Nụ cười Hòa Bắc

Xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng là vùng đất để lại nhiều dấu ấn với những ai đã từng đặt chân đến. Ở đó, cùng với vẻ đẹp thiên nhiên, sự mộc mạc của các chàng trai, cô gái Cơ Tu, câu chuyện từ những nếp nhà, gian bếp... cũng mang đến cảm xúc đặc biệt trong lòng du khách.
0:00 / 0:00
0:00
Sắc mầu Cơ Tu ở xã Hòa Bắc.
Sắc mầu Cơ Tu ở xã Hòa Bắc.

Những năm gần đây, xã Hòa Bắc đang thay da đổi thịt từng ngày. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được quan tâm, thúc đẩy, góp phần quan trọng tạo ra động lực phát triển chung cho toàn xã.

Thay đổi tư duy, khẳng định năng lực

Hiện nay, đường ĐT 601 khang trang, rộng thênh chạy men theo dòng sông Cu Đê giúp những chuyến đi lên xã Hòa Bắc được thuận tiện hơn. Càng lên phía thượng nguồn dòng sông, càng thấy nhiều ngôi nhà nằm sát nhau, lối ngõ xanh mát. Người Cơ Tu ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí không còn xa lạ với việc đón tiếp du khách tìm hiểu về văn hóa của đồng bào mình. Họ sinh ra và lớn lên ở đây. Rừng núi, dòng sông là nơi che chở, nuôi lớn họ. Với sự nhạy bén, những người con Cơ Tu từng bước trở thành “mũi tên” đi đầu trong việc phát huy các điểm mạnh vốn có của địa phương.

Từng có thời điểm, người Cơ Tu ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí muốn tìm một bộ trang phục thổ cẩm truyền thống thì phải lên các huyện như Nam Giang, Tây Giang của tỉnh Quảng Nam. Sự khó khăn, cách trở địa lý đã khiến chị em phụ nữ Cơ Tu ở hai thôn cùng quyết tâm khôi phục, học lại nghề dệt truyền thống của mình.

Đầu năm 2018, tổ liên kết dệt thổ cẩm của phụ nữ hai thôn Tà Lang và Giàn Bí được xã Hòa Bắc thành lập. Theo đó, Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang phối hợp với xã Hòa Bắc tổ chức hai lớp dạy nghề cơ bản và nâng cao với sự giảng dạy của hai nghệ nhân dệt thổ cẩm ở huyện Đông Giang (Quảng Nam). Tổ có 20 tổ viên, hoạt động theo hình thức hộ gia đình; trong đó, các chị Trương Thị Mai, Nguyễn Thị Lan… dệt thường xuyên. Hình ảnh chị em say sưa ngồi bên khung dệt là hình ảnh đẹp của hành trình bảo tồn văn hóa dân tộc.

Chị Hồ Thị Thanh Tỏa, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Tà Lang cho biết, từ ngày chị em phụ nữ hai thôn thực hiện nhuần nhuyễn nghề dệt thổ cẩm, khi các gia đình có nhu cầu mua trang phục sẽ đặt trực tiếp với tổ. Mẫu mã, hình thức dù phức tạp vẫn được các tổ viên dệt thành công. “Mỗi tấm thổ cẩm khi hoàn thiện, tuỳ theo độ phức tạp của hoa văn và các chi tiết đính cườm mà giá bán sẽ dao động từ 800 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng. Nghề dệt thổ cẩm mang lại thu nhập trung bình cho mỗi chị em từ 3,5 triệu đến 4 triệu đồng/tháng”, chị Tỏa chia sẻ.

Những tư duy quan trọng trong cuộc sống hiện nay là cung-cầu, quảng bá thương hiệu vùng đất đã hình thành và phát triển ở một địa bàn có nhiều đặc thù như hai thôn Tà Lang và Giàn Bí. Thay vì phải tìm kiếm, mua vật dụng, đồ dùng từ nơi khác thì bà con sáng tạo dựa trên nền tảng kiến thức của bản thân. Bước phát triển từ chỗ tự giải quyết những nhu cầu thiết thực như trang phục, rộng hơn là việc bán sản phẩm ra bên ngoài, thu về nguồn lợi kinh tế đã giúp người dân tự làm chủ cuộc sống.

Trải qua sáu năm hoạt động của tổ liên kết dệt thổ cẩm, ngoài giá trị kinh tế thì mục tiêu khác được chị em hướng đến là truyền nghề cho lớp trẻ, tăng tính đoàn kết trong thôn làng. Thông thường, các em nhỏ từ 10 tuổi trở lên đã có thể học nghề dệt thổ cẩm. Độ tuổi này vừa dễ dàng tiếp thu các công đoạn của nghề dệt; đồng thời, kích thước khung dệt cũng đòi hỏi sải tay đủ rộng để dễ dàng thao tác.

Thương yêu gia đình, hăng say trong công việc chung của cộng đồng là đức tính nổi bật của người phụ nữ Cơ Tu. Những dịp trình diễn điệu múa truyền thống “Tâng tung da dá”, khi tiếng chiêng vang lên, nụ cười rạng rỡ của các chị kết hợp với bộ trang phục thổ cẩm ba mầu đen, đỏ và vàng khiến không gian thêm lắng đọng. Chị Tỏa nhìn nhận rằng, nụ cười của người phụ nữ Cơ Tu chính là sợi dây gắn kết cộng đồng, làng xóm. Điều đó gợi nên sự tự hào về vùng đất, về nền văn hóa bao đời qua.

Hai thôn Tà Lang và Giàn Bí có 257 hộ dân Cơ Tu sinh sống. Mỗi nóc nhà tựa như một mảnh ghép của bức họa núi rừng nguyên sơ. Cùng với việc nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng người dân của Ban công tác Mặt trận thôn, sức mạnh đại đoàn kết còn được thể hiện qua tiếng nói của các vị già làng như: già Đinh Hồng Khanh (thôn Tà Lang), già Bùi Văn Siêng (thôn Giàn Bí)…

Nơi đất lành

Cách hai thôn Tà Lang và Giàn Bí khoảng 10 km, thôn An Định nằm bên kia sông Cu Đê mang một dáng vẻ tĩnh lặng rất riêng. Năm 2019, ông Phan Thế Minh (64 tuổi, quê gốc tỉnh Thanh Hóa) chọn thôn An Định làm nơi định cư lâu dài. Ông Minh cho biết: “Thôn An Định, xã Hòa Bắc sau lưng là núi, phía trước có sông, không gian làng quê rất yên bình. Điều tôi thích nhất ở đây là mạch nước ngầm chảy quanh năm. Mùa nắng, dòng nước trong veo, mát lạnh. Bất cứ nơi nào có nguồn tài nguyên nước dồi dào thì sẽ là nơi phù hợp sinh sống lâu dài”.

Trên mảnh đất rộng 3.000 m2 của mình, ông Minh chỉ dành một phần nhỏ diện tích để dựng mấy ngôi nhà gỗ, mái nhà lợp lá dừa hoặc ngói đỏ. Phần đất còn lại, ông trồng cây lâu năm, cây ăn quả và mở rộng ao nuôi cá. Dù sống xa quê nhưng ông Minh vẫn luôn giữ gìn nét văn hóa truyền thống vùng Bắc Trung Bộ. Ông tìm mua những đồ dùng sinh hoạt có từ hàng chục năm trước như bộ nồi gang, bàn ghế gỗ, chum sành ngâm rượu… để mang về gian bếp củi của gia đình.

Gần đây, vài nhóm đầu bếp các nhà hàng tìm đến bếp củi xưa cũ này để trải nghiệm nấu ăn thực tế, tái hiện không gian xưa. Một mâm cơm thân tình với con cá trắm cỏ nuôi dưới ao, mớ rau mọc sau vườn nhà, rổ trái cây mọng nước, ấm trà thảo mộc; dưới ánh trăng, họ cùng nhau thưởng thức hương vị của núi rừng. Đâu đó vang lên tiếng cười nói, đùa vui của ông Minh và nhóm bạn trẻ.

Ông Minh chia sẻ: “Bản thân tôi đã hòa nhập với mảnh đất Hòa Bắc. Một khi đã quyết định chọn sinh sống ở bất kỳ đâu thì phải xem nơi đó là quê hương của mình. Có như vậy, đất mới không phụ lòng người”. Trên tất cả, sự hài hòa văn hóa các vùng miền đang được duy trì rất tốt ở xã Hòa Bắc. Tri thức văn hóa dân gian qua nhiều thế hệ giúp kéo gần tình làng nghĩa xóm. Hình ảnh những ngôi nhà không ngõ (ý nói đến việc người dân không đóng cổng dẫn vào nhà) ngày càng nhiều. Chuyện nhà không ngõ ở Hòa Bắc thể hiện sự thân thiện, lòng mến khách đến chơi nhà. Ở đó, chủ nhà xem khách như người thân ở xa lâu ngày ghé về thăm quê.

Càng đi sâu vào câu chuyện của mỗi gia đình, một điều dễ dàng cảm nhận chính là tình cảm chân thành của những người sống trong đó. Hòa Bắc, đất níu chân người…