![]() |
Nghị quyết 68: "Cú huých" thể chế đưa kinh tế tư nhân hướng tới phát triển toàn diện (Ảnh: KIM DUNG) |
Theo định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm và kỳ vọng cải cách thể chế từ Nghị quyết 68, kinh tế tư nhân Việt Nam đang đứng trước cơ hội để phát triển toàn diện, bền vững, bình đẳng và hội nhập.
Từ bổ trợ đến trụ cột - bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy chính sách
Trong bài viết mới nhất về phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Phải coi nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Đây không đơn thuần là một định hướng, mà là sự thay đổi sâu sắc trong tư duy phát triển kinh tế - từ coi trọng các tập đoàn kinh tế nhà nước sang tôn trọng tất cả thành phần kinh tế một cách bình đẳng, công bằng, minh bạch.
Theo Tổng Bí thư, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm - chiếm trên 82% tổng số lao động trong nền kinh tế. Quan trọng hơn, khu vực này là nguồn động lực chính để đổi mới sáng tạo, thúc đẩy năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Không thể có một nền kinh tế thịnh vượng nếu thiếu một khu vực tư nhân mạnh mẽ, làm chủ công nghệ và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Tổng Bí thư khẳng định.
Trên nền tư tưởng ấy, Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị được kỳ vọng là “cú huých thể chế” mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tư nhân. Chia sẻ tại tọa đàm “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội vừa tổ chức, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - xem đây là “cột mốc thứ ba” trong tiến trình phát triển doanh nghiệp tư nhân.
“Sau giai đoạn ghi nhận sự góp mặt của kinh tế tư nhân (1988-1990) và giai đoạn trao quyền tự chủ (1999-2000), nay Nghị quyết 68 mở ra thời kỳ mà doanh nghiệp tư nhân được định vị là trung tâm của chiến lược phát triển quốc gia”, ông Phan Đức Hiếu lý giải.
Theo ông Phan Đức Hiếu, tinh thần cốt lõi của Nghị quyết không chỉ là tháo gỡ rào cản, mà còn là xây dựng niềm tin, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài. “Chúng ta đang chuyển từ quản lý doanh nghiệp theo cơ chế “xin - cho” sang mô hình trao quyền và bảo vệ toàn diện”, ông Phan Đức Hiếu nói.
Đặc biệt, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh vào cam kết “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”, và “không áp dụng hồi tố gây bất lợi cho doanh nghiệp” - điều từng là nỗi ám ảnh của nhiều doanh nghiệp trong các cuộc thanh kiểm tra trước đây.
Những nút thắt cần được tháo gỡ dứt điểm
Mặc dù vai trò của doanh nghiệp tư nhân ngày càng được khẳng định, nhưng thực tế cho thấy, khu vực này vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản thể chế. Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “Doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ bé, manh mún, tiềm lực tài chính yếu, trình độ quản trị thấp, kết nối chuỗi giá trị kém và đổi mới sáng tạo còn hạn chế”.
Một điểm nghẽn lớn của doanh nghiệp tư nhân là việc tiếp cận nguồn lực. Theo ông Phan Đức Hiếu, đất đai, vốn và nhân lực chất lượng cao là ba nguồn lực mà doanh nghiệp tư nhân đang rất khó tiếp cận. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ phần lớn tài nguyên đất.
![[Video] Nghị quyết 68 – Không gian mới cho phát triển kinh tế tư nhân](https://image.nhandan.vn/200x130/Uploaded/2025/mktggznrxgianhgztga/2025_05_09/dn-7301-7423-2596-3290.jpg.webp)
[Video] Nghị quyết 68 – Không gian mới cho phát triển kinh tế tư nhân
Ông Phan Đức Hiếu dẫn chứng: “Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ cần một mặt bằng sản xuất ổn định đã có thể tạo ra hàng trăm việc làm. Nhưng thủ tục phê duyệt, định giá đất, giao đất còn nhiều khó khăn, vướng mắc… kéo dài nhiều tháng, thậm chí hàng năm”. Do đó, ông cho rằng cần công khai minh bạch quỹ đất, đơn giản hóa quy trình để giảm chi phí và rủi ro cho nhà đầu tư tư nhân.
Một trong những khuyến nghị mạnh mẽ của ông Phan Đức Hiếu là cần đa dạng hóa nguồn vốn, vượt khỏi “cái bóng” của tín dụng ngân hàng. “Doanh nghiệp tư nhân cần được tiếp cận các kênh như trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm và huy động vốn cộng đồng. Thị trường vốn phải trở thành nguồn lực song hành với thị trường tín dụng”, ông Phan Đức Hiếu nói.
Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đặt ra yêu cầu về việc “giải phóng tối đa các nguồn lực phát triển cho kinh tế tư nhân”. Theo đó, cần phát triển hệ sinh thái tài chính đa tầng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng và an toàn hơn.
Ngoài ra, cải cách hành chính, chống nhũng nhiễu, giảm chi phí không chính thức cũng là đòn bẩy giúp doanh nghiệp tư nhân vươn lên. “Hành chính phục vụ doanh nghiệp - phụng sự đất nước” là phương châm xuyên suốt trong nhóm giải pháp mà Nghị quyết 68 đưa ra.
Theo ông Hiếu, một trong những điểm mấu chốt cần sửa trong tư duy chính sách là “phân định rõ ràng giữa doanh nghiệp và cá nhân chủ doanh nghiệp”. Ông phân tích, “doanh nghiệp là một thực thể pháp lý độc lập. Việc vi phạm pháp luật của một cá nhân không thể là lý do để làm tê liệt cả hệ thống doanh nghiệp”.
Chính vì thế, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách tư pháp thương mại, rút ngắn thời gian xét xử tranh chấp, tăng hiệu quả của hệ thống trọng tài, tòa án kinh tế.
Không chỉ tăng trưởng - mà là phát triển có trách nhiệm
Nghị quyết 68 không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy tăng trưởng, mà còn yêu cầu kinh tế tư nhân phát triển trên nền tảng bền vững, có đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội. “Doanh nghiệp không thể phát triển lâu dài nếu không gắn kết với cộng đồng, không chia sẻ giá trị với người lao động và xã hội”, ông Phan Đức Hiếu nói.
Trong bài viết của mình Tổng Bí thư cũng khẳng định: “Kinh tế tư nhân cần chủ động thực hiện trách nhiệm xã hội, không chỉ bằng tài chính mà còn bằng chính sách nhân văn, thực hành quản trị minh bạch, xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên đạo đức”.
Câu chuyện về kinh tế tư nhân Việt Nam đang bước vào một chương mới - nơi mà doanh nhân không còn chỉ là người kinh doanh, mà còn là người đồng kiến tạo tương lai dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân đóng góp 70% GDP, có nhiều doanh nghiệp tư nhân làm chủ công nghệ, cạnh tranh toàn cầu, vươn lên trở thành tập đoàn hàng đầu khu vực.
“Chúng ta đang sống trong thời khắc lịch sử, nếu không hành động ngay bây giờ, chúng ta sẽ lỡ cơ hội để đưa kinh tế tư nhân trở thành trụ cột thực sự”, ông Hiếu chia sẻ.
Ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, bài phát biểu của Tổng Bí thư và tinh thần cải cách thể chế của Nghị quyết 68 chính là “chìa khóa” mở ra cánh cửa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân. Nhưng chính doanh nghiệp mới là người bước qua cánh cửa ấy - bằng bản lĩnh, sự đổi mới, và một tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.
“Mỗi doanh nghiệp là một tế bào. Nếu từng tế bào khỏe mạnh, cả cơ thể sẽ vững vàng. Đã đến lúc kinh tế tư nhân trở thành một trong những huyết mạch sống động, góp phần hình thành một Việt Nam hùng cường, tự cường và thịnh vượng trong kỷ nguyên mới”, ông Phan Đức Hiếu khẳng định.