Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên

Chiều 27/7, tại Điện Biên, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên về tình hình và kết quả triển khai, thực hiện các nghị quyết, kết luận gần đây của Trung ương; công tác lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Dự buổi làm việc có các đồng chí: Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an.

Cùng dự có các đồng chí: Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo một số bộ, ngành, thành phố Hà Nội và tỉnh Điện Biên.

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới cực Tây Bắc Tổ quốc, có 45 đơn vị xã, phường với 1.446 thôn, bản, tổ dân phố. Dân số toàn tỉnh hơn 65,67 vạn người, có 19 dân tộc cùng sinh sống. Đảng bộ tỉnh có 49 đảng bộ trực thuộc tỉnh, có 351 tổ chức cơ sở đảng, hơn 2.759 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, tổng số 49.465 đảng viên.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược, 8 nhiệm vụ trọng tâm và 4 chủ trương, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17/18 nhóm chỉ tiêu chủ yếu.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng trưởng bình quân 8,02%/năm; GRDP bình quân/người ước đạt 52,83 triệu đồng. Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn; không gian du lịch mở rộng, nhiều sản phẩm và điểm đến mới được đầu tư, nâng cấp. Thu ngân sách trên địa bàn năm 2025 ước đạt 1.779,52 tỷ đồng. Nông lâm nghiệp được cơ cấu phát triển theo lĩnh vực và sản phẩm chủ lực, gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 45,5%. Đã có 4 nhà máy hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản.

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội có tiến bộ rõ nét. Hạ tầng kỹ thuật giáo dục, y tế, giao thông, đô thị, dịch vụ được tăng cường. Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2025 còn 17,66%, (giảm bình quân 3,97%/năm). Tỉnh đã tập trung lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tích cực triển khai, ứng dụng công nghệ AI trong lĩnh vực giáo dục, du lịch-văn hóa…

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được triển khai, thực hiện với quyết tâm cao. Đến hết ngày 25/7, có 1 đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ tổ chức đại hội (Đảng bộ xã Na Sang). Trong số 231 tổ chức cơ sở đảng mới thành lập từ ngày 1/7/2025, có 92 tổ chức cơ sở đảng đã tổ chức đại hội. Chính quyền địa phương theo mô hình tổ chức mới đi vào hoạt động từ 1/7/2025 đến nay cơ bản thực hiện các nhiệm vụ thông suốt, đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

baclam2.jpg
Các đại biểu tham dự buổi làm việc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên trong quá trình phát triển những năm qua. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn đặc thù, Điện Biên không ngừng vươn lên, từng bước khẳng định vị trí mới trên bản đồ phát triển của cả nước. Tỉnh đã tăng thu hút vốn đầu tư xã hội, mở rộng được lực lượng doanh nghiệp tư nhân, phát triển các ngành hàng có thế mạnh như: lúa gạo, cà-phê, mắc ca... Tỉnh cũng đã cụ thể hóa các nghị quyết lớn của Trung ương bằng những chương trình hành động bài bản, đồng bộ.

Tổng Bí thư khẳng định đó là kết quả đáng trân trọng và tin tưởng tỉnh hoàn toàn có thể và phải vươn lên mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, nội lực của nền kinh tế Điện Biên hiện vẫn còn yếu. Mức thu ngân sách tuy có tăng nhưng thấp so với nhu cầu phát triển, còn phụ thuộc đáng kể vào sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương. Hạ tầng kinh tế-xã hội vẫn là điểm nghẽn lớn. Tỉnh chưa có kết nối trực tiếp với các hành lang kinh tế trọng điểm của quốc gia và khu vực. Đời sống một bộ phận đồng bào, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn ở mức cao. Nếu tỉnh không nhận diện đúng những điểm nghẽn này, không có giải pháp đột phá và không nâng cao được năng lực tổ chức thực thi, sẽ khó tạo được bứt phá.

Tổng Bí thư cho rằng dù không thuộc diện sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh nhưng đây là thời điểm thuận lợi để Điện Biên tái cơ cấu toàn diện, cả về tổ chức bộ máy và chiến lược phát triển, mô hình vận hành và cách tiếp cận quản trị. Từ tư duy quản lý hành chính đơn thuần, phải chuyển mạnh sang tư duy nhà nước kiến tạo phát triển, với bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát thực tiễn và lấy phục vụ người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực điều hành của chính quyền các cấp, cải cách chế độ công vụ, công chức cần được đặt trong một tổng thể thống nhất để khơi thông nguồn lực, kích hoạt động năng nội tại và thích ứng hiệu quả với yêu cầu phát triển ngày càng cao cùng cả nước và xu thế thời đại.

Từ thực tiễn phát triển của tỉnh và bối cảnh mới của đất nước, Tổng Bí thư đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ. Đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trong đó phải coi trọng công tác cán bộ, lựa chọn đúng người, bố trí đúng việc, đánh giá đúng năng lực và tạo động lực, môi trường làm việc tốt. Quan tâm đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực. Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo tổ chức đại hội đảng bộ các cấp theo đúng yêu cầu, hướng dẫn của Trung ương, trong đó chuẩn bị thật tốt văn kiện đại hội; rà soát, bổ sung những định hướng mới, những chủ trương lớn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15.

Tổng Bí thư chỉ đạo, tỉnh Điện Biên cần quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh, xóa bỏ rào cản đầu tư, nâng cao năng lực chính quyền trong hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện để hình thành các doanh nghiệp địa phương gắn với các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch. Phát triển kinh tế nông thôn, đưa nông nghiệp từ sản xuất manh mún sang sản xuất hàng hóa có khả năng xuất khẩu. Tăng cường kết nối vùng, hội nhập quốc tế, khai thác tốt tiềm năng biên giới, kinh tế cửa khẩu, du lịch quốc tế qua các tuyến hành lang Lào-Việt Nam-Thái Lan.

Nhấn mạnh vấn đề phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng sống của nhân dân, Tổng Bí thư yêu cầu tỉnh tiếp tục ưu tiên đầu tư y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội, chăm lo người có công và đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung giảm nghèo bền vững; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Tỉnh cần triển khai, thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng, Nhà nước tới đồng bào các dân tộc, bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh biên giới, giữ vững ổn định chính trị-xã hội. Phát huy vai trò của thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân gắn với phát triển kinh tế biên mậu, hợp tác quốc tế. Quan tâm công tác dân vận, giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tạo dựng sự đồng thuận và ổn định từ cơ sở, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân.

Có thể bạn quan tâm