“Anh em văn nghệ sĩ là vốn quý của nền văn hóa nước nhà. Chúng ta nên tập hợp họ lại, cùng chung tay để xây dựng một nền nghệ thuật cách mạng mang đúng tinh thần của dân tộc Việt, văn hóa Việt truyền thống…”, đó là suy nghĩ của ông Dương Đình Thảo, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa Thông tin đầu tiên của thành phố mang tên Bác.
Về Nam - về với quê hương
Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ngày đó là chiến sĩ tăng thiết giáp thuộc Quân đoàn 2, Binh đoàn Hương Giang, đơn vị đầu tiên có mặt ở Sài Gòn, vào Dinh Độc Lập. Bài thơ “Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập” được ông sáng tác đúng vào tối 30/4/1975 trở thành một “tư liệu” lịch sử đặc biệt. “…Tự do xanh quá, mênh mông quá/Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi/Bỏ lại đằng sau bao trận đánh/Kịp vào thành phố sáng tên Người/Độc lập theo tăng vào cổng chính/Cờ treo trên đỉnh nước non ơi…”.
Còn trong hồi ức của nhà văn, Đại tá Nguyễn Trí Huân, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Lúc đó tôi đang là phóng viên chiến trường Quân khu 5, được tháp tùng Quân đoàn 2 giải phóng Bà Rịa-Vũng Tàu, sau đó lên tàu Sông Hồng ra giải phóng Côn Đảo… Sau khi đưa đoàn anh em tù chính trị đầu tiên về đất liền, tôi về Sài Gòn, ăn mừng ngày chiến thắng, gặp các anh em văn nghệ đủ cả Nam, Trung, Bắc như Nguyễn Tuân, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Cẩm Lai, Nguyệt Tú…, chúng tôi quyết định đi Cà Mau. Trên suốt dọc đường đi, đoàn gặp nhiều bà má miền nam ra hỏi thăm với hầu như cùng một câu: Các con có thấy… có gặp thằng con má, tên... Chúng tôi chỉ biết rơi nước mắt lắc đầu. Và sau đó, bao nhiêu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đựơc phong tặng, như một vết cứa vào lòng…”.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (1932-2014), ngày 30/4/1975 ông đang ở Hà Nội sau một thời gian dài vào chiến trường trực tiếp “giáp trận” từ Mậu Thân 1968, và các chiến dịch lớn nhỏ khác ở chiến trường Nam Bộ. Tâm trạng của ông trong ngày thống nhất:“Không thể tưởng tượng được cái niềm vui lúc đó nó như thế nào, trưa 30/4/1975, khi Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin Giải phóng Sài Gòn… và cả biển người xô ra ngoài đường reo hò, cờ hoa tung bay, còn tôi và một số anh em người miền nam thì được mọi người cả lạ cả quen ôm lấy chúc mừng, rồi khóc, cười… Như một điều kỳ diệu của hạnh phúc. Ngay trong tuần đầu tiên, những nhà văn miền nam chúng tôi được ông Tố Hữu ưu tiên cho một chuyến máy bay đưa vào Sài Gòn, không phải đi đường bộ…”.
Với nhà văn Lê Văn Thảo (1939-2016), nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông từng nhớ về ngày đó: “Và tôi cùng một số anh em văn nghệ sĩ miền nam đi trên chuyến bay đầu tiên Hà Nội- Sài Gòn, để có thể về nhà - về nhà nhanh nhất sau hơn 20 năm xa. Có lẽ trong cuộc đời tôi, pháo hoa mừng hòa bình thống nhất ở Sài Gòn 4/5/1975 là đêm pháo hoa đẹp nhất tôi được ngắm nhìn”.
Và thật sự một cuộc gặp gỡ thống nhất hai miền nam bắc của giới cầm bút đã tạo nên một dấu ấn hòa hợp đầy ý nghĩa. Cuộc gặp đầu tiên giữa lực lượng ở R - Văn nghệ Giải phóng với các nhà văn miền nam, nhà văn tập kết miền bắc vào ngày 9/5/1975 tại trụ sở 190 Công Lý (hiện là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), tiếp theo là “Hội nghị các nhà văn giải phóng” lần I ngày 17/6/1975, có tới 500 người tham dự với đông đảo các cây bút miền nam.
Văn nghệ sĩ “Nối vòng tay lớn”
Các nhạc sĩ đã “bắt” theo ngày vui. Chiều 30/4/1975, nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng”, qua Đài Tiếng nói Việt Nam-VOV đã thành làn sóng đồng ca của cả nước từ bắc vào nam. Những ngày cuối tháng 4/1975, ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà được sáng tác, sau đó phát sóng VOV vào sáng 1/5/1975 qua giọng ca NSND Trung Kiên... Và đêm 1/5/1975 từ bài thơ của nhà báo Đăng Trung, nhạc sĩ Cao Việt Bách đã phổ những giai điệu đẹp trong “Tiếng hát thành phố mang tên Người”.
Hầu như tại Sài Gòn vào những ngày đầu hòa bình, đêm nào cũng có biểu diễn của văn công các quân đoàn, sư đoàn tại nơi đóng quân, nhân dân đến xem rất đông, không khí tưng bừng, ấm áp và rất thân thiện. Ngoài lực lượng văn công của quân giải phóng, từ 19/5/1975 còn có nhiều đoàn khác từ miền bắc vào như Đoàn Ca múa miền Nam, Đoàn Ca múa Trung ương, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, Ca múa nhạc Thủ đô, Không quân, Hải quân, Ca múa nhạc Hải Phòng, đoàn cải lương Nam Bộ, đoàn Chuông vàng Thủ đô… Đặc biệt là nhiều ca sĩ nổi tiếng của Sài Gòn như Chánh Tín, Lệ Thu, Họa Mi, Thanh Lan, Bích Trâm… đã hăng hái tham gia vào các chương trình ca nhạc phục vụ đồng bào.
Đặc biệt là Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam do nhạc trưởng Trọng Bằng chỉ huy. Ngày 1/6/1975, tại Nhà hát thành phố (trước là trụ sở Hạ nghị viện chính quyền Sài Gòn), bản giao hưởng “Định mệnh” của Beethoven vang lên hùng tráng cùng nhiều bản nhạc kinh điển khác. Cùng với đó là tác phẩm “Tây Nguyên chiến thắng” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, “Thắng lợi tình yêu Tổ quốc” của nhạc sĩ Nguyễn Ðình Tấn. Vở nhạc kịch “Người tạc tượng” của nhạc sĩ Ðỗ Nhuận được trình diễn buổi 100 tại Nhà hát Chợ Lớn, gây tiếng vang và ấn tượng với công chúng Sài Gòn.
Rất sôi động là hoạt động sân khấu ở Sài Gòn. Các nghệ sĩ sân khấu kỳ cựu đều có mặt từ sớm. Nhiều cây bút của sân khấu miền nam đã tập hợp lại, đón nhận kinh nghiệm sáng tác kịch bản của cây bút cách mạng. Rồi các nghệ sĩ kỳ cựu sân khấu Sài Gòn như Nam Sơn, Viễn Khách, Thu An, Thanh Nga, Bảy Nam, Phùng Há, Kim Cương, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Thẩm Thúy Hằng, Út Trà Ôn, Diệp Lang… và nhiều đạo diễn- diễn viên đào tạo ở Đông Âu từ Hà Nội vào như Ngô Y Linh, Huỳnh Nga, Minh Trị, Thành Trí, Đoàn Bá, Chi Lăng, Ca Lê Hồng, Văn Thành, Hoàng Sa, Ngọc Bé… cùng góp phần vào hoạt động. Đoàn cải lương Sài Gòn 1 trình diễn ba vở tuồng nổi tiếng: “Phụng Nghi Đình”, “Sân khấu về khuya” và “Đời cô Lựu”. Tiếp theo là một loạt các đoàn kịch nói, cải lương, văn công khác. Nhiều kịch bản được chỉnh sửa kịp thời, gửi đến người xem thông điệp mới của sân khấu cách mạng như “Người ven đô”, “Ánh lửa rừng khuya”, “Tìm lại cuộc đời”, “Một cuộc giải phẫu”, “Lửa phi trường”, “Dưới cờ Tây Sơn”, “Đường về núi Lam”, “Tiếng trống Mê Linh”…
Điện ảnh cũng sôi động không kém. Các nghệ sĩ của Hãng Phim truyện Việt Nam như Đặng Nhật Minh, Hải Ninh, Bùi Đình Hạc, Bành Bảo, Tô Thi, Trần Vũ, Hoàng Tích Chỉ… đã góp mặt với nhiều bộ phim tài liệu, phim truyện phát trên truyền hình và chiếu lưu động ở những vùng mới giải phóng. Đó là “Tháng 5 - những gương mặt” của Đặng Nhật Minh, “Qua cầu Công Lý” của Trần Vũ, “Sài Gòn tháng 5/1975” của Bùi Đình Hạc, “Thành phố lúc rạng đông” - phim truyện của Hải Ninh...
50 năm đã qua, các cuộc gặp gỡ văn nghệ sĩ hai miền nam bắc cùng nhiều nghệ sĩ Sài Gòn vào những ngày đầu của hòa bình mãi là kỷ niệm đẹp của tin yêu, hòa hợp, gắn kết trong một bản hòa ca văn nghệ nối vòng tay ngày thống nhất đất nước.