Những điểm mới về khởi kiện vụ án dân sự

Phiên tòa xét xử một vụ khiếu kiện.
Phiên tòa xét xử một vụ khiếu kiện.

Viện Kiểm sát không cho quyền khởi tố vụ án dân sự

Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) quy  định về quyền khởi kiện mang tính khái quát hơn các Pháp lệnh Tố tụng hiện hành. Theo Điều 161 BLTTDS, quyền khởi kiện bao gồm: "cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện họp pháp, yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình". So với Pháp lệnh Thủ tục tố tụng kinh tế, chủ thể có quyền khởi kiện trong bộ luật này, cả tổ chức không có tư cách pháp nhân cũng có quyền khởi kiện.

Ngoài ra, Điều 162 BLTTDS cũng quy định một số cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án dân sự, lao động trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước. Theo đó, cơ quan về dân số, gia đình và trẻ em có quyền khởi kiện trong phạm vi vụ án về hôn nhân và gia đình do Luật Hôn nhân và gia đình quy định về người có quyền yêu cầu hủy hôn nhân trái pháp luật, người có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên, người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, người có quyền yêu cầu Tòa án chấm dứt việc nuôi con nuôi. Đối với vụ án lao động, công đoàn cấp trên có quyền khởi kiện trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động. Ngoài ra, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước trong lĩnh vực mình phụ trách.

Trong BLTTDS có một điểm mới rất quan trọng liên quan đến quyền khởi tố vụ án dân sự của VKS. Nếu trong các Pháp lệnh Tố tụng dân sự, lao động, VKS có quyền khởi tố vụ án dân sự vì lợi ích chung thì BLTTDS bỏ đi quyền khởi tố của VKS. Quy định này không chỉ khác với Pháp lệnh Tố tụng hiện hành mà còn khác ngay cả Luật Tổ chức của VKSND được sửa đổi bổ sung vào năm 2002. BLTTDS quy định, trong các vụ án dân sự, kinh tế, lao động, VKS kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự trong việc yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị; VKS tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án dân sự do tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại.

Về phạm vi khởi kiện cũng có sự khác biệt so với Pháp lệnh Tố tụng hiện hành. Theo Điều 163 BLTTDS quy  định một cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể khởi kiện một hoặc nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức khác về một quan hệ pháp luật hay nhiều quan hệ pháp luật có liên quan; nhiều cá nhân, cơ quan tổ chức có thể khởi kiện một cá nhân, cơ quan, tổ chức về một quan hệ pháp luật hay nhiều quan hệ pháp luật có liên quan; cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền do BLTTDS quy  định có thể khởi kiện đối với một hoặc nhiều cá nhân cơ quan, tổ chức khác về một hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan.

Quy định này cho thấy đã có sự nới rộng về phạm vi khởi kiện hơn so với Pháp lệnh Tố tụng dân sự hiện hành. Trước đây, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự quy định một người khởi kiện nhiều người hoặc nhiều người khởi kiện một người chỉ được khởi kiện về cùng một quan hệ pháp luật mà thôi.

Thủ tục gửi đơn, nhận đơn và trả lại đơn khởi kiện

Về cơ bản, BLTTDS kế thừa những quy định của các Pháp lệnh Tố tụng hiện hành. Tuy nhiên, những quy  định trong BLTTDS được quy định cụ thể và rõ ràng hơn. Trong đó đáng chú ý là Điều 165 quy định người khởi kiện khi thực hiện quyền khởi kiện phải kèm theo tài liệu, chứng cứ. Trong trường hợp người khởi kiện không gửi tài liệu, chứng cứ thì Tòa án yêu cầu họ bổ sung. Nếu họ không có tài liệu chứng cứ mà nói rõ lý do thì Tòa vẫn phải nhận đơn khởi kiện mà không được từ chối. Người khởi kiện có thể nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại Tòa án, trong trường hợp họ không có điều kiện đến Tòa thì có thể gửi đơn qua đường bưu điện. Khi nhận được đơn qua đường bưu điện, Tòa án có trách nhiệm giữ lại phong bì cùng đơn khởi kiện để làm cơ sở cho việc tính thời hiệu khởi kiện còn hay hết.

Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét và có các quyết định: Thụ lý vụ án nếu thuộc thẩm quyền; Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện biết thẩm quyền vụ kiện thuộc Tòa án khác; Trả lại đơn cho người khởi kiện nếu việc đó không thuộc thẩm quyền của Tòa án hoặc hết thời hiệu khởi kiện. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo của tòa án thông báo cho người khởi kiện biết về số tiền tạm ứng án phí, mà họ không nộp tiền tạm ứng án phí thì Tòa trả lại đơn khởi kiện. Nếu người khởi kiện chứng minh được việc chậm trễ của mình là có lý do chính đáng thì Tòa án không được trả lại đơn.

Quy định về thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí trong BLTTDS có khác so với Pháp lệnh Tố tụng hiện hành. Theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí là một tháng kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án; đối với Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế thì thời hạn này chỉ có 7 ngày.

Trong trường hợp không đồng ý với việc trả lại đơn của Tòa án thì đương sự có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án đã trả lại đơn. Thời hạn để họ thực hiện quyền khiếu nại của mình là ba ngày kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo do Tòa án trả lại. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án Tòa án phải ra một trong hai quyết định: giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện; nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo để tiến hành thụ lý vụ kiện.

Quy định này là mới so với Pháp lệnh Tố tụng hiện hành vì trước đây, nhiều trường hợp người khởi kiện bị trả lại đơn nhưng luật không quy định ai là người có quyền giải quyết nên họ không biết phải khiếu nại đến cơ quan nào. Quy định mới này sẽ hạn chế được tình trạng tùy tiện trả lại đơn khởi kiện từ phía Tòa án, đồng thời giúp người khởi kiện có được "công cụ" bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, một khi bị xâm phạm.