Những lần trở về vùng biên giới của tỉnh Đồng Tháp, ngang qua bến chợ quê là biết bao ký ức lại ùa về trong tôi. Mấy đứa trẻ chúng tôi có đứa sinh ra và lớn lên ở chợ quê hoặc nhà gần chợ quê. Hằng ngày, tụi bạn tụ tập ở bến chợ để khuân vác các mặt hàng tạp hóa từ tàu, ghe mang lên nhà lồng chợ. Sau đó, chúng tôi thường được chủ cửa tiệm tạp hóa cho chút tiền hoặc bánh, kẹo, xem như thù lao cho buổi “tự nguyện” ra công lao động. Không thể quên được những giây phút bọn trẻ cùng chạy ùa xuống bến chợ để tắm, cùng lặn ngụp đùa giỡn bên những chiếc ghe, tàu xuồng suốt buổi trưa hè.
Bến chợ quê không chỉ chứng kiến cảnh vận chuyển hàng hóa ra vào bờ, nơi ấy còn có biết bao chuyện buồn vui của người dân trong xóm, của bà con tiểu thương ở chợ. Ngày ấy, khi đường sá còn khó khăn thì đò, tàu, xuồng… là những phương tiện chính để đi lại. Nơi đây cũng đã chứng kiến không biết bao nhiêu buổi đưa rước dâu. Cô dâu, hoặc gia đình chú rể không hẳn là nhà ở ngay chợ. Để lên xuống tàu đưa rước dâu được thuận lợi, các phương tiện này thường chọn bến chợ làm nơi “tập kết” đưa rước dâu.
Các đám cưới ưa thích bến chợ quê bởi thường có bậc thang lên xuống an toàn và trông cũng sang trọng hơn những bến sông khác. Cũng tại bến chợ quê, chủ các ghe tàu đậu tại chỗ đã không ít lần bất kể ngày đêm vội vã chở bệnh nhân đi cấp cứu, đi sinh. Có những đoạn sông dài gần 10 cây số, thấy hoàn cảnh gia đình bệnh nhân nghèo, không có điều kiện đổ xăng dầu, chủ ghe tàu cũng tận tình giúp đỡ.
Vào mùa lũ (người dân miền Tây thường gọi là mùa nước nổi), bến chợ quê là nơi tập trung đông người dân đến mua bán cá, cua, bông súng, bông điên điển… Đây là sản vật mùa nước nổi được các ngư dân đi đánh bắt tại những cánh đồng ngập nước, sông, kênh và mua lại tại các đáy cá linh ở thượng nguồn sông Sở Thượng của tỉnh Đồng Tháp rồi bán lại cho các tiểu thương bán cá tại chợ quê.
Những năm mùa lũ dâng cao, thiệt hại nhà cửa, lúa, hoa màu, ảnh hưởng đến đời sống của bà con nhân dân, bến chợ quê chính là địa điểm các tàu neo đậu để cứu trợ. Khi ấy, những đứa trẻ chúng tôi đi theo cha mẹ nhận được những thùng mì, hộp sữa, tập vở, viết, thuốc trị đau mắt đỏ, bộ quần áo cũ… nhưng với chúng tôi lúc đó chẳng khác nào là “đồ Tết”.
Bến chợ quê còn là điểm hẹn của những người đam mê văn nghệ. Không ít lần, nhiều nghệ sĩ cải lương gạo cội đến từ Thành phố Hồ Chí Minh đã ghé bến chợ để hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt và phục vụ các bản cải lương, tân nhạc, bà con nghe xong tạm quên đi những muộn phiền của thời điểm khó khăn.
Ngày nay, điều kiện đi lại thuận tiện hơn, nhưng bến chợ quê vẫn là nơi sinh hoạt, giao thương của nhiều người. Đây vẫn là nơi neo đậu của những chiếc ghe bán đồ tạp hóa, khoai, dưa hấu… mà người dân thường gọi những người trên ghe ấy đang sống “kiếp thương hồ”.
Tại bến chợ Rạch Chanh, phường Mỹ Trà, tỉnh Đồng Tháp, chú Nguyễn Văn Tâm, ngụ xã Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long thường xuyên ra vào neo đậu ghe tại bến chợ cho biết: “Tôi sống kiếp thương hồ hơn 30 năm nay, không biết đã neo đậu ghe ở bao nhiêu bến chợ quê để giao hàng và bán đồ cho khách. Những khi vơi khách hoặc bán hết hàng, vợ chồng tôi và đứa cháu lên chợ chơi, nói chuyện với các tiểu thương ở chợ rất vui”.
Ngày ngày, bến chợ vẫn là nơi tập kết của nhiều phương tiện giao thông đường thủy; diễn ra các hoạt động vận chuyển hàng hóa, mua bán cá, phần nhiều là vận chuyển cá từ xuồng ghe lên bờ. Tại các bến chợ, tiểu thương thường tận dụng nguồn nước sông dồi dào để sinh hoạt, rửa rau, cá…
Trong quá khứ, nhiều chợ quê được hình thành gắn liền với các bến sông, trở thành nơi giao thương quan trọng trên địa bàn. Bến chợ quê hiện nay vẫn được nhiều địa phương gìn giữ, thậm chí được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, sạch đẹp. Không chỉ đơn thuần là nơi giao thương, các bến chợ quê còn chứa đựng cả một không gian văn hóa, nơi ăm ắp kỷ niệm của chốn làng quê miệt vườn sông nước.