Ðạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quân Tạo:

Người nghệ sĩ, chiến sĩ

Chúng tôi hẹn ông một cuộc viếng thăm, để cùng trò chuyện với người nghệ sĩ lớp đầu tiên của Nhà hát Kịch Hà Nội, cũng là người chiến sĩ của đội cảm tử quân - Trung đoàn Thủ đô năm xưa. Ông xin lỗi vì thấy trong người không khỏe, nhưng ông vẫn ưu tiên dành thời gian cho chúng tôi một cuộc trao đổi qua điện thoại. Bởi, nhắc đến ngày 30/4 lòng ông lại trào dâng niềm xúc động, nhớ về tuổi thanh xuân sống trong bom đạn, quyết chiến đấu để bảo vệ Thủ đô, đóng góp vào chiến thắng cuối cùng của dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Đạo diễn Hoàng Quân Tạo.
Đạo diễn Hoàng Quân Tạo.

Từ người chiến sĩ của đội cảm tử quân

Năm 1946 khi mới chỉ 14 tuổi, Hoàng Quân Tạo xung phong tham gia đội cảm tử quân - Trung đoàn Thủ đô. Với phẩm chất nhanh nhẹn, hoạt bát, dũng cảm, Hoàng Quân Tạo được giao nhiệm vụ làm liên lạc cho du kích ở khu vực Thanh Trì (Hà Nội). Công việc gian nan, luôn phải đối mặt với hiểm nguy, nhưng Hoàng Quân Tạo lúc nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau đó Hoàng Quân Tạo tiếp tục được đảm nhiệm vị trí Tổ trưởng tổ phụ trách phân phối tài liệu cho cơ sở kháng chiến trong khu vực nội thành. Mùa hè năm 1952 Hoàng Quân Tạo bị thực dân Pháp bắt giam, trong một lần đến cơ sở cách mạng ở 85 Hàng Lược nhận tài liệu bí mật. Người chiến sĩ cộng sản tuổi 20 bị địch đưa về giam giữ tại Nhà ngục Hỏa Lò. Người yêu của Hoàng Quân Tạo, nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Điền cũng bị bắt giam và cùng bị đưa về Hỏa Lò thời điểm đó. Địch đã dùng mọi hình thức tra tấn dã man để hành hạ chiến sĩ cảm tử, nhưng không thể làm lung lay ý chí, lòng trung thành của ông. Trong những tháng ngày đau thương đó Hoàng Quân Tạo nhớ mãi một kỷ niệm: “Một lần tôi bị tra tấn dã man, vì quá đau đớn tôi ngất đi. Trong lúc mơ màng giữa cái sống và cái chết, tôi chợt nghe đâu đây những giai điệu êm ái của ca khúc Làng tôi. Tỉnh dậy tôi mới biết, đó là giọng hát của một nữ chiến sĩ cộng sản quê Hải Dương. Người con gái ấy đã chăm sóc và động viên tinh thần tôi bằng bài hát của nhạc sĩ Văn Cao”. Tuy nhiên, Hoàng Quân Tạo chưa kịp hỏi tên thì người con gái đã bị kẻ địch mang đi thủ tiêu.

Những đòn roi của kẻ địch tiếp tục giáng xuống, Hoàng Quân Tạo tự dặn lòng, dù có chết vẫn phải giữ cho được lòng kiên trung với cách mạng. Hằng ngày sau cánh cửa nhà tù, Hoàng Quân Tạo vẫn ngóng tin người yêu của mình cũng đang bị giam cầm nơi đây. Một năm sau nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Điền được trả tự do, riêng Hoàng Quân Tạo phải đợi đến năm 1954, khi Hiệp định Genève được ký kết, ông mới được rời Nhà tù Hỏa Lò.

Kể về những năm tháng tuổi trẻ của mình, ông trào dâng niềm xúc động. Ông tự hào đã đóng góp tuổi thanh xuân của mình cho Thủ đô - mảnh đất nơi ông sinh ra và lớn lên. Hoàng Quân Tạo đã hòa mình vào đội ngũ những người chiến sĩ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Hình ảnh ông và các đồng đội của mình mặc áo trấn thủ, đeo khăn đỏ, cầm bom ba càng đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng đẹp nhất trong lòng nhân dân khi nhắc về những ngày tháng lịch sử toàn quốc kháng chiến.

Đến người nghệ sĩ đầu tiên của Kịch nói thủ đô

Hoàng Quân Tạo bắt đầu đời nghệ sĩ từ năm 1959. Ông là một trong 18 người đầu tiên tham gia thành lập đội kịch trong Đoàn văn công nhân dân thủ đô, tiền thân của Nhà hát Kịch Hà Nội bây giờ. Trước khi trở thành người lãnh đạo của đơn vị kịch nói thủ đô, Hoàng Quân Tạo có 20 năm làm diễn viên. Ông đã hóa thân vào 30 vai kịch, phim truyện điện ảnh. Với gương mặt cương nghị và đôi mắt sáng, Hoàng Quân tạo thường vào vai chính diện, những con người giàu lòng quả cảm, hy sinh, vì nước vì dân như: vai diễn Lê Lợi trong vở Lam Sơn tụ nghĩa, Bí thư Cường trong vở Hà Nội đầu năm 1946, anh Thống trong vở Những người du kích, anh Tâm trong vở Cái máy chém, Bùi Đức Nhiệm trong vở Ngôi sao ban ngày...

Người nghệ sĩ, chiến sĩ ảnh 1

Đạo diễn Hoàng Quân Tạo (hàng đầu, thứ 2 từ phải sang), nhà viết kịch Lưu Quang Vũ hàng đầu, thứ 2 từ trái sang và các diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội khi dựng vở Tôi và chúng ta.

Nhưng đóng góp của Hoàng Quân Tạo sâu sắc nhất là ở vai trò đạo diễn. Ông đã dàn dựng khoảng 40 vở diễn, trong đó hàng loạt vở gây tiếng vang mạnh mẽ một thời vì dám đề cập đến những vấn đề thời sự nóng hổi của xã hội. Có thể kể tên các vở mà đạo diễn Hoàng Quân Tạo đã dàn dựng như: Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc vô tận, Quyền được hạnh phúc, Ăn mày dĩ vãng, Hà Nội đêm trở gió, Thung lũng tình yêu, Đời người giấc mộng... Giới kịch nghệ còn nhắc nhiều về vở diễn Tôi và chúng ta nổi tiếng của Lưu Quang Vũ, bởi đây chính là vở diễn mà Hoàng Quân Tạo đã trực tiếp “đặt hàng” tác giả Lưu Quang Vũ. Hơn một nghìn đêm diễn trên khắp mọi miền Tổ quốc biến Tôi và chúng ta trở thành một hiện tượng sân khấu chưa từng có. Một thí dụ khác, vở Hà Nội đêm trở gió - một vở kịch tâm lý dưới bàn tay dàn dựng của Hoàng Quân Tạo gây xúc động khán giả, trở thành nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Trọng Đài viết ca khúc cùng tên, đến nay vẫn là một ca khúc hay nổi tiếng được nhiều ca sĩ biểu diễn thường xuyên trong đời sống âm nhạc.

Nhìn lại bối cảnh đất nước thập niên 80 của thế kỷ 20 có thể thấy, những vở diễn sân khấu dám vạch trần những cái xấu, bất ổn trong xã hội và dự báo về cái mới trong tương lai không dễ dàng được chấp nhận. Hoàng Quân Tạo trong vai trò nhà lãnh đạo kịch nói thủ đô, một đạo diễn có tầm nhìn đã không ngại bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình trước các lãnh đạo bộ, ngành. Ông đã thuyết phục được họ, bằng tiếng nói phản ánh thời cuộc nhưng luôn mang tính xây dựng, thông qua những vở diễn giàu thông điệp.

Đối với rất nhiều đạo diễn, nhà viết kịch, nghệ sĩ thế hệ sau, Hoàng Quân Tạo như một người thầy, người anh, có ảnh hưởng sâu sắc đến con đường làm nghệ thuật của họ. Nhà viết kịch Lê Quý Hiền kể lại: “NSND Hoàng Quân Tạo là một trong những người tiếp lửa cho tôi từ kịch bản đầu tiên tôi viết. Khó có thể tin một người mới ra trường như tôi, mới trình làng một vở đầu tiên mà đã được lãnh đạo nhà hát là anh Hoàng Quân Tạo giao việc viết gấp một kịch bản ngắn về chủ đề “Si-đa” chỉ trong 2 ngày cho kịp kế hoạch. Không chỉ tin tưởng tôi viết kịch bản mà sau khi có kịch bản rồi, anh Hoàng Quân Tạo còn hỏi tôi, theo tôi thì ai vào vai nhân vật chính thì phù hợp”.

Khi nói về Nhà hát Kịch Hà Nội, cái nôi nghệ thuật của Thủ đô, một địa chỉ văn hóa mà ông là người đặt nền móng xây dựng từ viên gạch đầu tiên, NSND Hoàng Quân Tạo vẫn nhớ nhiều kỷ niệm, nhớ tên nhiều nghệ sĩ cùng thời và các nghệ sĩ trẻ sau này. Ông bảo, sân khấu phải tìm lại thời hoàng kim của mình, phải có những vở diễn mang đậm hơi thở thời đại, tác động mạnh đến xã hội. Ngày hôm nay có nhiều vấn đề để sân khấu khai thác, chỉ sợ chúng ta chưa có chế độ đãi ngộ đủ tốt để anh em nghệ sĩ họ gắn bó, dấn thân với nghề.

Với những đóng góp của mình, NSND Hoàng Quân Tạo đã giành được nhiều phần thưởng cao quý. Năm 1977 ông được trao tặng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, và năm 1987 là Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất. Năm 1996 Hoàng Quân Tạo được Trung đoàn Thủ đô trao tặng Kỷ niệm chương “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đồng thời nhận Huân chương Lao động hạng ba do Chủ tịch nước trao tặng.

Người nghệ sĩ, chiến sĩ ảnh 2
Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quân Tạo đi xe lăn lên sân khấu nhận phong tặng danh hiệu năm 2024.

Trong lĩnh vực sân khấu, năm 1992 Hoàng Quân Tạo được nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm (1986-1990) do Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội trao tặng. Năm 1993 Hoàng Quân Tạo được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Đến năm 1999 ông được trao tặng Huy chương “Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam”. Năm 2024 ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND- danh hiệu cao quý nhất cho người làm nghệ thuật.

Khi bài viết này đang hoàn thành, chúng tôi nhận được tin NSND Hoàng Quân Tạo đã về miền mây trắng. Ông ra đi ngày 27/3/2025, hưởng thọ 93 tuổi. Rất nhiều nghệ sĩ sân khấu ngậm ngùi tiếc thương một người anh cả của sân khấu Thủ đô. Bài viết này như một nén nhang tưởng nhớ ông, người chiến sĩ- nghệ sĩ đã một đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, và cho nghệ thuật sân khấu nước nhà. Ở nơi xa ấy, ông có thể mỉm cười mãn nguyện, vì ông đã sống một cuộc đời thật đẹp, thật trọn vẹn, cho lý tưởng và tình yêu quê hương, tình yêu cái đẹp mà ông đã chọn từ buổi ban đầu.