Sau hơn ba tháng được điều chuyển từ Trường THCS Bình An Thịnh về công tác tại Bệnh viện đa khoa Lộc Hà (Hà Tĩnh), y sĩ Lê Hà Kỳ vẫn cảm thấy bỡ ngỡ, chưa định hình rõ nhiệm vụ chuyên môn của mình tại đơn vị mới. Trước đây, nhiệm vụ của cán bộ y tế trường học khá đơn giản, ngoài việc khám sức khỏe định kỳ cho học sinh và thỉnh thoảng sơ, cấp cứu đơn giản cho nên áp lực công việc cũng nhẹ nhàng. Tuy nhiên, khi tiếp cận công việc mới, y sĩ Kỳ cảm thấy mọi thứ rất khác, cho nên nếu không được đào tạo, bồi dưỡng thêm chuyên môn, nghiệp vụ thì hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao của anh sẽ không được như ý muốn.
Theo Giám đốc Bệnh viện đa khoa Lộc Hà Dương Hùng Anh, về lý thuyết, khi được bổ sung 11 biên chế, hoạt động của bệnh viện sẽ thuận lợi hơn, nhưng thực tế, việc sử dụng, bố trí vị trí, việc làm cho những nhân sự mới lại gặp rất nhiều khó khăn. Trong một thời gian dài, các cán bộ này hầu như ít có điều kiện tiếp xúc chuyên sâu với lĩnh vực mình được đào tạo, vì vậy, năng lực chuyên môn và kỹ năng thực hành rất yếu. Ngoài ra, theo đề án vị trí việc làm của đơn vị đã được triển khai từ năm 2017 thì định mức khám, chữa bệnh tại đơn vị đã được tính toán, sắp xếp tương ứng với mỗi vị trí việc làm và quy mô giường bệnh… Như vậy, nếu không có sự điều chỉnh, bổ sung quỹ lương, định mức khám, chữa bệnh thì hoạt động tự chủ của một đơn vị có nguồn thu thấp như Bệnh viện đa khoa Lộc Hà sẽ khó thành hiện thực.
Đồng quan điểm nêu trên, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Cẩm Xuyên Phan Thanh Minh cho rằng, chuyên môn đào tạo của phần lớn cán bộ y tế học đường chủ yếu là trung cấp điều dưỡng, số cán bộ có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên rất ít. Từ trước đến nay, hầu hết nhân viên y tế học đường chưa được cấp chứng chỉ hành nghề và còn kiêm nhiệm nhiều công việc của trường, cho nên kỹ năng nhận định, đánh giá tình hình người bệnh yếu, bệnh viện không thể giao trực tiếp khám bệnh, chỉ bố trí những công việc đơn giản để làm quen với môi trường mới.
Số liệu thống kê của ngành y tế Hà Tĩnh cho thấy, trong tổng số 415 nhân viên được điều chuyển về các cơ sở y tế, có 310 nhân viên y tế học đường được điều chuyển về các trạm y tế. Theo Trạm trưởng Trạm y tế Hộ Độ (huyện Lộc Hà) Nguyễn Hồng Khoa, bên cạnh những khó khăn về kỹ năng, chứng chỉ hành nghề như các bệnh viện đa khoa đã gặp, với đặc thù riêng, việc hướng dẫn chuyên môn, đào tạo nghiệp vụ cho nhân sự mới tại các trạm y tế gặp trở ngại hơn rất nhiều. Do vậy, nếu không có sự chia sẻ, đồng hành của ngành và địa phương, việc phát huy hiệu quả của đề án này sẽ không được như mong muốn. Theo chia sẻ của chính những “người trong cuộc”, nhiều năm ngành không tuyển viên chức hệ trung cấp, vì vậy vẫn còn “khoảng trống” để sáp nhập bộ phận y tế học đường vào ngành. Tuy nhiên, cái khó là nhiều trạm y tế hiện nay đang thiếu nữ hộ sinh, y sĩ, trong khi đó đội ngũ y tế học đường chủ yếu là điều dưỡng. Hơn nữa, đối với đội ngũ này, để đáp ứng được điều kiện làm việc tại các cơ sở y tế thì phải đào tạo nghiệp vụ thêm ít nhất chín tháng. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ y tế học đường sau sáp nhập ở Hà Tĩnh không chỉ là nguyện vọng chính đáng mà còn là yêu cầu bức thiết của các cơ sở y tế ở địa phương này bởi mục tiêu cốt yếu của việc tinh gọn, sáp nhập tổ chức, bộ máy mà ngành y tế Hà Tĩnh đang tiến hành vẫn là nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.