Lúc 9 giờ 45 phút ngày 21/2, Tổ tuần tra, kiểm soát của Trạm Kiểm tra, giám sát trên sông, vịnh thuộc Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng do Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Dung làm Tổ trưởng đã cứu kịp thời cháu T.L.D (nữ, khoảng 17 tuổi), trú tại phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng nhảy cầu tự tử.
Cũng như D., không ít trẻ vị thành niên đi đến giải pháp kết thúc cuộc sống của mình vì không chịu được những áp lực học tập, bạo lực học đường, mâu thuẫn với gia đình, bạn bè... Nhiều gia đình đến khi mất con rồi mới đau xót nhận ra con mình đã có những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tự tử từ trước.
Dấu hiệu cảnh báo trẻ vị thành niên có nguy cơ tự tử
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Mai Hương - Trưởng Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử ở trẻ vị thành niên. Một trong những yếu tố chính là các rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm và căng thẳng do áp lực học tập, mâu thuẫn gia đình hoặc mối quan hệ bạn bè.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, bạo lực học đường cũng là nguyên nhân lớn khiến nhiều trẻ rơi vào trạng thái suy sụp, bị cô lập hoặc bị tấn công cả về thể chất và tâm lý.
Bên cạnh đó, những biến động cảm xúc mạnh mẽ trong lứa tuổi này khiến trẻ đôi khi không thể lựa chọn những cách ứng phó thích hợp, dẫn đến những hành vi tự tử. Đó có thể được là hành vi né tránh khi trẻ gặp những căng thẳng, mâu thuẫn, xung đột, bế tắc khó giải quyết trong cuộc sống. Một số trẻ chia sẻ về cảm giác trống rỗng, không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống.
Trẻ vị thành niên (từ 10-19 tuổi) là độ tuổi có những thay đổi mạnh mẽ về tâm, sinh lý. Giai đoạn này, trẻ trải qua sự biến đổi về cơ thể, dậy thì, phát triển hormone và nhu cầu muốn độc lập. Đây là giai đoạn rất phong phú về mặt cảm xúc, nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần.
Theo bác sĩ Mai Hương, tự tử là một vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, đang ngày càng gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và CDC Hoa Kỳ, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 ở trẻ em và thanh niên từ 15-30 tuổi.
Tại Việt Nam, theo một khảo sát về sức khỏe tâm thần ở lứa tuổi học sinh trung học phổ thông được thực hiện bởi UNICEF Việt Nam cho thấy cứ khoảng 6 trẻ thì có 1 trẻ đã từng suy nghĩ nghiêm túc đến việc tự tử trong vòng 12 tháng qua.
"Đây là con số đáng báo động, đòi hỏi chúng ta phải có những biện pháp phát hiện sớm, giúp ngăn ngừa và hỗ trợ cho những học sinh, trẻ vị thành niên có suy nghĩ, ý tưởng, hành vi tự tử", bác sĩ Hương nói.
Chuyên gia này nhấn mạnh, việc nhận diện sớm hành vi tự tử ở trẻ vị thành niên rất quan trọng, đòi hỏi sự quan tâm từ gia đình, nhà trường và cộng đồng. Cha mẹ cần chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo, từ những lời nói, sự thay đổi cảm xúc rõ ràng đến các dấu hiệu kín đáo của trẻ.
Một số dấu hiệu cần chú ý bao gồm: Trẻ trở nên chán nản, ngại giao tiếp, thu mình, thường xuyên nói về những điều tiêu cực; trẻ có những lời dặn dò với người thân hoặc tìm kiếm thông tin về tự tử.
Bên cạnh đó, trẻ thay đổi hành vi và cảm xúc rõ rệt mà không có lý do rõ ràng, như chán học, xa lánh bạn bè, hay thể hiện sự tuyệt vọng.
Cha mẹ cũng đặc biệt lưu ý: Khi trẻ bày tỏ suy nghĩ về tự tử, cha mẹ không nên chủ quan, vì đó có thể là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng cần được lắng nghe và chia sẻ.
Cha mẹ cần hiểu rõ tâm lý và đặc điểm phát triển của trẻ ở độ tuổi vị thành niên. Trẻ cần không gian riêng để phát triển và thể hiện bản thân, nhưng đồng thời cũng cần sự gần gũi, chia sẻ và thấu hiểu từ cha mẹ.
Cha mẹ cần làm gì ngăn ngừa hành vi dại dột của trẻ
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Mai Hương nhấn mạnh, để ngăn ngừa hành vi tiêu cực, cha mẹ có thể tạo ra một môi trường sống lành mạnh, khuyến khích giao tiếp cởi mở giữa các thành viên trong gia đình, tránh việc quá bận rộn mà không dành thời gian cho con.
Lắng nghe và chia sẻ cùng trẻ thay vì áp đặt, ép buộc con phải làm theo ý mình. Điều này giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng và không bị bỏ rơi.
Cha mẹ sẽ hãy luôn là điểm tựa để khi trẻ gặp những khó khăn sẽ quay về nói chuyện, chia sẻ và nhận được sự trợ giúp của cha mẹ.
Tại Việt Nam, theo một khảo sát về sức khỏe tâm thần ở lứa tuổi học sinh trung học phổ thông được thực hiện bởi UNICEF Việt Nam cho thấy cứ khoảng 6 trẻ thì có 1 trẻ đã từng suy nghĩ nghiêm túc đến việc tự tử trong vòng 12 tháng qua.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường học tập an toàn và hỗ trợ trẻ phát triển tâm lý khỏe mạnh. Do đó, nhà trường cần có các biện pháp phòng ngừa như: Tạo môi trường học tập không có áp lực, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, vui chơi, và thể hiện cá tính.
Nhà trường cần phát hiện sớm những trường hợp có dấu hiệu bạo lực học đường và những thay đổi về tâm trạng cũng như sa sút về học tập mà không rõ nguyên nhân, trẻ trong trạng thái không muốn đi học, từ chối tiếp xúc... để từ đó thông báo kịp thời với cha mẹ, từ đó phối hợp với cha mẹ lên kế hoạch để hỗ trợ cho trẻ.
Các trường học nên có phòng tham vấn học đường để trẻ có thể tìm đến khi cần sự hỗ trợ về tâm lý.