng đóng vai trò then chốt. Phòng ngừa phải bắt đầu ngay từ môi trường sống gần gũi nhất của trẻ, đó là gia đình. Cha mẹ cần được trang bị kỹ năng làm cha mẹ để nuôi dạy con tích cực, dạy trẻ về quyền tự bảo vệ bản thân, về ranh giới cơ thể, và được lắng nghe khi lên tiếng.

Trường học cần giáo dục giới tính an toàn, còn cộng đồng thì cần thay đổi tư duy, không đổ lỗi cho nạn nhân.

Nếu nghi ngờ có dấu hiệu xâm hại, điều cần làm là tố cáo ngay, hay đơn giản và trực tiếp nhất là gọi Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Bảo vệ trẻ không phải là trách nhiệm của riêng ai, mà là của toàn xã hội.

Phóng viên: Với tình hình hiện nay, đâu là những khuyến nghị trọng tâm của UNICEF để Việt Nam có thể bảo vệ trẻ em tốt hơn?

Bà Lê Hồng Loan: Trước hết, cần thực thi nghiêm túc các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ trẻ em. Đồng thời, tăng đầu tư ngân sách cho các dịch vụ hỗ trợ trẻ em, nhất là ở cấp cơ sở. Việc phối hợp giữa các ngành từ công an, y tế, giáo dục, đến tư pháp phải được tăng cường và bài bản.

Quan trọng hơn, chúng tôi kêu gọi toàn xã hội cùng hành động. Trẻ em không thể tự bảo vệ mình, các em cần chúng ta. Hãy lắng nghe, tin tưởng, bảo vệ và trao quyền cho trẻ. Bởi trẻ em không chỉ là tương lai-các em là hiện tại, và có quyền được lớn lên trong một môi trường an toàn, yêu thương.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi.

Có thể bạn quan tâm

back to top