Nữ du kích vùng Đất thép thành đồng

Tôi gặp cô Sáu Trong vào một chiều mưa Hà Nội. Cô có làn da sạm nắng cùng mái tóc pha sương nhuốm màu thời gian. Đôi mắt cô hiền hòa nhưng sáng nét kiên định, sắc bén của người chiến sĩ cộng sản một thời vào sinh, ra tử trên chiến trường lửa đạn. Cô là Dũng sĩ diệt Mỹ, Đội trưởng Đội du kích Củ Chi, vùng Đất thép thành đồng.

Nữ Đội trưởng Đội du kích Củ Chi với cánh tay không còn lành lặn. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Nữ Đội trưởng Đội du kích Củ Chi với cánh tay không còn lành lặn. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Cô tên thật là Võ Thị Trong, sinh năm 1950 tại Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Lần gặp gỡ là vào dịp cô ra Thủ đô thăm Lăng Bác. Người nữ du kích năm xưa đã là một thương binh với đôi cánh tay không lành lặn. Nhìn vào những vết sẹo chi chít trên thân thể, cô chậm rãi hồi tưởng về thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, cả thanh xuân cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng đất nước…

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, năm 1966 khi tròn 16 tuổi, Sáu Trong hoạt động trong Đội du kích ấp Phú Hòa, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Trận đánh đầu tiên cô tham gia là chiến đấu cùng bốn đồng chí khác trong Tiểu đoàn Quyết Thắng. Khi quân địch gồm một đoàn xe tăng bọc thép đi từ hướng Trảng Bàng (Tây Ninh) tiến thẳng vào căn cứ của ta ở Phú Hòa (Củ Chi), nữ du kích Sáu Trong khi đó đã cùng đồng đội dũng cảm chiến đấu, tiêu diệt 25 xe tăng, loại khỏi vòng vây 35 tên địch. Với chiến công lập được, cô được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3 khi vừa bước sang tuổi 17.

Cô Sáu Trong xúc động kể: “Khẩu súng khi đó tôi dùng là súng trường K44, cứ nhắm thẳng quân địch mà nhả đạn. Mấy tên giặc to gấp đôi mình, lúc bị tôi tóm gọn chúng còn không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chiến trường khi đó khốc liệt lắm, hỏi tôi có sợ không thì chắc chắn là có, nhưng đã ra trận thì nỗi sợ tự dưng biến mất. Phải chiến đấu hết mình!”.

Năm 1967, cô Sáu Trong hoạt động trong Trung đội nữ du kích Củ Chi, còn được biết đến là “đội quân tóc dài” với những chiến công khiến giặc khiếp sợ. Họ vừa làm nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu khi được phân công đánh giặc, vừa phục vụ chiến đấu như đào hầm, tải đạn, lương thực… Nữ du kích có khi phải hóa thân thành người khác, hoạt động bí mật, xuất quỷ nhập thần. Căn cứ địa đạo Củ Chi là một trong những nơi các cô gái dũng cảm ẩn náu, hoạt động cách mạng thời gian dài.

Năm Mậu Thân 1968, Sáu Trong bị quân địch bắt giữ. Trong mớ tài liệu tịch thu, chúng tìm được bức ảnh cô chụp cùng bà Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền nam Việt Nam. Ngay lập tức địch tình nghi cô là Việt cộng đang hoạt động cách mạng. Tuy nhiên, ngoài bức ảnh đó ra thì không còn chứng cứ gì khác. Sau 13 tháng giam giữ, tra khảo, dùng cực hình nhưng không khai thác được gì, địch buộc phải thả cô. Ra khỏi nhà tù, Sáu Trong lại tiếp tục hoạt động cách mạng.

Những năm tháng sau đó, chiến trường có nhiều biến động. Nữ du kích Sáu Trong được phân công nhiệm vụ làm trợ lý tham mưu cho huyện đội, hoạt động hợp pháp ở ấp chiến lược. Ban ngày, cô làm nương rẫy, tạo vỏ bọc không ai chú ý. Tuy nhiên khi đêm đến, cô bí mật hoạt động truyền tin, rải đơn, gây dựng lại cơ sở, tổ chức lực lượng diệt ác. Thời gian đó Sáu Trong liên tiếp lập chiến công, trở thành cái gai trong mắt của quân địch. “Chúng thừa biết tôi đang hoạt động cách mạng nhưng lại không có cách nào bắt được tôi, không có chứng cứ nên tức lắm. Người tôi nhỏ nhắn nên dễ cải trang. Có lần tôi cải trang giấu thuốc nổ vào sào huyệt của địch, cài bom hẹn giờ. Đến lúc phát nổ thì tôi bị mảnh vỡ văng trúng nên cũng bị thương, bù lại tôi cũng làm thương vong hơn 15 tên địch”, cô kể lại.

Tháng 4/1970, cô Sáu Trong không may một lần nữa bị quân địch bắt giữ khi làm nhiệm vụ. Đó là những năm tháng lao tù không thể nào quên. Chúng dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man, dùng nhục hình hòng buộc cô phải khai ra đồng đội. Đến mức cánh tay trái của cô khi đó bị địch đánh dập nứt cả xương. Thế nhưng sau tất cả, chúng buộc phải bỏ cuộc vì không thể nào tra khảo được gì từ nữ chiến sĩ du kích Củ Chi. Sự dũng cảm, kiên cường, thà hy sinh chứ không khuất phục của cô một lần nữa khiến quân địch khiếp sợ.

“Lúc bị địch bắt rồi tra tấn đúng là đau đớn thật. Nhưng nỗi đau đó không bằng thời gian sau khi được chúng thả ra, tôi hoạt động tiếp với cánh tay thương tật. Tôi phải dùng vải quấn cánh tay bị thương lên cổ rồi chiến đấu. Vết thương ngày đêm rỉ máu khiến tôi không ngủ được. Bác sĩ khi đó khuyên tôi cắt cánh tay bị thương đi, không thì nguy hiểm đến tính mạng.

Thế nhưng tuổi còn trẻ, cắt cụt tay đi sao tôi đánh giặc được nữa…”, cô xúc động nhớ lại. Tuy nhiên sau đó, Sáu Trong vẫn phải chấp nhận cưa đi cánh tay để bảo toàn sức khỏe. Mặc dù thân thể không còn lành lặn nhưng sức chiến đấu, lòng quả cảm của người chiến sĩ cách mạng vẫn nhiều phen làm kẻ thù run sợ. Một cánh tay vẫn quyết xông pha, chưa bao giờ sợ hãi.

Nói về người đồng đội của mình, cô Năm Sương, tức nữ du kích Củ Chi Lê Thị Sương nhận xét: “Sáu Trong dũng cảm lắm. Mấy chị em trong đội du kích khi đó mỗi người một nhiệm vụ nhưng luôn sát cánh cùng nhau. Tưởng bị cụt đi cánh tay sẽ khiến chị Sáu chùn bước, nhưng không, cứ có trận nào là chị lại xông pha, cầm súng khó khăn thì chị cho nổ lựu đạn. Ngụy trang che mắt địch thì không ai bằng”.

Đầu năm 1975, nữ du kích Sáu Trong được chỉ huy sắp xếp hoạt động trong Trung đoàn Đất Thép, trở thành Đội phó Đội trinh sát và Đội trưởng Đội nữ du kích, dồn sức cùng đồng đội chuẩn bị cho trận đánh lớn sắp diễn ra.

Chiến dịch mùa xuân năm 1975 đại thắng, hòa bình lập lại. Cô Sáu Trong sau đó công tác tại Tiểu đoàn 195 thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1984, do không đủ sức khỏe phục vụ trong quân đội, cô xin nghỉ và hưởng chế độ thương binh 2/4. Kết hôn với một cán bộ của Tiểu đoàn Đặc công Gia Định, cô sống hạnh phúc bên gia đình ở tuổi xế chiều. Thi thoảng, những vết thương năm xưa lại gây đau nhức, như thể vết hằn của thời gian vẫn còn lưu lại trên thân thể.

Hồi tưởng về những năm tháng chiến đấu cùng đồng đội nơi chiến trường khốc liệt, người Đội trưởng Đội du kích Củ Chi năm nào nhìn tôi, cười hiền: “Sắp đến kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ rồi, cô nhớ đồng đội của mình quá! Chúng ta hãy sống thật tốt và biết ơn những người đã ngã xuống, máu đổ năm xưa mới có hòa bình của hôm nay”.

Có thể bạn quan tâm