Với nhiều cơ chế, chính sách có tính đột phá về thuế, đất đai, nhân lực và dịch vụ tài chính, nghị quyết không chỉ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, mà còn là cam kết chính trị mạnh mẽ thúc đẩy vị thế mới của Việt Nam trên bản đồ tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, để biến tầm nhìn này thành hiện thực, thành phố cùng các cơ quan Trung ương cần một lộ trình triển khai cụ thể, có trọng tâm và hành động nhanh chóng, quyết liệt.
CẦN VÀO CUỘC TRIỂN KHAI NHANH
Theo báo cáo thành phố gửi Chính phủ, khu vực quy hoạch xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế có tổng diện tích 783 ha, bao gồm phần lớn phường Sài Gòn (Quận 1 cũ) và Khu đô thị Thủ Thiêm. Trong đó, 719 ha là diện tích mặt đất, 64 ha là mặt sông Sài Gòn. Giai đoạn đầu sẽ tập trung phát triển khu lõi 9,2 ha tại Thủ Thiêm, nơi dự kiến đặt trụ sở các cơ quan quản lý, giám sát và tài phán chuyên ngành tài chính.
Dự án Trung tâm Tài chính quốc tế có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 172.000 tỷ đồng (tương đương 7 tỷ USD), trong đó khu lõi cần 16.000 tỷ đồng để triển khai trong 2-3 năm đầu. Khoảng 2.000 tỷ đồng sẽ lấy từ ngân sách nhà nước để xây dựng trụ sở các cơ quan chức năng, phần còn lại huy động từ nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thành phố đang hoàn tất hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Song song với việc chuẩn bị hạ tầng và thể chế, thành phố đang xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực cho IFC, hướng tới đội ngũ có năng lực điều hành, quản lý các thiết chế tài chính hiện đại. Thành phố đã dự thảo năm chương trình đào tạo khung triển khai từ năm 2025, đồng thời cử cán bộ đi khảo sát mô hình tại Anh, Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc và Kazakhstan.
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế-Tài chính của Quốc hội, Trợ lý Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã chủ động tiếp cận các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để tìm kiếm, thu hút nhân lực chất lượng cao, đồng thời đã tuyển chọn và cử đi đào tạo một số cán bộ công tác trong khu vực công; tuy nhiên, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyển chọn, đào tạo và thu hút nhân tài trong và ngoài nước bằng chính sách phù hợp, hiệu quả và bền vững.
KIẾN TẠO THỂ CHẾ VẬN HÀNH ĐẶC THÙ
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần sớm thành lập Ban Quản lý Trung tâm Tài chính quốc tế hoạt động theo mô hình đặc thù, với thẩm quyền rõ ràng, độc lập với bộ máy hành chính truyền thống. Cơ quan này đóng vai trò đầu mối trong công tác quy hoạch, cấp phép, giám sát và điều phối toàn bộ hoạt động của IFC, tương tự như mô hình quản lý đặc khu tài chính tại Dubai, Thượng Hải hay Qatar.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ cần nhanh chóng ban hành các văn bản pháp lý cần thiết, bao gồm: Quyết định thành lập IFC Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành lập Ban điều hành Trung tâm, cơ quan trọng tài tài chính, tòa án chuyên trách và các cơ quan quản lý hoạt động sàn giao dịch tài chính.
Với tổng vốn đầu tư sơ bộ lên đến 7 tỷ USD, bài toán huy động vốn là một trong những thử thách lớn nhất. Đây là con số rất lớn nhưng không nằm ngoài tầm với nếu thành phố có chiến lược thông minh, minh bạch và tận dụng tốt các cơ chế đặc thù đã được Quốc hội trao quyền. Các trụ cột huy động vốn cần được kích hoạt đồng bộ: Trước hết là nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước đóng vai trò “vốn mồi” trong giai đoạn đầu. Vốn đầu tư công bao gồm vốn ngân sách trung ương tài trợ và vốn ngân sách của địa phương. Ngoài ra, thành phố còn phải huy động vốn từ: Nguồn lực xã hội hóa thông qua đối tác công - tư (PPP); thu hút nhà đầu tư chiến lược qua hình thức nhượng quyền hoặc góp vốn trực tiếp; nguồn lực từ tài sản công và quỹ đất đô thị; thị trường vốn nội địa và quốc tế thông qua trái phiếu đô thị; nguồn thu từ chính Trung tâm tài chính quốc tế trong giai đoạn vận hành; nguồn vốn đầu tư mạo hiểm và quỹ tài chính công nghệ; nguồn vốn phát triển (ODA, vốn ưu đãi).
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Huy Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Văn Hiến nhận định, thay vì kêu gọi đầu tư cho toàn bộ dự án, thành phố nên chia nhỏ IFC thành các cấu phần đầu tư có khả năng sinh lời hoặc có tính công ích rõ ràng. Việc phân chia này giúp xác định rõ đối tượng đầu tư, dễ triển khai PPP hoặc FDI, phù hợp với từng mục tiêu cụ thể. Ông cũng đề xuất thành phố cần đẩy mạnh huy động vốn qua các kênh tài chính truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm…; đồng thời phát triển các công cụ tài chính hiện đại như quỹ đầu tư hạ tầng chuyên biệt, trái phiếu xanh (Green Bonds)...