Dấu hiệu nhận biết đầu tiên là hệ thống thi liệu thi ảnh trong thơ của Huỳnh Thúy Kiều hoàn toàn thuộc về sinh thái và hương vị thổ ngơi vùng đồng bằng miền Tây Nam Bộ. Đó là những dòng kinh, những tràm đước, lục bình, điên điển, trái mù u, trái bần, rặng trâm bầu, chợ nổi, cây bẹo, thương hồ, các loài thủy sinh, các điệu lý câu hò...Tất cả từ cảnh quan đến con người và văn hóa miền Tây Nam Bộ trong những mối liên hệ ràng rịt, ngập tràn và sống động làm nên một khí quyển thơ Huỳnh Thúy Kiều đặc sắc.
Càng về sau, nhất là tập thơ mới nhất gần đây “Đánh thức sông Hồng” (Nxb Văn học, 2024), cảm thức về xứ sở Cà Mau và miền Tây sông nước đã được đặt trong mối liên hệ giàu cảm xúc với những miền quê và địa danh khác, nhiều nhất là Hà Nội, Hà Giang, Huế, Đà Nẵng, Ban Mê... Lấy cảm thức miền Tây Nam Bộ làm xuất phát điểm và quy chiếu để sống với, sống cùng những miền đất khác, những sắc màu văn hóa khác. Ở đây, mỗi khi thi sĩ đặt lòng mình vào những địa chỉ khác nhau trên bản đồ Tổ quốc, bao giờ hương vị châu thổ Cửu Long cũng vẫn hiện diện sum suê, không để so sánh, mà để mời gọi, chia sẻ, tự hào.
Trong một cự ly gần, nhà thơ đã có những câu thơ dành cho “nơi đất ở” Cà Mau thật đẹp và nồng nàn tình nghĩa: “Ơi Cà Mau!/ Bé tẹo cái chấm tròn/ Rừng nối rừng gối đầu cùng nhau giữ đất/ Cây mắm từ dưới mọc lên/ Cây đước từ trên đơm rễ xuống/Con ong cần mẫn hút cho đời vị mật ngọt tràm thơm”. Chọn lối nói giản dị, bằng những ảnh hình thật bé nhỏ, ấy thế mà lại gợi lên bao nhiêu trầm tích nhân nghĩa của vùng đất chót cùng Tổ quốc.
Ngoài đời, nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều có một người cha từng đi qua cuộc chiến, dày dạn trận mạc, thấm thía cái giá của hòa bình phải trả, dành hết yêu thương cho tổ ấm của mình. Những vần thơ dành cho cha thật xúc động: “Bài nhân nghĩa đầu đời con vừa kịp hiểu, thưa cha!/ Hạt gạo mẩy trên cánh đồng cha gieo cho con đong từng táo chữ/ Mẹ cõng ấu thơ con bước qua luống cày sợi rơm quấn vàng bờ rạ/ Nên tận bây giờ thơ con vẫn quen ngai ngái mùi bùn thơm”.
Đất và người, quê hương và tổ ấm vùng châu thổ Cửu Long cứ vấn vít nặng lòng trong những vần thơ như thế.
Có một motif trở đi trở lại trong thơ Huỳnh Thúy Kiều là những lời hẹn hò, mời gọi, chia xa trong nỗi nhớ nhung xa cách. Cà Mau, Cửu Long nhớ về những nơi xa ấy. Những nơi xa ấy có nhớ về châu thổ Cửu Long? Có bao giờ gặp lại?... Kiều rất thích “đổi vai” trong thơ, không nhiều khi để nhân vật trữ tình xưng “em”, “tôi” ở ngôi thứ nhất, mà chuyển ngôi sang nhân vật “anh”, hóa thân. Đây cũng là một cách để biểu đạt nỗi nhớ, tình yêu với một cường độ mạnh, mang dáng dấp “tính nam” trong cảm xúc/ sắc thái yêu đương. Đó là sự chủ động ngỏ lời, tỏ bày, nhắc gọi, hẹn ước. Nếu ai đó đọc nhiều Huỳnh Thúy Kiều dễ quen với cách diễn đạt này. Dĩ nhiên, lựa chọn theo lối biểu đạt này cũng sẽ tự hạn chế cơ hội phô bày “tính nữ” trong bản thể thi sĩ. Mà tính nữ dường như bao giờ cũng có khả năng gây quyến rũ... Có phải thế không, nên khi trở về với bản tính nữ, những câu thơ của Kiều khiến bạn đọc, trong đó có tôi bỗng thấy mềm lòng: “em muốn thử một lần đánh thức sông Hồng qua cái rét nhẹ bao dung”, “Qua thu rồi/anh chậm lại một nhịp chân/cho em ôm trọn mùa Hà Nội nhớ/sông Hồng-Cửu Long vẫn nồng nàn duyên nợ/trên mặt hồ có một giọt vỡ vừa thu”...
Thơ Huỳnh Thúy Kiều là những giăng mắc hẹn thề. Qua hẹn thề tỏ bày lòng yêu chan chứa với quê hương xứ sở.
Người đọc thấy phần lớn thơ Huỳnh Thúy Kiều là thơ tự do. Kiểu thơ tự do rất thích hợp với lối diễn tả tâm trạng của những người trong cuộc hẹn thề. Chữ nghĩa và hình ảnh lúc này như những cuộc đuổi bắt cảm xúc và ý tưởng. Nó khiến cho toàn bài có giọng điệu da diết, lôi cuốn, miên man tình tứ. Cảm thức đờn ca tài tử Nam Bộ hiện diện và chi phối khá đậm nét điệu thơ của nữ thi sĩ.
Nhưng cũng thật thú vị, Huỳnh Thúy Kiều không chỉ có thơ tự do, mà còn có vệt thơ lục bát rất nhu nhuyễn, nhuần nhị mà giầu cá tính. “Van đừng hỏi tuổi sông Hoài/ thắp cho lồng đỏ/ mệt nhoài cố nhân?/Hội An níu bước phong trần/ đêm treo nửa giấc/ phố tần ngần say”; “Em về mang nắng ra phơi/ Tháng Tư ủ mật trong lời phù sa”... Một nhà thơ được nuôi nấng trong vị ngọt dân ca, vọng cổ đặc trưng với một lòng yêu sâu nặng như Huỳnh Thúy Kiều, thì việc tìm đến thể thơ lục bát cũng là điều dễ hiểu.
Trong khả năng đọc và bao quát của tôi về lớp các nhà thơ nữ thế hệ 7-8X thuộc đồng bằng sông Cửu Long, một người tinh thuần toàn vẹn châu thổ Chín Rồng như Huỳnh Thúy Kiều hình như rất hiếm. Với một nhân vị như thế, hễ con người này chỉ cần mở lòng để cho thơ ca cất tiếng đã nồng nã hương vị châu thổ Chín Rồng. Văn hóa bản địa như một nguồn mạch đa dạng và sâu sắc khi đi vào thơ Huỳnh Thúy Kiều đã mang một dáng vóc phóng khoáng, trẻ trung.
Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu 2 bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều
CHÍN NHÁNH PHÙ SA
Em về mang nắng ra phơi
Tháng Tư ủ mật trong lời phù sa
Bờ đêm réo khúc hoan ca
Nửa khuya đổ bóng trăng tà chông chênh
Thu treo phiến lá dập dềnh
Rót mùa anh đợi lênh đênh nỗi niềm
Hỏi chiều
Chiều cứ lặng im
Hỏi đêm
Đêm cứ muộn phiền giũ sương
Ánh sao treo khuyết bên đường
Bàn tay anh cố giữ hương cho mùa
Vọng từ phía ấy em thưa
Thềm rêu phong cũ cũng vừa tái sinh
Mùa anh đơm nhớ một mình
Phù sa chín nhánh lục bình tím trôi...
![]() |
Minh họa | NGUYỄN MINH |
ƠI MŨI CÀ MAU
Ở nơi cuối đất cùng trời
Đến khóm ca dao cũng không thèm mọc rễ
Bàn chân bước dại khờ
Câu hát ru thì trẻ
Nhánh mù u
Rặng trâm bầu thầm lặng dấn thân
Biển dưới thấp
Bầu trời che trên đầu
Mũi Cà Mau
Cái chấm tròn bé tẹo
Lần khân hoài chưa chạm được dấu bùn non
Ai đi xa mới thấm cơn mưa trút nỗi nhớ tách vỏ bật mầm
Đến tận cọng rau con cá
Cái giần, cái sàng, cái thúng, cái nia… của bà, của mẹ
Đựng sao đầy khắc khoải vầng trăng con?
Ơi Cà Mau!
Bé tẹo cái chấm tròn
Rừng nối rừng gối đầu cùng nhau giữ đất
Cây mắm từ dưới mọc lên
Cây đước từ trên đơm rễ xuống
Con ong cần mẫn hút cho đời vị mật ngọt tràm thơm
Ơi Cà Mau!… Dấu chấm lửng vẫn còn
Bao lời hứa cứ theo phù sa xuôi dòng sông Cửa Lớn
Cái chấm tròn bé tẹo trên bản đồ
Nhưng vòng tay bao dung, tình thương chảy cuộn
Người ơi người!
Dẫu cuối đất cùng trời cũng xin đừng lỗi hẹn với Mũi Cà Mau…