Bạc Liêu

Nhiều hoạt động thiết thực mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước

NDO - Ngày 26/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng (ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu).
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương (đứng giữa) cắt băng khánh thành dự án Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: TRỌNG DUY
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương (đứng giữa) cắt băng khánh thành dự án Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: TRỌNG DUY

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, khẳng định, di tích khảo cổ Vĩnh Hưng là di tích hàm chứa những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ.

Nhiều hoạt động thiết thực mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều tặng bằng khen cho những tập thể tại lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt khảo cổ Vĩnh Hưng, ở huyện Vĩnh Lợi.

Cùng với những phát hiện khảo cổ học tại nhiều địa phương khác, những phát hiện các vết tích văn hóa vật chất được sưu tầm, khai quật tại Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng đã góp phần xác định về lịch sử một vương quốc Phù Nam cổ đại đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á có lãnh thổ rộng lớn bao trùm cả vùng Nam Đông Dương và Malaysia. Những tư liệu khảo cổ học thu thập được trở thành nền tảng quan trọng trong lịch sử buổi đầu dựng nước của vùng đất Nam Bộ.

Theo đó, Tháp Vĩnh Hưng mang tính tiêu biểu và độc đáo, là "kiến trúc dạng tháp ở Nam Bộ còn nguyên dạng" và mang "tính chất duy nhất của một nền kiến trúc còn lại trên mặt đất của văn hóa Óc Eo"; mang tính tiêu biểu và độc đáo, là "kiến trúc dạng tháp ở Nam Bộ còn nguyên dạng" và mang "tính chất duy nhất của một nền kiến trúc còn lại trên mặt đất của văn hóa Óc Eo".

Nhiều hoạt động thiết thực mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước ảnh 2

Tháp cổ Vĩnh Hưng (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), nhìn từ mặt sau.

Sự hình thành và tồn tại của tháp Vĩnh Hưng góp phần minh chứng lịch sử hình thành và phát triển tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân cổ văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ - Việt Nam. Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu là Di tích quốc gia đặc biệt.

Cũng nhân dịp mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, ngày 26/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ khánh thành Dự án Bảo tàng tổng hợp tỉnh.

Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu dự.

Phát biểu tại buổi lễ thành thành, đồng chí Huỳnh Hữu Trí, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu nêu rõ, năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu bố trí hai khối nhà B và C trong cụm nhà hát Cao Văn Lầu (Nhà hát Ba nón lá) để chuyển đổi công năng thực hiện dự án trưng bày, triển lãm cho Bảo tàng tỉnh.

Đây là quyết định đánh dấu bước chuyển biến trong hành trình xây dựng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa mang đậm dấu ấn vùng đất và con người Bạc Liêu.

Dự án trưng bày nội thất Bảo tàng tổng hợp tỉnh là dự án có quy mô khá lớn, với hơn 10 gói thầu, có thể nói đây là một trong những công trình có ý nghĩa rất quan trọng đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bạc Liêu.

Quá trình triển khai thực hiện dự án thi công rất nhiều hạng mục, trong đó phải chuyển công năng một số hạng mục và cải tạo lại bên trong hai khối nhà B, C để thiết kế trưng bày theo 10 chủ đề.

Nhiều hoạt động thiết thực mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước ảnh 3

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh Bạc Liêu tham quan Bảo tàng tổng hợp tỉnh. Ảnh: TRỌNG DUY

Trước đó, dự án Trưng bày nội thất Bảo tàng tổng hợp của tỉnh thi công vào ngày 2/10/2023. “Qua gần 19 tháng thi công, hôm nay đúng vào dịp chúng ta kỷ niệm 50 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng”, đồng chí Huỳnh Hữu Trí cho biết.

Dự án Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bạc Liêu có tổng kinh phí hơn 75 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách địa phương, do Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư. Nhà thầu liên doanh là Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư và xây dựng A.V.IE.W và Công ty cổ phần Mỹ thuật Trung ương thực hiện xây dựng.

Nhiều hoạt động thiết thực mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước ảnh 4

Bảo tàng tổng hợp Bạc Liêu thu hút sự quan tâm của nhiều lãnh đạo và cán bộ, nhân dân. Ảnh: TRỌNG DUY

Theo thiết kế, Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu trưng bày các chuyên đề về: Lịch sử hình thành, địa giới hành chính, môi trường tự nhiên; nền văn hóa Óc-Eo, không gian văn hóa 3 dân tộc Kinh-Khmer-Hoa; lịch sử đấu tranh cách mạng của Bạc Liêu và Bạc Liêu trên đường phát triển.

Cũng nhân dịp này, trước đó, ngày 25/4, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã được xem phim tài liệu về lịch sử giải phóng Bạc Liêu ngày 30/4/1975 và quá trình phát triển của Bạc Liêu qua 50 năm thống nhất đất nước. Những thước phim đã ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc nói chung và Bạc Liêu nói riêng về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - một trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc ta.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định: 50 năm đã trôi qua, từ máu lửa và đạn bom, từ mất mát và đau thương, Bạc Liêu đã cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên của độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Năm 2025 là năm Bạc Liêu “về đích” hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng...