Vẻ vang Trung đoàn Củ Chi Đất Thép

Cuối tháng 2-1975, lệnh của Khu ủy Sài Gòn – Gia Định yêu cầu huyện Củ Chi thành lập một trung đoàn vũ trang chiến đấu. Chỉ trong vòng hai tháng, vừa biên chế vừa tập hợp lực lượng từ những con em của huyện, Trung đoàn Củ Chi Đất Thép chính thức được thành lập với gần 800 chiến sĩ và bước ngay vào chiến đấu...

Đầu tháng 4-1975, tại xã An Phú, huyện Củ Chi, Ban Chỉ huy Trung đoàn Củ Chi Đất Thép hạ quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ảnh tư liệu
Đầu tháng 4-1975, tại xã An Phú, huyện Củ Chi, Ban Chỉ huy Trung đoàn Củ Chi Đất Thép hạ quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ảnh tư liệu

Sáng mãi những chiến công

... Ngày 28-4-1975, Trung đoàn được giao nhiệm vụ chiếm lĩnh toàn bộ hướng đông bắc Củ Chi và khống chế lộ 8, quốc lộ 15 bảo đảm hành lang cho bộ đội chủ lực hành quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Thiếu úy Hoàng Song Lam, nguyên trợ lý kỹ thuật của Trung đoàn kể lại: “Nhận nhiệm vụ, trên đường hành quân, Trung đoàn đã đánh chiếm đồn xã Tân Thạnh Đông. Ngày 29 và 30-4, Trung đoàn tác chiến độc lập đánh chiếm các đồn, bót thuộc xã Tân Hiệp, Đông Thạnh, Thạnh Lộc, An Phú Đông (huyện Hóc Môn); Vàm Thuật, An Nhơn, Thông Tây (quận Gò Vấp) và đánh chiếm Tòa hành chánh tỉnh Gia Định đúng thời gian chỉ đạo của trên”.

Những ngày đầu sau giải phóng, Nhà máy điện và Nhà máy nước Thủ Đức, hai cơ sở cực kỳ quan trọng của thành phố lúc bấy giờ, được giao cho Trung đoàn bảo vệ và đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 1976, Trung đoàn được chuyển sang lực lượng Công an Nhân dân vũ trang, có nhiệm vụ bảo vệ tuyến biên giới Tây Nam từ Tịnh Biên (An Giang) cho đến Xa Mát, Thiên Tôn thuộc tỉnh Tây Ninh.

Năm 1977, khi quân Khmer đỏ tràn sang biên giới các tỉnh Tây Nam, Trung đoàn đã tham gia chiến đấu và giáng trả kẻ thù nhiều đòn chí mạng. Ông Nguyễn Văn Sâm, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 12 của Trung đoàn, nhớ lại: “Chúng tôi đã chiến đấu sáp lá cà gần hai ngày với địch và giải phóng xã Tân Khai (Tân Biên, Tây Ninh) khỏi tay Khmer đỏ. Sau trận thắng này, anh em trong đơn vị được nhận lẵng hoa của Bác Tôn gửi tặng”.

Năm 1980, Trung đoàn làm nghĩa vụ quốc tế với phiên hiệu và tên gọi mới là Trung đoàn 688 (E688) Bộ đội Biên phòng, thuộc Mặt trận 479 phối thuộc Sư đoàn 5. Năm 1985, sau khi về nước, Trung đoàn giải thể tại Long Khánh (Đồng Nai).

Trong 10 năm kể từ khi được thành lập, Trung đoàn Củ Chi Đất Thép với nhiều tên gọi khác nhau đã chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều đơn vị, cá nhân của Trung đoàn đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và toàn đơn vị có đến 420 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 600 đồng chí bị thương...

Phát huy phẩm chất người lính của trung đoàn

Trở về với cuộc sống đời thường, các cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn Củ Chi Đất Thép năm xưa tiếp tục lao động, học tập, góp phần xây dựng quê hương.

Bác sĩ Nguyễn Minh Thành, nguyên là chiến sĩ quân y của Trung đoàn, giờ là Giám đốc Bệnh viện đa khoa Củ Chi. Từ một bệnh viện tuyến huyện với cơ sở vật chất thiếu thốn, trên cương vị của mình, bác sĩ Thành đã cùng tập thể lãnh đạo đơn vị suy nghĩ tìm cách đầu tư nguồn nhân lực và đưa các trang thiết bị y tế hiện đại vào chăm sóc sức khỏe người dân. Đến nay, Bệnh viện đa khoa Củ Chi được xem là một trong những điểm sáng của ngành y tế thành phố trong việc chăm lo sức khỏe cho người dân ngoại thành và các vùng phụ cận. Bác sĩ Thành tâm sự: “May mắn là mình còn sống, nên lúc nào mình cũng cố gắng làm tất cả những gì có thể để không phụ lòng những đồng chí, đồng đội đã hy sinh”.

Thiếu úy Hoàng Song Lam, nguyên là trợ lý kỹ thuật Trung đoàn, giờ ở ấp Xóm Huế, xã Tân An Hội, và đã là ông của những đứa cháu. Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương và tham gia cấp ủy, ban điều hành ấp. Ngày đêm, ông cùng với tập thể ban điều hành ấp tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho bà con trong ấp. Để thanh niên trong xóm có nơi sinh hoạt, vui chơi, ông đã dành số tiền hưu ít ỏi của mình mua dàn âm thanh, đàn ghi-ta và lấy nhà riêng của mình làm điểm tụ họp giao lưu văn hóa văn nghệ vào ngày cuối tuần cho thanh niên trong ấp.

Ông Lê Văn Đục, ngụ ấp Xóm Trại, xã An Nhơn Tây, nguyên là chiến sĩ của Trung đoàn, giờ là một trong những gương nông dân điển hình trong phong trào nông dân sản xuất giỏi của huyện. Sau nhiều năm miệt mài lao động, tích cóp, giờ gia đình ông đã mua được gần một ha đất vườn để trồng trọt. Từ năm 2002 đến nay, ông chăn nuôi bò vàng và lúc nào cũng có từ 5 đến 7 bò giống. Bà con trong xóm ai không có vốn ông sẵn sàng bán thiếu, không lấy lãi...

Còn nhiều người lính của Trung đoàn Củ Chi Đất Thép năm xưa như vậy.

Đau đáu nghĩa tình đồng đội

Vào ngày truyền thống của lực lượng Dân quân tự vệ hằng năm (28-3), những người lính của Trung đoàn Củ Chi Đất Thép năm xưa lại tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên nhau và cùng nhớ về những đồng đội đã nằm lại ở các chiến trường. Đại tá Phạm Tấn Nhân, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn Củ Chi Đất Thép, tâm sự: “Cuộc chiến tàn khốc quá, giờ người còn sống phải có trách nhiệm để người thân của những liệt sĩ của Trung đoàn thấy ấm lòng hơn”.

Chiến đấu và trưởng thành từ Trung đoàn Củ Chi Đất Thép, Thiếu tướng Võ Minh Trí, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 7, cho biết: “Các bộ phận có liên quan của Quân khu sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố phía nam và quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia để tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ của đơn vị. Tranh thủ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các sở, ngành thành phố, sớm biên soạn lịch sử và xây dựng bia tưởng niệm các liệt sĩ của Trung đoàn Củ Chi Đất Thép.

Trong cuộc trường chinh chiến đấu giành độc lập, tự do cho quê hương, đất nước, hàng nghìn người con của vùng đất thép Củ Chi đã mãi mãi nằm xuống. Nhưng khi Tổ quốc cần, Củ Chi lại tiễn con em, người thân của mình tiếp tục ra trận. Những chiến công và sự hy sinh, mất mát cũng như những đóng góp của những người lính Trung đoàn Củ Chi Đất Thép năm xưa và hôm nay, đã góp phần tô thắm thêm truyền thống hào hùng của Củ Chi Đất Thép, thành đồng.

Có thể bạn quan tâm

back to top