Những mái ấm nghĩa tình

Thực hiện phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh Thái Nguyên đã và đang nỗ lực với quyết tâm chính trị cao, bằng những việc làm thiết thực, phù hợp thực tiễn, cùng lo mái ấm cho hộ nghèo, cận nghèo, phấn đấu cơ bản xóa hết nhà tạm trước tháng 6/2025.
0:00 / 0:00
0:00
Ngôi nhà mới của gia đình chị Lê Thị Bảy (xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) được doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí xây dựng.
Ngôi nhà mới của gia đình chị Lê Thị Bảy (xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) được doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí xây dựng.

Nhiều năm qua, gia đình bà Nông Thị Hồng (xóm Bắc Bé, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương) sống trong căn nhà tạm, đời sống rất khó khăn. Giữa tháng 7/2024, được sự hỗ trợ của các ngành, đoàn thể, bà Hồng đã khởi công xây dựng căn nhà cấp bốn khép kín diện tích 65 m2, tường, mái chắc chắn, nền nhà sạch đẹp với kinh phí 180 triệu đồng.

Bà Hồng xúc động: "Gia đình chỉ có 49 triệu đồng, nếu không được Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, hàng xóm, anh em cho vay phần còn lại và giúp đỡ ngày công thì không biết đến bao giờ chúng tôi mới làm được căn nhà chắc chắn để ở lâu dài, yên tâm làm ăn vươn lên thoát nghèo...".

Xác định xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo là công việc quan trọng cho nên Huyện ủy, UBND huyện Phú Lương đã và đang chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ bằng nhiều giải pháp.

Cụ thể, thành lập ban chỉ đạo cấp huyện và xã do đồng chí Bí thư cấp ủy làm Trưởng ban, thành lập Tổ giúp việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên rà soát điều kiện, hoàn cảnh, khả năng đối ứng kinh phí của từng hộ để xóa nhà tạm. Ðịnh kỳ hằng tháng, Thường trực Huyện ủy họp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn với từng trường hợp cụ thể.

Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện Phú Lương Nguyễn Minh Quang cho biết: "Với quyết tâm chính trị rất cao, huy động mọi nguồn lực, địa phương quyết tâm sẽ xóa hết nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn trước tháng 5/2025".

Năm 2024 trên địa bàn huyện Phú Lương còn hơn 200 nhà tạm, nhà dột nát, nhưng đã khởi công và hoàn thành đưa vào sử dụng hơn 190 nhà với tổng số tiền hỗ trợ hơn 11 tỷ đồng.

Ðạt được kết quả này, nhờ sự đồng lòng, cùng với quyết tâm cao, Phú Lương đã tháo gỡ khó khăn từ thực tế, cụ thể là căn cứ quy định của pháp luật, khẩn trương cấp sổ đỏ cho người dân để có đủ điều kiện được hỗ trợ từ các nguồn hợp pháp; với những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng đối ứng, huyện vận động các tổ chức, doanh nghiệp giúp xóa nhà tạm theo hình thức "chìa khóa trao tay".

Qua rà soát, tỉnh Thái Nguyên hiện còn gần 2.800 hộ gia đình sinh sống trong nhà tạm, nhà dột nát. Với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy, cả hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực vào cuộc, huy động các nguồn lực để xóa hết nhà tạm trên địa bàn.

Cùng với đó, tất cả các cấp, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát do đồng chí bí thư cấp ủy làm Trưởng ban để thống nhất chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị với quyết tâm cao, ai có nhiều giúp nhiều, ai có gì giúp nấy. Tỉnh xác định, mỗi căn nhà làm mới, sửa chữa phải bảo đảm chắc chắn, lâu dài, tránh hình thức; nguồn lực hỗ trợ đã chuẩn bị gần 100 tỷ đồng từ ngân sách và xã hội hóa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Phó trưởng ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Lê Quang Tiến cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương của các cấp ủy, cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực vào cuộc, phối hợp chặt chẽ cùng nhau để cơ bản xóa hết nhà tạm, nhà dột nát cho người dân theo đúng tiến độ, chất lượng đề ra.

Ðồng thời, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, phải làm tốt việc thống kê, rà soát, không để sót trường hợp nào không được hỗ trợ. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ, như: Nhiều gia đình chưa đủ điều kiện để được hỗ trợ, không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số có tâm lý chờ thu hoạch rừng, bán đàn lợn... để có thêm nguồn lực nhằm xây dựng căn nhà khang trang hơn.

Trước mắt, tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các cấp, theo chức năng của mình, khẩn trương vào cuộc xem xét hộ nào chưa có đất ở lâu năm, chưa được cấp sổ đỏ cần đối chiếu, phù hợp quy hoạch, giải quyết ngay; thực hiện chính sách đất đai đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số để giải quyết đất ở cho người dân.

Các cấp, cán bộ dân vận, nhất là cơ sở và người có uy tín ở khu dân cư cần tăng cường giải thích, thuyết phục người dân xóa bỏ những quan niệm không phù hợp để cùng nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng chung tay làm nhà mới để có chỗ ở tốt hơn.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Trịnh Việt Hùng cho biết: "Tỉnh xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, bài bản, quyết liệt để cơ bản xóa hết nhà tạm, nhà dột nát vào giữa năm 2025, giải quyết một trong những vấn đề thiết yếu đối với người dân trên địa bàn".