Nói đến Thụy Sĩ là nói đến trung tâm tài chính, ngân hàng của thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn các cơ quan, chuyên gia Thụy Sĩ chia sẻ và khuyến nghị cho Việt Nam về xây dựng, quản lý, vận hành Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam.
Cùng dự tọa đàm có: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cùng các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Về phía Thụy Sĩ có Trưởng bộ phận hỗ trợ kinh tế vĩ mô, Tổng cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ Jürg Vollenweider; Nghị sĩ Quốc hội bang Geneva, Tổng giám đốc Đại học khoa học ứng dụng Swiss UMEF; Trưởng Nhóm đổi mới tài chính, Diễn đàn Kinh tế thế giới Guillaume Hingel; Thành viên Ban quản trị cao cấp Hiệp hội ngân hàng Thụy Sĩ Gabiel Bourqui cùng nhiều chuyên gia về tài chính, ngân hàng của Thụy Sĩ.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao việc Bộ Tài chính và các cơ quan phối hợp tổ chức Tọa đàm Xây dựng và vận hành Trung tâm tài chính quốc tế-khuyến nghị cho Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sĩ; cho rằng, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong khuôn khổ chuyến công tác của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Thụy Sĩ.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Việt Nam và Thụy Sĩ có mối quan hệ truyền thống, gắn bó lâu đời. Những năm gần đây, hợp tác chính trị-ngoại giao giữa hai nước tiếp tục được tăng cường thông qua các chuyến thăm cấp cao và đối thoại song phương.
Giới thiệu một số thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã có nền kinh tế đứng thứ 34 trên thế giới và đang trên đà phát triển, được các tổ chức quốc tế công nhận, đánh giá cao.
Năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7,09%, 15/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch, quy mô GDP đạt hơn 470 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.700 USD.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, Việt Nam đã luôn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; đặc biệt, Việt Nam luôn quan tâm, chăm lo đời sống của nhân dân, trong đó, công cuộc giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng, hiện chỉ còn dưới 3%.
Việt Nam đang khẩn trương hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước vào ngày 31/8 tới.
Cho biết: Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt hơn với việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động chính quyền cấp huyện để chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7 vừa qua.
Năm 2025 cũng là năm Việt Nam tiến hành Đại hội Đảng các cấp, hướng tới tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, chuẩn bị tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026- 2031; hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025 và chuẩn bị cho kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2026-2030 với mục tiêu tăng trưởng hai con số.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, ban hành mới và sửa đổi các luật liên quan để thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy và phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Đặc biệt, ngày 27/6/2025, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 222/2025/QH15, quy định về việc thành lập, hoạt động, quản lý, giám sát và các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng nhằm thu hút nguồn vốn, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Các hoạt động hợp tác đầu tư giữa hai nước cũng ngày càng phát triển; trong đó, tính đến tháng 6/2025, Việt Nam ghi nhận 214 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực từ Thụy Sĩ, với tổng vốn đăng ký khoảng 2,03 tỷ USD với các lĩnh vực đầu tư chủ yếu bao gồm: công nghiệp chế biến-chế tạo (chiếm tỷ trọng lớn nhất), dịch vụ thương mại, dược phẩm, ngân hàng-bảo hiểm, và công nghệ thực phẩm.
Nhấn mạnh, tiềm năng, lợi thế của hai nước vẫn còn rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ và Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng của Thụy Sĩ, các tổ chức quốc tế tại Thụy Sĩ để rà soát việc thực hiện các văn kiện hợp tác đã ký kết giữa hai nước.
Qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để ngày càng có nhiều hơn các nhà đầu tư Thụy Sĩ vào Việt Nam và các nhà đầu tư Việt Nam vào Thụy Sĩ đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là trong những lĩnh vực, ngành hàng mà mỗi nước có thế mạnh và nhu cầu.

Tại tọa đàm, lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia hai bên tập trung trao đổi, đối thoại về: chiến lược và khung pháp lý phát triển các Trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam; các yếu tố hỗ trợ thành lập và vận hành các Trung tâm tài chính quốc tế; kinh nghiệm của Thụy Sĩ trong thuế, chính sách và khung pháp lý phát triển trung tâm tài chính; kinh nghiệm Geneva-cái nôi của Ngân hàng tư nhân và Trung tâm tài chính thương mại toàn cầu; cập nhật mô hình Ngân hàng tư nhân truyền thống Geneva; quan điểm về Tài chính phát triển, Ngân hàng số, Fintech và Tài chính toàn diện; chiến lược Fintech cho Trung tâm tài chính quốc tế…
Tọa đàm với sự tham dự của đại diện các cơ quan lập pháp, cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, các định chế tài chính lớn của Việt Nam và các chuyên gia, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tại Thụy Sĩ đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính nói riêng với thị trường Thụy Sĩ; đồng thời, góp phần thúc đẩy sự hình thành và vận hành hiệu quả trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, qua đó, mở ra cơ hội hợp tác chiến lược với các đối tác quốc tế, trong đó có Thụy Sĩ.
Tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng các đại biểu đã chứng kiến trao Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Tài chính và Diễn đàn Kinh tế Thụy Sĩ-Việt Nam; Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Tài chính và Hiệp hội Fintech Thụy Sĩ; Biên bản ghi nhớ giữa VDB và Công ty dữ liệu thương mại Thụy Sĩ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết năm 2024, Thụy Sĩ là nhà đầu tư lớn thứ 6 của châu Âu và đứng thứ 20/147 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 225 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 2,189 tỷ USD.
Một số tập đoàn lớn của Thụy Sĩ đầu tư tại Việt Nam gồm Nestlé (thực phẩm, đồ uống), Novatis/Ciba-Sandoz (hóa dược), Roche (dược phẩm), ABB (thiết bị điện, xây dựng trạm biến thế), Sulzer (cơ khí, thiết bị điện), SGS (giám định), Escatec (thiết bị điện tử), Ringier (in ấn), André/ CIE (thương mại) và một số doanh nghiệp khác…
Về hợp tác phát triển: Thụy Sĩ là một trong số ít các nước Tây Âu duy trì viện trợ phát triển và hợp tác kinh tế đối với Việt Nam. Từ năm 1992 đến nay, nguồn ODA Thụy Sĩ dành cho Việt Nam đạt gần 630 triệu CHF, tương đương 790 triệu USD.
Tháng 5/2025, Thụy Sĩ đã công bố Chương trình hợp tác phát triển Thụy Sĩ-Việt Nam 2025-2028 với số vốn ODA là 50 triệu USD.