Thí điểm vùng phát thải thấp trước khi nhân rộng

Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường (Chỉ thị số 20), từ ngày 1/7/2026, Hà Nội sẽ không cho phép xe chạy nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực đường vành đai 1.

Khách du lịch tham quan khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm bằng xe điện. (Ảnh TUẤN LƯƠNG)
Khách du lịch tham quan khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm bằng xe điện. (Ảnh TUẤN LƯƠNG)

Để việc cấm xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân, thành phố sẽ triển khai thí điểm trước khi nhân rộng.

Đường vành đai 1 là tuyến giao thông huyết mạch của Thủ đô. Hiện nay, có sáu phường nằm trọn vẹn trong khu vực đường vành đai 1, gồm: Ba Đình, Ngọc Hà, Hoàn Kiếm, Cửa Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hai Bà Trưng; ba phường có một phần diện tích nằm trong khu vực, gồm: Tây Hồ, Ô Chợ Dừa, Giảng Võ. Dân số trong khu vực vào khoảng 600.000 người. Hiện tại, người dân trong khu vực này sở hữu gần 450.000 xe máy.

Tuy nhiên, do đây là khu vực trung tâm thành phố, nếu cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào khu vực đường vành đai 1, hàng trăm nghìn người sinh sống ngoài khu vực cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bởi vậy, thành phố Hà Nội sẽ triển khai thí điểm vùng phát thải thấp trước khi nhân rộng. Khu vực được thành phố lựa chọn là phường Cửa Nam. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, xây dựng vùng phát thải thấp là chiến lược lâu dài của thành phố trong bảo vệ môi trường, thể hiện qua việc thành phố ban hành Nghị quyết số 47/2024/NQ-HĐND (Nghị quyết số 47) về việc quy định thực hiện vùng phát thải thấp.

Tuy nhiên, do việc thay đổi địa giới hành chính, kết hợp yêu cầu của Chỉ thị số 20/CT-TTg, công tác triển khai có một số thay đổi, trong đó, thành phố cần triển khai quyết liệt hơn. Phường Cửa Nam là khu vực phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, việc kiến tạo môi trường trong sạch, giúp thu hút khách du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa. Để việc triển khai Chỉ thị số 20/CTTTg của Thủ tướng Chính phủ đạt hiệu quả, thành phố cần có lộ trình cụ thể. Phường Cửa Nam nằm trên địa bàn nội đô lịch sử có nhiều di tích lịch sử, di sản, cơ quan, bệnh viện, trường đại học… và có vị trí giao thoa giữa các khu vực có chức năng quan trọng.

Địa bàn phường hiện rộng 1,68 km2, với 52.000 dân. Toàn khu vực có 18.200 xe máy. Ngay từ trước khi sắp xếp địa giới hành chính, triển khai hệ thống chính quyền hai cấp, quận Hoàn Kiếm (cũ), nay là phường Hoàn Kiếm và Cửa Nam và một phần phường Hồng Hà đã triển khai nghiên cứu lập Đề án vùng phát thải thấp trên địa bàn quận. Đến cuối tháng 6/2025, cơ bản hoàn thành 70% nhiệm vụ.

Để chuẩn bị cho việc sắp xếp địa giới hành chính, quận Hoàn Kiếm (cũ) đã phối hợp với các bên liên quan thực hiện công tác thu thập thêm dữ liệu để nghiên cứu lập Đề án vùng phát thải thấp mở rộng ra các khu vực, tuyến phố theo ranh giới của hai phường Cửa Nam và Hoàn Kiếm mới. Tuy nhiên, việc lập Đề án trước đây chưa có nội dung không sử dụng xe mô-tô, xe gắn động cơ sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Do đó, để đáp ứng yêu cầu của Chỉ thị số 20/CT-TTg, Đề án cần có một số thay đổi cho phù hợp với thực tế. Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam Phạm Tùng Lâm cho biết, phường Cửa Nam sẽ tiếp tục thực hiện một số nội dung như: Thiết lập hạ tầng giám sát giao thông; thiết lập hạ tầng thông tin, biển báo vùng phát thải thấp, không sử dụng xe máy dùng nhiên liệu hóa thạch; các biện pháp hỗ trợ chuyển đổi xe xăng sang xe điện…

Để thực hiện việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đề nghị thành phố sớm sửa đổi Nghị quyết số 47/2024/ NQ-HĐND của HĐND thành phố cho phù hợp nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thực tiễn. Nghị quyết sửa đổi phải bao quát rộng hơn, không chỉ tập trung vào xe máy mà cần mở rộng sang các loại phương tiện sử dụng xăng, dầu nói chung; đồng thời, cần tích hợp yếu tố khoa học, phân kỳ theo giai đoạn và xác lập bản đồ vùng phát thải rõ ràng.

Việc sửa đổi sẽ tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục pháp lý; lấy ý kiến của các chuyên gia, người dân. Ngay cả phường Cửa Nam, khi thực hiện thí điểm cũng cần khảo sát kỹ càng, trong đó, có triển khai nghiên cứu đánh giá tác động của việc không sử dụng xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch đến đời sống người dân. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, việc sửa đổi Nghị quyết số 47/2024/ NQ-HĐND cần được thực hiện bài bản, có ý kiến của các chuyên gia, với tầm nhìn dài hạn và phạm vi rộng, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng khu vực nội đô xanh, sạch, phục vụ phát triển văn hóa và du lịch.

Nghị quyết mới cần chắt lọc nội dung cốt lõi, triển khai ngay trong tháng 9/2025 với phạm vi thí điểm cụ thể, bảo đảm tính khả thi và thực tiễn. Việc thí điểm tại phường Cửa Nam cũng chỉ nên thực hiện trên một phạm vi nhất định trước khi triển khai toàn phường. Trước mắt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân để người dân hiểu, đồng thuận với chủ trương, chính sách của Trung ương và thành phố.

Có thể bạn quan tâm