Sự sôi động, tăng trưởng nhanh ngoài dự kiến của thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây đang mở ra kỳ vọng về một giai đoạn phát triển mới.
Sự chuyển dịch mạnh mẽ của dòng tiền
Từ các phiên giao dịch ban đầu khá nhỏ giọt và buồn tẻ vào những ngày tháng 7 cách đây 25 năm khi chỉ vỏn vẹn có hai mã cổ phiếu tham gia, thị trường chứng khoán Việt Nam đã dần trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, đồng thời cũng là một “sân chơi” hết sức sôi động, thu hút sự quan tâm của một bộ phận không nhỏ người dân trong xã hội.
Tính đến cuối tháng 6/2025, thị trường đã có hơn 1.600 mã chứng khoán bao gồm hơn 700 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE và HNX, cùng gần 900 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM. Toàn thị trường đã có hàng chục doanh nghiệp “tỷ đô” vốn hóa, thậm chí có những cái tên giá trị vốn hóa trên chục tỷ USD.
Đặc biệt, đầu tư chứng khoán dần vượt qua nhiều ngưỡng cản cả về tâm lý và pháp lý để trở thành một kênh đầu tư tích sản đại chúng. Số lượng tài khoản nhà đầu tư tăng vọt từ 3.000 tài khoản năm 2000 lên hơn 10 triệu tài khoản hiện nay, phản ánh sự tham gia ngày càng đông đảo của người dân vào thị trường tài chính bậc cao này. Chỉ riêng trong sáu tháng đầu năm nay, mỗi ngày có hơn 17.000 tài khoản nhà đầu tư được mở mới.
Một điều trùng hợp khá thú vị là vào đúng những ngày này, khi các thành viên thị trường đang khá bận rộn với nhiều hoạt động kỷ niệm ở một dấu mốc đầy ý nghĩa, thì họ lại được chứng kiến những phiên giao dịch bùng nổ cả về số lượng và giá trị giao dịch, thậm chí đạt mức cao nhất trong các thị trường khu vực ASEAN. Giá trị khớp lệnh trung bình các phiên gần đây trên HOSE đạt trên 35.000 tỷ đồng.
Giới phân tích cho rằng, những phiên giao dịch thăng hoa như vậy là hệ quả từ lực đẩy của những dòng vốn mới phát sinh từ những nhà đầu tư đang nhận rõ những cơ hội rộng mở từ thị trường đầy tiềm năng.
Hành động cho một thị trường triển vọng
Dưới góc nhìn của các thành viên, thị trường đang tiến vào một chu kỳ đầu tư được trợ lực bởi điều khác biệt là hệ thống chính trị: tinh gọn - đồng bộ - và nhất quán với quyết tâm tăng trưởng kinh tế tích cực, mạnh mẽ.
Nhóm chuyên gia thuộc bộ phận phân tích của Dragon Capital đánh giá, với khát vọng, tầm nhìn rất lớn của hệ thống chính trị, những chuyển biến nhanh chóng trên mọi mặt của thị trường minh chứng nếu được chuyển hóa “kỷ nguyên vươn mình” của thị trường chứng khoán cũng đang đến.
Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Khối Đầu tư của Dragon Capital chia sẻ, giai đoạn 2007-2025, chính sách mở cửa đón “đại bàng về làm tổ”, lấy ngoại sinh là động lực. Tức là, thu hút các tập đoàn đa quốc gia và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): dịch chuyển lao động sang các ngành công nghiệp năng suất cao; gia tăng tích lũy vốn và năng lực lao động. Bước sang năm 2025, điều này đã thay đổi khi mà các động lực nội sinh đã dẫn dắt chu trình lan tỏa: hình thành nên các cụm liên kết ngành; tạo dựng lợi thế cạnh tranh cốt lõi cho quốc gia. Có nghĩa là yêu cầu cấp bách cũng rất tự nhiên đặt ra hiện nay là cần phải tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Đây không chỉ là sự điều chỉnh chiến lược mà là yếu tố mang tính quyết định đối với tăng trưởng của cả dân tộc trong thời đại mới.
Nghị quyết số 206/2025/QH15 mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, cho phép Chính phủ được tháo gỡ các vướng mắc luật pháp, pháp lý mà Quốc hội chưa có thời gian để sửa theo quy trình pháp quy. “Cơ chế đặc biệt với nhiều điểm khác so với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (có hiệu lực tối đa đến ngày 28/2/2027) được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc, tồn đọng hiện nay. Thực tế, hiện Việt Nam đang có khoảng 2.200 dự án vướng mắc với tổng số tiền đã đầu tư 235 tỷ USD, tương đương với 50% GDP, chỉ cần các dự án được tháo gỡ thì nguồn lực sắp tới được bung ra cho nền kinh tế là rất mạnh mẽ”, bà Đặng Nguyệt Minh - Giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Dragon Capital đưa quan điểm.
Một vấn đề quan trọng nữa - câu chuyện nâng hạng thị trường đã được đề cập trong hơn một thập kỷ qua, từng khiến không ít nhà đầu tư nước ngoài nản lòng. Song, đến nay từ cam kết đã thành chiến lược mang tính hệ thống được phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, thể hiện qua chiến lược với ba trọng tâm chính: hoàn thiện thể chế, cải thiện nâng cao hạ tầng kỹ thuật và chủ động đối thoại với các định chế tài chính.
Với “chất xúc tác” nâng hạng, nhiều thương vụ IPO dự kiến được thúc đẩy mạnh mẽ trong hai năm 2026-2027, quy mô niêm yết ước tính có thể đến 47,5 tỷ USD cho giai đoạn ba năm tới. Trong đó, 12,8 tỷ USD kỳ vọng đến từ mảng tiêu dùng với loạt tên tuổi lớn như: Thaco Auto, Bách Hóa Xanh, Golden Gate…
Như chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ về chất lượng và quy mô hàng hóa, trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Nếu có thể thu hút được dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, nhất là dòng vốn từ các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư lớn, sẽ tạo được những tác động tích cực ở nhiều góc độ, góp phần phát triển hơn nữa kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Song, bà Phương thẳng thắn chỉ rõ, để thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, việc nâng hạng thị trường chứng khoán là một giải pháp có tính hiệu quả cao. Tuy vậy, nâng hạng không phải điểm đến cuối cùng mà là hành trình xây dựng, củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Tính đến ngày 23/7/2025, chỉ số VN-Index đã chạm mốc 1.523 điểm - mức cao nhất trong ba năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng vượt trội so với nhiều thị trường trong khu vực. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt hơn 8 triệu tỷ đồng. Số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư vượt mục tiêu đạt mốc 9 triệu tài khoản vào năm 2025 mà Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã đề ra.