Bối cảnh trong truyện là cồn nhỏ nằm bên bờ sông Hậu chảy qua tỉnh An Giang, nơi có những ngư dân mải mê sông hồ “đánh bắt những con cá lớn bằng tấm ván ngựa, hai mắt tròn vo bằng hai cái chén” với ước mong đổi đời. Cá hô thuộc họ cá chép, sống ở các vùng sông lớn và sâu như sông Tiền, sông Hậu chảy qua các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ. Những năm 1990 trở về trước, nếu tắm ở đầu nguồn sông Tiền đoạn qua Tân Châu, tỉnh An Giang, khi bơi xa bờ, thỉnh thoảng lại đạp trúng những con cá to bên dưới. Nhưng không ai sợ vì biết đó là loài cá hô hiền lành. Cá hô có hai loài phổ biến gồm cá hô đen và hoa cà, thỉnh thoảng có cả cá hô vàng.
Ở các dòng sông thuộc địa phận tỉnh An Giang, ngư dân thả lưới thi thoảng lại bắt được con cá hô nặng hàng trăm ký. Họ vui mừng vì tiền bán cá bằng tiền bán một con lợn xuất chuồng. Khi cá được cho lên xe lôi để đi giao cho các nhà hàng thì cũng là lúc trẻ em, người lớn đứng đông nghẹt khắp đường làng xem con “cá khủng” nằm chật cả xe lôi, có vẩy to bằng miệng chén.
Một trong những con sông có nhiều cá hô sống là sông Vàm Nao. Đây là một điều thú vị mà bao lâu nay, những ngư dân ở đây chưa thể lý giải vì sao cá hô lại chọn con sông ngắn nhất của tỉnh An Giang? Phải chăng vì sông Vàm Nao tiếp giao giữa sông Tiền và sông Hậu cho nên lòng sông có nhiều đáy sâu và hang hốc cho cá hô sinh sống? Chưa kể, ở cù lao xã Bình Thủy, huyện Châu Phú có xóm ngư dân với hàng chục tay lưới nổi tiếng chuyên đánh bắt cá hô khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Để bắt được cá, họ phải đan giàn lưới trị giá thời điểm đó gần một lượng vàng. Một mùa cá hô bắt được vài con xem như trúng mánh.
Đến sông Vàm Nao mùa này bến sông vắng ngắt tay lưới. Ngư dân Nguyễn Văn An kể: Các lão niên thường nhắc lại, lúc xưa từ tháng Giêng đến tháng Tư âm lịch, cá hô từ các nơi di cư về Vàm Nao như tựu hội. Họ đoán đây là mùa sinh sản của chúng vì nếu đánh bắt được, cá cái thường đang mang trứng. Cá hô có đặc tính dễ nhận biết, đó là vào đêm trăng, chúng hay nhào lộn quăng mình rầm rầm trên sông. Ở cù lao Bình Thủy còn có các tục lệ do xóm cá đặt ra: Đó là ai thấy bóng cá hô nổi lên mặt nước, nếu bắt được cá người đó sẽ được ngư dân thưởng từ tiền bán cá. Ngư dân nào ra nghề lần đầu tiên thả lưới bắt được cá hô dù to hay nhỏ thì phải khao con cá đó cho cả vùng.
Trước đây, cá hô chưa có tên trong Sách Đỏ Việt Nam nên ngư dân đánh bắt thường xuyên. Sau này, khi bị cấm đánh bắt để bảo tồn nguồn cá quý cạn kiệt thì ngư dân đã bán hết giàn lưới cá hô. Theo thời gian, mùa cá hô hội sông Vàm Nao cũng tàn lụi dần, lớp trẻ cù lao Bình Thủy với xóm lưới cá hô ngày nào chỉ biết đến mùa cá hô hội từ thế hệ trước kể lại. Tuy loài cá khổng lồ không còn xuất hiện như xưa nhưng nguồn gien quý của chúng vẫn được giữ gìn. Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) sau nhiều năm đã nghiên cứu bảo tồn, cho sinh sản nhân tạo thành công cá hô. Năm 2008, Trung tâm này đã cung ứng cá hô giống cho thị trường nuôi cá thịt và phổ biến kỹ thuật nuôi cá hô cho các hộ nuôi. Tại tỉnh An Giang, khi thả cá hô về tự nhiên để tái tạo lại nguồn cá, cá hô giống luôn được thả cùng.
Vào mùa nước nổi, lúc xả ao nuôi cá tra, bơm lấy nguồn nước mới, người dân thấy trong ao xuất hiện nhiều cá hô con bị máy bơm hút vào nên nuôi dưỡng chúng cùng cá tra. Khi cá lớn, có người đem bán, có người thì nuôi như cá kiểng. Ở các chợ cá của tỉnh An Giang vẫn hay bày bán cá hô đen nhưng trọng lượng chỉ từ 20 kg/con trở xuống. Riêng tại An Giang đã có hàng chục hộ nuôi cá hô thương phẩm xen kẽ các loài cá khác trong ao, bè.
Ông Võ Vĩnh Hòa, một hộ nuôi cá hô thương phẩm ở thành phố Long Xuyên, An Giang cho biết: Vì lượng cá hô nuôi không nhiều cho nên ổn định đầu ra, chủ yếu phục vụ nhu cầu của nhà hàng, khách sạn. Vào thời điểm cận Tết, một số công ty cũng đặt mua cá hô làm nguyên liệu chế biến các món đặc sản thết đãi khách và người lao động. Cá hô là loại cá được ưa chuộng vì thịt ngon và được nuôi trong môi trường nước bảo đảm chất lượng, nếu nước không đủ điều kiện yêu cầu, cá sẽ lâm bệnh, nổi đầu lên trong vài ngày rồi bỏ ăn, ốm chết.
Mùa cá hô hội sông Vàm Nao ngày nào chỉ còn trong ký ức của các lão ngư xóm cá ở cù lao Bình Thủy, những con cá hô khổng lồ cũng thưa thớt dần trên các dòng sông. Nhưng “hậu duệ” của chúng vẫn còn trên sông rạch, ao nuôi. Bộ phim “Ông cá hô” được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên vào năm 1999 do Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đã trở thành những tư liệu quý giá về loài cá khổng lồ, một thời ngang dọc trên các dòng sông .