Ngày Thơ Nguyên Tiêu: Hướng đến một phong tục mới

Nhà thơ Trương Nam Hương (trái) và nhà văn Nguyễn Nhật Anh đang viết thơ trên giấy dó.
Nhà thơ Trương Nam Hương (trái) và nhà văn Nguyễn Nhật Anh đang viết thơ trên giấy dó.

Hình thức dự kiến sẽ được thể hiện ở nhiều nơi là tổ chức thành Ngày Thơ - Nhạc với nhiều hình thức giao lưu giữa người làm thơ với người đọc nhằm tăng tối đa sự tham gia của quần chúng yêu thích văn chương, tạo nên một ngày hội thật sự, trở nên một phong tục mới của đời sống xã hội đất nước.

Chủ trương tổ chức thật trọng thể và tưng bừng Ngày thơ Việt Nam năm nay như hoạt động mở đầu cho những hoạt động kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam đã được xúc tiến sớm trong ba tháng gần đây. Toàn bộ Ban Chấp hành Hội Nhà văn đã tham gia vào các công việc của Ban Tổ chức Ngày Thơ.

Dự kiến hoạt động Ngày Thơ Việt Nam sẽ có ba địa chỉ nổi bật hơn cả. Thứ nhất là Thành phố Hồ Chí Minh. Khác với hoạt động rất khiêm nhường, có vẻ "thầm lặng" của những năm trước, chương trình Ngày Thơ của Thành phố Hồ Chí Minh năm nay sẽ kéo dài từ 9 giờ sáng đến 22 giờ đêm trong một không gian rất đẹp và gợi cảm bên toà nhà Bảo tàng Lịch sử ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm , Q.1.

Các hoạt động Vườn thơ Di sản, Vườn thơ Đương đại. Vườn thơ Trẻ, Vườn thơ Việt Nam và Thế giới, Vườn thơ giữa đời thường được liên tục duy trì trong ngày sẽ biểu hiện một cách không thể nghi ngờ sự bừng nở của thơ ca trên mảnh đất đặc biệt này, trái tim của hai miền đồng bằng Nam Bộ trong mấy năm gần đây. Sự hiện diện của hầu hết những gương mặt nổi bật của thơ ca thành phố biểu hiện sự cởi mở phù hợp với đặc tính của thơ hiện đại, hơn nữa, có thể là một dấu ấn hoàn toàn mới mẻ của văn chương xứ nam. Công chúng sẽ thưởng lãm tất cả các hình thức phô diễn trình bày của thơ, cả tác phẩm và tác giả.

Phần thơ thế giới, những bài thơ được giới thiệu sẽ được trình bày cả trong ngôn ngữ bản ngữ (Anh, Pháp, Nhật, Hoa)... và trong tiếng Việt. Có thể thấy rằng với tính cách cởi mở vốn có của xứ nam và thói quen sẵn có về giao tiếp truyền thống, những cuộc giao lưu lớn giữa công chúng với các nhà thơ và các nghệ sĩ ở đây sẽ rất sinh động và cuốn hút. Vào cuối chương trình, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh sẽ chính thức công bố kết quả làm và bán đấu giá tập thơ kỷ lục (về độ lớn) trên giấy dó, gồm thủ bút của hơn trăm nhà thơ, và quyên số tiền bán sách này cho Quỹ hỗ trợ các nạn nhân chất độc mầu da cam.

Điểm nhấn thứ hai của Ngày Thơ Việt Nam sẽ là đêm thơ ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, kết hợp với việc kỷ niệm 240 năm, năm sinh của thi hào dân tộc Nguyễn Du. Một đoàn đại biểu của Hội Nhà văn Việt Nam do Phó Chủ tịch, nhà văn Nguyễn Trí Huân dẫn đầu, sẽ về đây tham dự. Mảnh đất hẹp và còn nhiều khó khăn này của miền Trung có thể sẽ là nơi đầy ý nghĩa để khẳng định phong tục văn hoá mới - Ngày Thơ Việt Nam. Nơi sinh ra con người đã trở nên một biểu tượng bất hủ của tiếng Việt, là hiện thân của tính thơ như một bản chất thứ hai của tiếng Việt, rất xứng đáng trở thành một chốn hành hương theo phong tục mới này.

Nhưng, cũng như truyền thống truyền đời, Thăng Long từ cổ xưa vẫn là nơi các bậc hiền tài quy tụ trau dồi, đua tranh tài chí và nêu cao sự nghiệp. Hà Nội sẽ có một Ngày Thơ Việt Nam hoành tráng hơn mọi năm, đầy cao vọng và nhấn mạnh một phong tục văn hoá mới, cố gắng kế thừa và cố gắng vươn vào tương lai. Chương trình Ngày thơ Nguyên Tiêu ở khuôn viên Văn Miếu sẽ kéo dài suốt ngày và tối 3-3-2007. (Đúng Tết Nguyên Tiêu).

Lễ thả thơ năm nay sẽ được tiến hành đầy nghi thức, trọng thể công bố và trọng thể tôn vinh, "tròn vành rõ chữ", đồng thời sẽ có sự tham dự tối đa của công chúng yêu thơ thông qua trò chơi "trắc nghiệm" đoán chữ.

Hội Nhà văn cũng quyết định bày tỏ tri âm trong dịp lễ hội này đối với những người đã góp phần quảng bá thơ ca. Sẽ trao Bằng khen cho 10 nhạc sĩ đã phổ nhạc nhiều cho thơ, trao bằng khen cho Chương trình Tiếng Thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam - một chương trình đã có từ năm 1947, và bằng khen cho 5 nghệ sĩ ngâm thơ. Đây là một cử chỉ mang tính biểu trưng các nhà văn nhà thơ bày tỏ lòng biết ơn với tâm tình tri âm của đồng bào đồng chí, của xã hội và đất nước.

Đêm Thơ Nguyên Tiêu sẽ là một trình diễn đặc sắc, công bố 100 bài thơ hay của thế kỷ vừa qua do độc giả bình chọn; một cuộc bình chọn đã được Trung tâm Văn hoá Doanh nhân phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Hướng đến xác lập một phong tục văn hoá mới - đó là định hướng mà nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nhấn mạnh thông qua mong muốn là phải tạo nên sự tham dự rộng lớn hơn nữa của công chúng, thực sự tạo nên một lễ hội thơ.