Phóng viên (PV): Ở khu vực ông đang sống có những nét độc đáo nào của làng trong phố còn giữ mà ông thích thú?
PGS, TS Ngô Văn Giá (NVG): Cho đến giờ thì cái ý niệm về làng rất mờ nhưng cái tôi nhớ nhất là các lễ hội của làng, thường được tổ chức ở đình, có hình thức tế lễ và rước kiệu, dân làng đến rất đông, có nghi thức thờ cúng, đám rước và các trò chơi dân gian. Họ vẫn giữ được các trò chơi dân gian như đấu vật, chọi gà... Các dấu vết về kiến trúc tâm linh là đình làng và cổng làng còn được bảo vệ, ngoài ra, còn có các nhà thờ họ, và mối quan hệ thường nhật giữa các cư dân trong làng cũng còn lưu lại khá rõ nét. Tôi quan sát thấy mọi người gặp nhau thì hỏi han, nhà ai có việc vui, việc buồn thì đều đến chia sẻ, nhất là các đám hiếu. Dấu vết của làng trong phố nó hiện ra như vậy, nói theo cách nói của nhà thơ Tú Xương “Ai đã xoay ra phố cả làng”.
PV: Theo ông, những giá trị văn hóa, tập quán khi hội nhập làng vào đô thị cần điều chỉnh thế nào cho phù hợp?
NVG: Những giá trị tốt phải bảo tồn và phát huy. Như thờ cúng thành hoàng làng, các trò chơi truyền thống…, chúng có tính nhân văn. Nhưng các trò chơi mở ra trong các dịp lễ hội để ăn tiền, cờ bạc, lợi dụng thương mại hóa, các hủ tục mê tín dị đoan như bói toán, rút thẻ... thì mình nên bài trừ đi.
PV: Cần có phương pháp quy hoạch, bảo vệ giá trị làng trong phố cho chỉn chu, ông nghĩ sao về điều này?
NVG: Ở các đơn vị làng trong phố, nếu chính quyền am hiểu văn hóa, tổ chức quản lý tốt thì vẫn gìn giữ được những nét truyền thống, đồng thời vẫn tạo điều kiện cho cư dân hòa nhập vào đời sống hiện đại. Nếu làm được thì sẽ hình thành được một kiểu làng hiện đại, văn minh, giữ được căn cốt truyền thống, không gian văn hóa giữ gìn cùng tình làng nghĩa xóm, phong tục tập quán tín ngưỡng, hội hè... trong khi người dân vẫn cứ sống một cuộc sống hiện đại từ ăn mặc, giao tiếp, hưởng thụ văn minh...
PV: Xin cảm ơn ông!
