Nỗ lực cứu hộ, cứu nạn động đất ở Myanmar

Chính quyền quân sự Myanmar thông báo, trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra hôm 28/3 tại nước này đã khiến hơn 3.300 người chết, trong khi hơn 4.800 người bị thương và hàng trăm người mất tích. Theo Cục Khí tượng và Thủy văn Myanmar, nước này ghi nhận thêm 66 dư chấn từ 2,8 đến 7,5 độ richter. Chính quyền quân sự Myanmar tuyên bố quốc tang một tuần để tưởng nhớ các nạn nhân của trận động đất.
0:00 / 0:00
0:00
Các chiến sĩ công binh Việt Nam cùng lực lượng cứu hộ quốc tế nỗ lực tìm kiếm nạn nhân vụ động đất. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Các chiến sĩ công binh Việt Nam cùng lực lượng cứu hộ quốc tế nỗ lực tìm kiếm nạn nhân vụ động đất. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Hậu quả đầy bi thương

Trận động đất cũng làm sập hàng nghìn tòa nhà, phá hủy đường sá, cầu cống và khiến nhiều khu vực rơi vào cảnh mất điện, mất liên lạc. Công tác cứu hộ đang diễn ra khẩn trương song có thể gặp thêm nhiều khó khăn, khi dự báo thời tiết cho biết, Myanmar sắp có mưa trái mùa kéo dài nhiều ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu vực bị ảnh hưởng nặng như Mandalay, Sagaing và Thủ đô Nay Pyi Taw.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các cơ sở y tế tại Myanmar vốn bị hư hại nghiêm trọng do động đất, đang rơi vào tình trạng quá tải, trong khi nguồn cung thực phẩm, nước và thuốc men dần cạn kiệt. LHQ cảnh báo trận động đất có thể khiến tình hình nhân đạo tại Myanmar trở nên trầm trọng hơn. Đánh giá sơ bộ của WHO cho thấy, số lượng người bị thương nhiều, các chấn thương nghiêm trọng dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng cao, nhất là khi điều kiện phẫu thuật tại Myanmar còn hạn chế. Trong khi đó, nguồn cung cấp điện và nước vẫn bị gián đoạn, làm giảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. WHO nhấn mạnh, nếu không có nguồn viện trợ lập tức, tính mạng của nhiều người dân sẽ bị đe dọa và hệ thống y tế vốn mong manh tại Myanmar có nguy cơ sụp đổ.

Văn phòng Dịch vụ dự án LHQ (UNOPS) cho hay, công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn do giao thông gián đoạn và cơ sở hạ tầng bị tàn phá. Cũng theo UNOPS, có hơn 28 triệu người ở Myanmar đang bị ảnh hưởng và hiện cơ quan này mới chỉ huy động được 12 triệu USD để cung cấp ngay thực phẩm, thuốc men, nước, nơi trú ẩn, vệ sinh, hỗ trợ sức khỏe tâm thần và một số dịch vụ thiết yếu khác.

Tình đoàn kết quốc tế

LHQ kêu gọi thế giới chung tay hỗ trợ Myanmar. Phát biểu ý kiến trong chuyến thăm thành phố Mandalay, gần tâm chấn của trận động đất, Giám đốc phụ trách lĩnh vực cứu trợ của LHQ, ông Tom Fletcher nhấn mạnh trận động đất gây hậu quả nặng nề, cướp đi nhiều sinh mạng, phá hủy nhiều công trình, hủy hoại sinh kế của người dân. Ông kêu gọi thế giới chung tay hỗ trợ người dân tại Myanmar. WHO đánh giá trận động đất ở Myanmar là tình trạng khẩn cấp ở cấp độ cao nhất, kêu gọi viện trợ khẩn cấp 8 triệu USD để đáp ứng nhu cầu y tế cấp bách ở Myanmar trong 30 ngày tới.

Các nước láng giềng của Myanmar, như Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, cùng nhiều đối tác quốc tế đã điều động lực lượng cứu hộ và gửi hàng viện trợ nhằm hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn và các nỗ lực phục hồi tại những khu vực bị động đất tàn phá. Hải quân Ấn Độ ngày 4/4 đã chuyển đến Myanmar 442 tấn lương thực cứu trợ. Chính phủ Trung Quốc cam kết viện trợ khẩn cấp 100 triệu Nhân dân tệ (13,7 triệu USD), đồng thời cử đội cứu hộ đến vùng bị ảnh hưởng. Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar đã chuyển ngay 1,5 triệu Nhân dân tệ tới Hội Chữ thập đỏ Myanmar. Chiều 3/4, lô hàng viện trợ nhân đạo khẩn cấp thứ hai do Chính phủ Trung Quốc gửi, gồm lều, chăn, thực phẩm, nước sạch và các nhu yếu phẩm cần thiết khác đã được vận chuyển đến Myanmar. Australia công bố khoản viện trợ trị giá 6,5 triệu AUD (khoảng 4,1 triệu USD) để hỗ trợ nhân đạo Myanmar thông qua các đối tác quốc tế và địa phương.

Để nhanh chóng cung cấp viện trợ đến những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai cầu hàng không nhân đạo, chuyển đến Myanmar lều bạt, bộ dụng cụ bảo vệ trẻ em, thiết bị y tế, nước uống và vật dụng vệ sinh… để phân phối đến những cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng. Nhằm tạo điều kiện khôi phục đất nước sau thảm họa, chính quyền quân sự Myanmar đã tuyên bố ngừng bắn tạm thời, có hiệu lực đến ngày 22/4, trong chiến dịch chống lại các lực lượng đối lập có vũ trang. Chính quyền quân sự cũng phân bổ khoảng 240 triệu USD cho các nỗ lực cứu trợ, hỗ trợ người dân và phục hồi sau động đất.

Các đội cứu hộ cùng nhiều trang thiết bị vật tư y tế của Việt Nam, Trung Quốc, Thailand, Indonesia, Ấn Độ… đã được triển khai tới Mandalay, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận động đất, nhằm hỗ trợ hoạt động cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar. WHO cũng thông báo lô hàng đầu tiên gồm bộ dụng cụ cấp cứu, lều đa năng đã được chuyển đến bệnh viện ở Thủ đô Nay Pyi Taw. Nhiều vật tư y tế tiếp tục được vận chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Mandalay. Trên thực địa, các lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những nạn nhân có dấu hiệu sống sót. Tuy nhiên, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm do thiếu trang thiết bị và nhất là các dư chấn sau động đất.