Nhằm tháo gỡ một trong những rào cản lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường Ấn Độ, ngày 25/7, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Chiến lược mở cửa thị trường Ấn Độ: Hướng dẫn thành lập pháp nhân tại Ấn Độ cho doanh nghiệp Việt Nam”.
Hội thảo thu hút được sự tham gia đại diện gần 100 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm, thủy sản, chế biến nông sản, thiết bị điện, đồ gỗ, logistics, du lịch và công nghệ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng cho biết, Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới với dân số hơn 1,46 tỷ người. Cùng với đà tăng trưởng ổn định, tầng lớp trung lưu tại Ấn Độ đang mở rộng nhanh chóng, kéo theo nhu cầu tiêu dùng, đầu tư và thương mại ngày càng lớn. Trong bối cảnh toàn cầu đẩy mạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm thị trường thay thế, Ấn Độ nổi lên như một trung tâm sản xuất, tiêu thụ và trung chuyển mới của khu vực và thế giới.
Theo Tham tán Thương mại Bùi Trung Thướng, Việt Nam và Ấn Độ có nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại song phương vẫn chưa phản ánh đầy đủ tiềm năng hợp tác hai bên, một phần do sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Ấn Độ còn hạn chế.
Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp Việt Nam tiên phong đã mạnh dạn thiết lập pháp nhân, đầu tư sản xuất và mở văn phòng đại diện tại Ấn Độ.
Dù quá trình ban đầu gặp không ít khó khăn về pháp lý và thủ tục hành chính, nhưng kết quả đạt được cho thấy hiệu quả rõ rệt, góp phần mở rộng thị trường, tăng khả năng tiếp cận người tiêu dùng và đối tác bản địa.
Đánh giá về tiềm năng Việt Nam-Ấn Độ, Tham tán Thương mại Bùi Trung Thướng nhận định, trong giai đoạn 2025–2030, hợp tác Việt Nam-Ấn Độ được đánh giá là sẽ bước vào giai đoạn mở rộng cả về chiều sâu và quy mô, trong đó kim ngạch thương mại hai chiều dự kiến có thể đạt 20 tỷ USD nếu hai bên ký kết Hiệp định thương mại và đầu tư song phương. Tiếp đến là lĩnh vực đầu tư sản xuất, đầu tư song phương tăng. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể mở rộng đầu tư, hoạt động tại thị trường Ấn Độ nếu được nếu được hỗ trợ tốt về pháp lý và xúc tiến.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Manan Agarwal – Giám đốc điều hành công ty tư vấn KrayMan Consultants LLP (Ấn Độ) đã cung cấp những hướng dẫn chuyên sâu và thực tiễn về các loại hình doanh nghiệp phù hợp với nhà đầu tư nước ngoài tại Ấn Độ; quy trình, thời gian và hồ sơ đăng ký pháp nhân; các quy định về thuế, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chuyển lợi nhuận ra nước ngoài; thủ tục mở tài khoản ngân hàng, nộp thuế, kê khai định kỳ; những lỗi phổ biến và cách tiếp cận hiệu quả khi lần đầu thâm nhập thị trường Ấn Độ.
Tại Hội thảo, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ và đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp của Ấn Độ đã cung cấp hướng dẫn rõ ràng, thực tiễn và phù hợp với điều kiện doanh nghiệp Việt, giúp doanh nghiệp hiểu rõ toàn bộ quy trình đăng ký kinh doanh, đầu tư tại Ấn Độ cũng như tuân thủ quy định pháp luật sở tại.
Nhân dịp này, đại diện một số doanh nghiệp Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế khi tự đăng ký doanh nghiệp tại Ấn Độ. Do không được sự hỗ trợ, hướng dẫn về thủ tục pháp lý nên dẫn đến việc đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí thời gian và ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh.
Từ thực tế đó, các đại biểu thống nhất rằng việc sử dụng dịch vụ tư vấn từ các công ty chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm tại Ấn Độ sẽ giúp rút ngắn thời gian xử lý thủ tục, đảm bảo việc tuân thủ pháp luật và cho phép doanh nghiệp tập trung xây dựng chiến lược kinh doanh, vận hành và tiếp cận thị trường.
Thúc đẩy sự hiện diện trực tiếp của doanh nghiệp Việt Nam tại Ấn Độ là yếu tố then chốt để phát triển bền vững và sâu rộng hơn quan hệ kinh tế-thương mại song phương trong thời gian tới. Với vai trò là cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt trong việc tiếp cận thị trường Ấn Độ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, tư vấn pháp lý, kết nối đối tác và tổ chức hội thảo chuyên đề trong thời gian tới.
.