Đây là chính sách để Hà Nội thực hiện chiến lược đón các nhà đầu tư lớn, tạo sự đột phá cho những lĩnh vực mà thành phố xác định là mũi nhọn cho tăng trưởng kinh tế Thủ đô trong thời gian tới.
Thu hút nhà đầu tư chiến lược có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế của Thủ đô, nhất là trong bối cảnh Hà Nội đã xác định cụ thể mục tiêu tập trung phát triển vào những ngành, những lĩnh vực đòi hỏi năng lực tài chính, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Khi thu hút được những nhà đầu tư lớn sẽ tạo ra lực kéo, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, thành phố đặt mục tiêu trở thành một Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đi đầu trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học-công nghệ. Để đạt được mục tiêu này, cần nguồn lực lớn, nhất là từ các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến.
Hà Nội được đánh giá có nhiều tiềm năng và lợi thế để thu hút nhà đầu tư chiến lược. Khoản 1, Điều 42 của Luật Thủ đô năm 2024 đã quy định rõ danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, cũng là định hướng những lĩnh vực mà Thủ đô muốn tập trung thu hút đầu tư, bảo đảm nguồn lực được sử dụng hiệu quả, đúng trọng tâm.
Tại Khoản 2, Điều 42 quy định điều kiện của nhà đầu tư chiến lược, đưa ra các tiêu chí cụ thể về năng lực tài chính, công nghệ, kinh nghiệm và các cam kết về đào tạo, nội địa hóa, thực hiện dự án đúng mục tiêu. Quy định này giúp Hà Nội lựa chọn được những nhà đầu tư thật sự chất lượng, tránh tình trạng đầu tư “ảo”, không hiệu quả.
Những ngành, nghề được ưu tiên thu hút đầu tư chiến lược được Hội đồng nhân dân thành phố quyết nghị cho thấy rõ bức tranh thu hút đầu tư trong giai đoạn tới. Theo đó, các lĩnh vực được ưu tiên bao gồm: Đầu tư xây dựng đô thị vệ tinh; phát triển đường sắt đô thị, giao thông công cộng khối lượng lớn nội vùng và liên vùng; phát triển khu công nghệ cao có quy mô vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên. Tiếp đó là lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường có quy mô vốn đầu tư từ 12.000 tỷ đồng trở lên.
Đáng chú ý, có trong danh mục ưu tiên là các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, sản xuất mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chíp bán dẫn, pin công nghệ mới…, đây là lĩnh vực chủ chốt của ngành kinh tế số và với vị trí, lợi thế vốn có cùng với chính sách vượt trội, Hà Nội được đánh giá có thể trở thành “hub” (một trung tâm, điểm kết nối quan trọng) trong ngành sản xuất chíp của Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã đánh giá cao về tiềm năng này của Hà Nội và lưu ý về chính sách và quá trình thực thi thu hút đầu tư. Theo ông Trần Đình Thiên, đây là cuộc đua toàn cầu, khốc liệt, các chính sách không chỉ đơn thuần là sự so sánh giữa các địa phương với nhau, mà phải so sánh ở quy mô toàn cầu.
Cùng với đó, Hà Nội đã lựa chọn những lĩnh vực được chú trọng để góp phần tạo nên nền kinh tế xanh, phát triển bền vững như: Vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (có quy mô vốn đầu tư từ 15.000 tỷ đồng trở lên); phát triển và chế tạo hệ thống đầu máy, toa xe, thông tin tín hiệu, điều khiển đường sắt, điều khiển giao thông đô thị, thành phố thông minh (có quy mô vốn đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên); phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) (có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên)…
Trong chiến lược thu hút nhà đầu tư chiến lược của Hà Nội, tại tất cả các lĩnh vực đều ưu tiên nhà đầu tư có công nghệ, kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có quy mô vốn tương đương với quy mô dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Việc quy định rõ các điều kiện cũng là cơ sở để thành phố xây dựng các tiêu chí sàng lọc, đánh giá và giám sát nhà đầu tư một cách chặt chẽ. Hiện, Ủy ban nhân dân thành phố đang xây dựng quy định chi tiết về mẫu công bố thông tin dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược bao gồm yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư; hồ sơ đăng ký thực hiện dự án.
Bên cạnh những chính sách thu hút đầu tư, nhiều chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị, thành phố cần có cơ chế, chế tài và bộ máy đủ năng lực kiểm tra, giám sát, để có được những nhà đầu tư chiến lược thật sự chất lượng. Có như vậy mới bảo đảm được các mục tiêu đề ra cũng như tiến độ, yêu cầu của các dự án trọng điểm.