Ninh Thuận tìm giải pháp thu ngân sách năm 2025 đạt mục tiêu đề ra

NDO - Chiều 9/4, tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp thu ngân sách năm 2025, đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc có liên quan đến thu ngân sách địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam nhấn mạnh: Đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, đạt mục tiêu kinh tế 13,5% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 và kế hoạch 5 năm (2021-2025).

Năm 2024, tổng thu ngân sách địa phương đạt 4.915 tỷ đồng, vượt kế hoạch 22,9%, tăng 23,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng kế hoạch và chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh.

Ninh Thuận tìm giải pháp thu ngân sách năm 2025 đạt mục tiêu đề ra ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam phát biểu tại hội nghị.

Do đó, đòi hỏi các cấp, các ngành phải nỗ lực hơn, tạo chuyển biến đột phá trong tư duy và hành động, tìm ra hướng đi mới, giải pháp mới để tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, tăng thu ngân sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo tiền đề và niềm tin cho phát triển của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Giám đốc Sở Tài chính Ninh Thuận Nguyễn Thành Phú cho biết, tốc độ tăng thu ngân sách hằng năm trong giai đoạn 2021-2025 bình quân đạt 5%. Công tác tổ chức quản lý thu ngân sách, bồi dưỡng nguồn thu, cải cách thủ tục hành chính trong thu thuế, phí, hải quan có nhiều tiến bộ.

Tuy nhiên, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh còn thấp, quy mô nhỏ, nhất là thu thuế hải quan không đạt mục tiêu đề ra; chủ trương cân đối chi thường xuyên chưa đạt mục tiêu; các điểm nghẽn trong xây dựng giá đất, kế hoạch sử dụng đất tuy được xử lý nhưng kết quả còn chậm, chưa khai thác hiệu quả nguồn thu từ đất đai.

Nguồn thu ngân sách tỉnh gặp khó khăn do sự thay đổi, điều chỉnh các chính sách của Trung ương về phân cấp nguồn thu, chính sách miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp; chính sách về đất đai, bất động sản trầm lắng làm thu tiền đất không đạt kế hoạch đề ra.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp để bảo đảm thu ngân sách của tỉnh trong thời gian tới, như: cần có chính sách ưu đãi về thuế, đất đai,… tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút doanh nghiệp an tâm đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng phát triển về nông nghiệp, thủy sản, du lịch, công nghiệp, bất động sản…

Ninh Thuận tìm giải pháp thu ngân sách năm 2025 đạt mục tiêu đề ra ảnh 2

Đại biểu đã thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp để bảo đảm thu ngân sách của tỉnh trong thời gian tới tại hội nghị.

Có chính sách hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm để tạo ra nguồn thu thuế lâu dài; đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tăng thu ngân sách.

Đẩy mạnh kê khai thuế trực tuyến, hoàn thuế điện tử và quản lý hoạt động thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả thu thuế….

Năm 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận quyết nghị thu ngân sách đạt 5.500-6.000 tỷ đồng; Hội đồng nhân dân tỉnh giao là 5.500 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa 5.440 tỷ đồng; thu bán tài sản thuộc sở hữu nhà nước 500 tỷ đồng và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 60 tỷ đồng...

Trong quý I/2025, thu ngân sách toàn tỉnh là 1.880 tỷ đồng; đạt 34,1% so với dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, trong đó, thu nội địa 1.848 tỷ đồng, đạt 33%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 32 tỷ đồng, đạt 53%. Thu tiền sử dụng đất hơn 631 tỷ đồng; đạt 64,4%.

Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục quán triệt phương châm hành động năm 2025 “Đoàn kết kỷ cương; chủ động sáng tạo; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá”; nghiêm túc triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả và toàn diện hơn các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Theo dõi sát diễn biến tình hình sản xuất kinh doanh; tập trung rà soát, phân tích, đánh giá tình hình thu sát với thực tế tại từng địa phương.

Tập trung rà soát, phân loại các khoản nợ thuế để đôn đốc thu nợ phù hợp; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, xử lý nhà, đất, tài sản công, tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh; sớm tham mưu, ban hành hệ số điều chỉnh giá đất; kịp thời xác định giá đất và phương án giá đất các dự án. Tập trung hoàn thành việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để tổ chức thu vào ngân sách nhà nước các khoản thu liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản thu khác… Đặc biệt, triển khai thực hiện tốt công tác quản lý thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định của Luật Quản lý thuế.