Nhiều nghị quyết quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và cải cách thể chế

Ngày 17/5, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV, dưới sự điều hành của các Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành cao nhiều nghị quyết có ý nghĩa quan trọng đặc biệt nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, cải cách thể chế và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường cùng các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. (Ảnh THỦY NGUYÊN)
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường cùng các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Buổi sáng, với 429/434 đại biểu Quốc hội tán thành (đạt tỷ lệ 98,84% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm phát triển kinh tế tư nhân.

Chính sách đột phá phát triển kinh tế tư nhân

Nghị quyết khẳng định vai trò động lực then chốt của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển đất nước, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Nghị quyết áp dụng đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác có liên quan; có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua.

Nghị quyết quy định rõ: Việc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh không được quá 1 lần/năm, trừ khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Các hoạt động thanh, kiểm tra phải tránh chồng chéo, không làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh; yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, lợi dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Đáng chú ý, Nghị quyết đặt trọng tâm chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát, thúc đẩy quản lý theo hướng minh bạch, hiệu quả. Các thủ tục cấp phép, điều kiện kinh doanh sẽ được công khai, thực hiện hậu kiểm trừ một số trường hợp đặc thù. Việc xử lý vi phạm tôn trọng nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm giữa pháp nhân và cá nhân, giữa các chế tài hành chính, dân sự và hình sự.

Nghị quyết cũng quy định nguyên tắc xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh như: phân định rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân trong xử lý vi phạm; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự.

Đối với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự.

Nghị quyết cũng đặt ra các nguyên tắc bảo vệ tài sản của doanh nghiệp khi xử lý các vụ việc, vụ án. Các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản phải bảo đảm đúng trình tự, hạn chế đến mức thấp nhất tác động hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phân biệt rõ tài sản hợp pháp với tài sản vi phạm, ngăn ngừa thất thoát, khơi thông nguồn lực phục vụ tăng trưởng.

Đáng chú ý, Quốc hội thống nhất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong ba năm đầu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sẽ được miễn thuế hai năm, giảm 50% thuế trong bốn năm tiếp theo. Chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại các trung tâm đổi mới sáng tạo cũng được miễn giảm thuế thu nhập cá nhân theo cơ chế tương tự…

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Nghị quyết này, cho biết: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Nghị quyết đã điều chỉnh thời điểm áp dụng việc bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh từ ngày 1/1/2026 thay vì ngày 1/7/2026 như dự thảo trước; để giảm gánh nặng, chi phí, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi số, bên cạnh đó quy định Nhà nước bố trí kinh phí để cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng cho hộ kinh doanh...

Tạo cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch để thu hút nhân tài

Trong phiên làm việc tại tổ chiều qua, phần lớn đại biểu bày tỏ nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch. Bởi sau nhiều năm thực thi, Luật đã bộc lộ một số bất cập, chưa theo kịp yêu cầu quản lý trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, cải cách hành chính và chuyển đổi số mạnh mẽ.

Nhiều đại biểu cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, gắn với yêu cầu có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, nhất là đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Đoàn Bình Thuận) và một số đại biểu khác đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng khi quy định các ngoại lệ đối với những trường hợp có lợi cho Nhà nước và xã hội, không phương hại đến lợi ích quốc gia theo dự án Luật.

Cụ thể, cần xem xét chỉ áp dụng ngoại lệ đối với một số đối tượng nhất định như người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời phải kèm theo những điều kiện chặt chẽ, chi tiết. Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết hồ sơ nhập quốc tịch, nếu xảy ra sai sót, thiếu minh bạch do các cơ quan tham mưu, người dân có thể tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp thông qua việc phản ánh, khiếu nại.

Liên quan dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, cần xem xét kỹ lưỡng quy định công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài khi thực hiện các quyền ứng cử, tuyển dụng vào các chức danh, làm việc trong tổ chức bộ máy Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, tham gia lực lượng vũ trang phải thôi quốc tịch nước ngoài và phải thường trú tại Việt Nam. Ngoài ra, cần bổ sung những trường hợp có cha, mẹ nuôi là người Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam.

★ Hôm qua, với 436/438 đại biểu tán thành (tỷ lệ 99,54% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, nhằm bảo đảm nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, chi trả chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐCP của Chính phủ.

Cụ thể, Quốc hội cho phép sử dụng 15.710 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư chuyển sang năm 2025, đồng thời bổ sung dự toán thu chi ngân sách trung ương năm 2025 với tổng mức 28.290 tỷ đồng từ nguồn tích lũy cải cách tiền lương.

Để hỗ trợ chính sách miễn học phí và thực hiện các nhiệm vụ phát sinh từ sắp xếp tổ chức bộ máy, Quốc hội cho phép chuyển nguồn 6.623 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên năm 2024 chưa phân bổ sang năm 2025. Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, gồm 12 điều, sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025.

Cùng ngày, các đại biểu đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vừa trình Quốc hội.