Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, Hà Nội hiện có 351 nhà vệ sinh công cộng; trong đó, 176 nhà vệ sinh được xây bằng gạch, 91 được làm bằng kết cấu thép không gỉ (inox) và 84 nhà vệ sinh do Công ty cổ phần thương mại và truyền thông Vinasing lắp đặt. Con số này là quá ít so với mật độ dân cư và số lượng khách du lịch lớn tại Hà Nội, nhất là ở khu vực phố cổ và trung tâm thành phố, nơi tập trung đông du khách trong và ngoài nước.
Không chỉ thiếu về số lượng, nhiều nhà vệ sinh công cộng còn bị xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí có những điểm không thể sử dụng. “Tôi từng phải đi bộ hơn 20 phút chỉ để tìm một nhà vệ sinh công cộng mà không thấy. Cuối cùng, tôi đành phải vào một quán cà-phê gọi ly nước và xin phép sử dụng nhờ nhà vệ sinh”, chị Nguyễn Hà Phương, du khách từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về một chuyến thăm Hà Nội.
Trước thực trạng đó, tháng 3/2025, Ủy ban nhân dân phường Trúc Bạch đã triển khai mô hình “Free Restroom” - hình thức xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng, với mục tiêu mở rộng việc tiếp cận nhà vệ sinh sạch sẽ, tiện lợi cho người dân và du khách.
Thay vì phải đầu tư xây mới hàng trăm công trình, mô hình này dựa trên sự tự nguyện của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực, lưu trú, các trụ sở cơ quan trên địa bàn. Các cửa hàng, cơ sở sẽ mở cửa nhà vệ sinh miễn phí, không yêu cầu khách phải sử dụng dịch vụ khác, nhằm phục vụ cộng đồng và nâng cao hình ảnh địa phương. Hiện đã có 24 cơ sở tự nguyện tham gia mô hình, chủ yếu tập trung tại các tuyến phố Trúc Bạch, Hàng Than, Ngũ Xã.
“Trước khi triển khai thí điểm, chúng tôi đã họp lấy ý kiến người dân và các hộ kinh doanh, đa phần đều đồng thuận và sẵn sàng tham gia vì lợi ích chung. Mô hình này không chỉ giúp phường tiết kiệm chi phí đầu tư mà còn giúp cải thiện chất lượng phục vụ du khách và người dân”, ông Lê Tất Thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trúc Bạch cho biết.
Để giúp khách du lịch nhận diện, các cơ sở tham gia đều dán logo hình mặt cười với dòng chữ “Free Restroom-Sảng khoái hơn ở nhà” trước cửa. Không chỉ có bảng hiệu, dữ liệu về các điểm “Free Restroom” còn được số hóa và đăng tải trên cổng thông tin, fanpage chính thức của phường, dễ dàng tra cứu trên điện thoại.
Mô hình này được người dân và nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn phường Trúc Bạch hưởng ứng. Chị Nguyễn Ngọc Tâm, chủ quán cà-phê 26 phố Trúc Bạch cho biết: “Từ khi dán biển “Free Restroom”, nhiều khách du lịch nước ngoài ghé vào xin sử dụng. Tôi rất vui vì đã góp phần xây dựng hình ảnh thân thiện của Hà Nội”.
Chị Đào Thị Nga, chủ quán cà-phê 111 phố Trúc Bạch chia sẻ: “Trước khi phường tổ chức mô hình này, tôi đã để du khách sử dụng nhà vệ sinh khi có nhu cầu rồi. Khách chỉ cần lịch sự, giữ gìn vệ sinh thì chúng tôi luôn sẵn lòng. Nhiều người khen Hà Nội thân thiện hơn cả kỳ vọng của họ”.
Anh Liam, du khách người Mỹ, bày tỏ sự hài lòng khi lần thứ hai đến Hà Nội: “Lần đầu đến Hà Nội năm ngoái, tôi rất khó khăn khi tìm nhà vệ sinh, nhất là ở khu vực phố cổ. Lần này, tôi bất ngờ vì nhiều nơi treo biển “Free Restroom”. Tôi cảm thấy Hà Nội đang thay đổi theo hướng hiện đại hơn mà vẫn giữ được sự thân thiện vốn có”.
Dù nhận được sự ủng hộ rộng rãi, chính quyền địa phương cũng thừa nhận mô hình “Free Restroom” vẫn cần nhiều yếu tố để vận hành bền vững, nhất là ý thức của người sử dụng. “Chúng tôi rất mong mỗi người dân và du khách khi sử dụng nhà vệ sinh miễn phí hãy coi đó là không gian chung, giữ gìn sạch sẽ để không làm phiền hay gây thêm gánh nặng cho các chủ cơ sở”, đại diện một nhà hàng trên phố Trúc Bạch chia sẻ.
Mô hình “Free Restroom” không chỉ là một giải pháp tình thế giúp giải tỏa áp lực lên hạ tầng đô thị mà còn là một bước tiến về tư duy quản lý: lấy cộng đồng làm trung tâm, kết nối người dân và chính quyền để cùng nhau tạo nên không gian sống văn minh.