Nông sản Long An “vươn mình” ra thế giới

Thời gian qua, tỉnh Long An triển khai có hiệu quả “Chương trình ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp” giúp nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, đạt chuẩn về an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và “vươn mình” ra thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp Hoàng Phát, thị trấn Tầm Vu (huyện Châu Thành) sơ chế trái thanh long trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Doanh nghiệp Hoàng Phát, thị trấn Tầm Vu (huyện Châu Thành) sơ chế trái thanh long trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Huyện Châu Thành xác định phát triển kinh tế nông nghiệp và dịch vụ là trụ cột chính trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, theo đó địa phương đã tập trung ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Qua 4 năm triển khai chương trình, Châu Thành đã xây dựng được vùng nguyên liệu thanh long tập trung với hơn 6.885 ha được cấp mã số vùng trồng; hơn 1.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 323 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Hiệu quả của quá trình tổ chức lại sản xuất đã giúp cho trái thanh long Châu Thành xuất khẩu được sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc…; từ đó nâng cao giá trị gia tăng, giúp người dân có thu nhập bình quân từ 60 đến hơn 71 triệu đồng/người/năm.

Tại Long An, chanh không hạt cũng là một sản phẩm đạt hiệu quả cao từ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật. Nhờ canh tác theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, chứng nhận hữu cơ, xây dựng mã số vùng trồng để khách hàng truy xuất được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đã giúp cho trái chanh vươn xa ra thế giới. Bà Bùi Thị Ba, chủ nông trang Hải Âu (ấp 7, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) cho biết, mỗi ngày cơ sở thu 30-40 tấn trái chanh, cao điểm thu 100 tấn. Thị trường tiêu thụ chủ yếu gồm: Saudi Arabia, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Trung Đông…, với sản lượng 23 tấn trái/tuần.

Trái chanh xuất khẩu đến được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới là nhờ nhà vườn ứng dụng các tiến bộ vào canh tác đạt quy chuẩn về an toàn thực phẩm nước nhập khẩu. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) được Công ty The Fruit Republic Cần Thơ ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm trên diện tích 100 ha để xuất khẩu sang các nước Trung Đông và châu Âu. Cùng với đó, tại chợ đầu mối Dubai, hợp tác xã đã đăng ký văn phòng giao dịch để giao thương các sản phẩm từ trái chanh.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chanh Việt (CHAVI) Nguyễn Văn Hiển cho biết, việc Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Công thương) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa cho chanh Bến Lức-Long An đang đem lại niềm vui lớn cho người trồng chanh. Giấy chứng nhận này chính là “tấm vé thông hành” để trái chanh tiếp cận và chinh phục thị trường các nước trên thế giới, nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho người trồng chanh. Hiện tại, ngoài xuất khẩu trái chanh tươi, công ty còn chế biến khoảng 50 loại sản phẩm khác như: bột chanh hòa tan, chanh tẩm mật ong, trà chanh... Trung bình mỗi tháng xuất khẩu gần 10 tấn chanh tươi và sản phẩm chế biến sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Na Uy, Trung Đông…

Hiện toàn tỉnh Long An có 60.000 ha lúa, 6.000 ha thanh long, 3.600 ha chanh ứng dụng công nghệ cao; 6 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngành nông nghiệp đã hướng dẫn cho nhà vườn xây dựng và cấp 294 mã số vùng trồng trên các loại quả thanh long, sầu riêng, chuối, dưa lưới, chanh, bưởi da xanh với diện tích hơn 14.000 ha; 161 cơ sở đóng gói chuối, chanh, thanh long, lúa gạo,... Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Chương trình ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp ở Long An đã và đang phát huy hiệu quả rất tốt. Nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, sạch, thân thiện với môi trường; có mã số vùng trồng cung ứng hàng hóa cho 55 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản sang thị trường Mỹ, Australia, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh và cả nước.

Để nâng cao giá trị gia tăng các mặt hàng nông sản, năm 2025 ngành nông nghiệp Long An sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân xây dựng mới khoảng 37 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; 100% số người sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người quản lý tham gia mô hình chuỗi có kiến thức về an toàn thực phẩm theo chuỗi; 100% số cơ sở sản xuất ban đầu được chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP hoặc cam kết sản xuất an toàn…; bảo đảm các sản phẩm của chuỗi được thu mẫu, giám sát an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử; quảng bá, tiêu thụ qua hệ thống kết nối cung, cầu nông sản an toàn của tỉnh và các sàn thương mại điện tử khác.

Tỉnh cũng sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động dự báo về thị trường, xúc tiến thương mại, tạo động lực mới để nông dân và doanh nghiệp đầu tư hiệu quả hơn cho sản xuất, góp phần đưa nông sản của Long An vươn ra thế giới.