Tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã công bố Quyết định số 1507/QĐ-TTg ngày 10/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban Quốc gia APEC 2027 để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc liên quan đến công tác chuẩn bị và tổ chức các hội nghị, hoạt động liên quan của Năm APEC 2027.
Ủy ban Quốc gia do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Chủ tịch; Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia gồm: Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng (Phó Chủ tịch Thường trực); Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân. Ủy ban Quốc gia có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc và điều phối giữa các Tiểu ban và Ban Thư ký, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan trong quá trình chuẩn bị và tổ chức các hội nghị, hoạt động của Năm APEC 2027.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2027 Bùi Thanh Sơn nêu rõ, việc thành lập Ủy ban vào thời điểm hiện nay là bước khởi đầu quan trọng, thể hiện cam kết mạnh mẽ, sự chuẩn bị nghiêm túc của Việt Nam với vai trò chủ nhà Năm APEC 2027. Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực chuyển biến nhanh, phức tạp và khó lường, yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam là rất cao - không chỉ kế thừa những thành công của hai kỳ đăng cai trước, mà phải đột phá, vươn lên tầm cao mới, khẳng định vai trò dẫn dắt và tư duy chiến lược của Việt Nam trong cấu trúc hợp tác khu vực.

Hai lần đăng cai thành công năm 2006 và 2017, là nền tảng vững chắc để Việt Nam tự tin bước vào APEC 2027 với tầm nhìn mới, quyết tâm cao và khát vọng bứt phá. Trong bối cảnh khu vực và thế giới biến động nhanh, phức tạp, đòi hỏi các thành viên phải tiếp tục kiên định với các giá trị, mục tiêu cốt lõi của Diễn đàn, việc đăng cai Năm APEC 2027 sẽ là phép thử quan trọng để khẳng định vị thế dẫn dắt, khả năng thích ứng của Việt Nam, để có thể chuyển hóa thách thức thành cơ hội, biến tầm nhìn thành hành động cụ thể.
Với tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới và trách nhiệm đóng góp thực chất cho diễn đàn, Năm APEC 2027 cần xây dựng các nội hàm hợp tác bảo đảm gắn với tầm nhìn, mục tiêu dài hạn của APEC về thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương tự do, mở, dựa trên luật lệ, vừa nắm bắt nhịp chuyển động của thời đại – đặc biệt là các xu hướng lớn như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, thu hẹp khoảng cách số và nâng cao khả năng ứng phó với các biến động toàn cầu…

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc đăng cai APEC 2027 vừa là vinh dự lớn đối với Việt Nam, vừa là trọng trách quốc tế cao cả, thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng quốc tế của Việt Nam, chứng minh cho sự tin tưởng, tín nhiệm của các thành viên APEC đối với Việt Nam vì đây là lần thứ ba Việt Nam đăng cai tổ chức APEC.

Năm 2027 đánh dấu gần 30 năm Việt Nam trở thành thành viên APEC. Trong suốt chặng đường đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Diễn đàn APEC luôn là ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đối với Việt Nam, hợp tác APEC là động lực quan trọng để mở cửa thị trường, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Quan hệ hợp tác với các thành viên APEC có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam.

Thủ tướng nêu rõ, thế giới và khu vực đang chứng kiến những chuyển động căn bản, sâu sắc. Tuy nhiên, càng khó khăn, thách thức thì Việt Nam càng đoàn kết, vươn lên, trỗi dậy mạnh mẽ, bình tĩnh đối phó với những diễn biến của thế giới hiện nay. Theo Thủ tướng, các nền kinh tế cần đoàn kết để vượt qua những khó khăn, thách thức vì không một nước nào có thể tự giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện, do đó cần đoàn kết, quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn thách thức. Chia sẻ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, nhất là mục tiêu, tầm nhìn phát triển, Thủ tướng nêu rõ, đây là lần thứ 3 Việt Nam đăng cai APEC, cho nên có nhiều kinh nghiệm hơn, nỗ lực, cố gắng hết sức mình tổ chức thành công hơn lần thứ nhất và thứ hai. Việt Nam cố gắng học hỏi, tham khảo kinh nghiệm các nền kinh tế tổ chức APEC; tin tưởng Việt Nam có thể làm được điều này.
Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam đang nỗ lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ở Phú Quốc để đón chào sự kiện APEC 2027, nhất là xây dựng trung tâm hội nghị và các cơ sở hạ tầng cần thiết khác, đây cũng là cơ hội để Việt Nam nói chung, Phú Quốc nói riêng phát triển. Thủ tướng mong các bạn bè quốc tế có cơ hội thăm đảo Phú Quốc đang triển khai tích cực các công trình. Mục tiêu đặt ra đối với Việt Nam là phải thành công cả về mặt đa phương và song phương, cả khía cạnh khu vực và quốc tế, góp phần cụ thể hóa các chương trình hành động và tầm nhìn của APEC, phát huy hơn nữa vai trò của APEC, là đầu tàu tăng trưởng, liên kết kinh tế khu vực và trên thế giới. Đồng thời khẳng định vị thế, tầm vóc của Việt Nam trên trường quốc tế; tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nền kinh tế thành viên và các đối tác khác; nỗ lực để các hoạt động thành công toàn diện trên các khía cạnh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giao lưu nhân dân, đem lại lợi ích cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp; thành công về mọi mặt từ nội dung cho đến tổ chức, lễ tân, hậu cần; rút kinh nghiệm qua các kỳ tổ chức trước.
Đối với Ủy ban Quốc gia APEC 2027, Thủ tướng đề nghị “5 phát huy”: Phát huy tinh thần hợp tác giữa các thành viên APEC; Phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo; Phát huy sự đồng lòng, quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao giữa các cơ quan, địa phương trong việc tổ chức, để các dự án, công trình bảo đảm chất lượng, kiến trúc, tiến độ; Phát huy sự ủng hộ, phối hợp của các thành viên APEC, sự tham gia đóng góp của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác công tư trong tổ chức APEC; Phát huy kết quả của Hội nghị APEC để hiệu quả hơn trong phát triển kinh tế mỗi nước, thực hiện mục tiêu của mỗi kỳ APEC.
Thủ tướng tin tưởng với tinh thần đồng lòng, quyết tâm, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, Ban Thư ký APEC, Năm APEC 2027 sẽ thành công tốt đẹp, Ủy ban Quốc gia APEC 2027 sẽ hoạt động hiệu quả nhất có thể, góp phần vào hòa bình, hợp tác và phát triển, thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.