Tỉnh Lâm Đồng từng bước nâng cao chất lượng sầu riêng

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng phối hợp với đối tác triển khai xây dựng “mô hình thâm canh sầu riêng kiểu mẫu chất lượng cao, quy mô lớn”, mang lại hiệu quả thiết thực, sản lượng, chất lượng và thu nhập từ các vườn sầu riêng tăng cao.

Năng suất sầu riêng vườn mô hình cao hơn vườn đối chứng khoảng 10%, lợi nhuận cao hơn khoảng 300 triệu đồng/ha.
Năng suất sầu riêng vườn mô hình cao hơn vườn đối chứng khoảng 10%, lợi nhuận cao hơn khoảng 300 triệu đồng/ha.

Nhằm chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trồng trọt, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm, tạo ra sản phẩm chất lượng, góp phần phát triển ngành hàng xuất khẩu các cây trồng chủ lực, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng phối hợp với đối tác triển khai xây dựng “mô hình thâm canh sầu riêng kiểu mẫu chất lượng cao, quy mô lớn”, mang lại hiệu quả thiết thực, sản lượng, chất lượng và thu nhập từ các vườn sầu riêng tăng cao.

Cuối năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cũ ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Bayer Việt Nam triển khai “mô hình thâm canh sầu riêng kiểu mẫu chất lượng cao, quy mô lớn” tại một số địa phương thuộc khu vực phía tây tỉnh Lâm Đồng. Mô hình được lựa chọn triển khai trên vườn sầu riêng trồng thuần của 10 hộ dân, có tuổi cây từ năm thứ 5 trở lên và đã cho thu hoạch trái, độ đồng đều vườn cây đạt hơn 80%.

Thời gian triển khai từ tháng 11/2024 đến tháng 9/2025. Quy mô theo thỏa thuận là 200 ha, trong đó mô hình thực hiện 10 ha (1 ha/hộ) và 10 ha đối chứng (1 ha/hộ), diện tích còn lại tùy thuộc các nông hộ có thể thực hiện theo giải pháp canh tác mô hình nếu thấy hiệu quả. Trong quá trình triển khai trên thực tế, số hộ dân tham gia áp dụng giải pháp mô hình đạt khoảng 300 ha.

Ông Đoàn Văn Thanh, ở thôn 13, xã Quảng Tín đã lựa chọn đưa toàn bộ diện tích hơn 14 ha sầu riêng kinh doanh tham gia mô hình thâm canh vườn sầu riêng kiểu mẫu chất lượng cao, quy mô lớn.

Theo đó, trong quá trình triển khai mô hình, ông Thanh được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, đơn vị đối tác hướng dẫn kỹ thuật canh tác, nhận biết sâu bệnh và các dòng thuốc đặc trị sâu, bệnh tương ứng; biểu hiện bệnh trên cây sầu riêng và phương pháp xử lý bệnh đúng cách, an toàn cho môi trường, sức khỏe người sản xuất; đặc biệt là phương pháp sử dụng “4 đúng” (đúng lúc, đúng thời điểm, đúng cách và đúng liều lượng).

Nhờ đó, vườn sầu riêng luôn xanh tốt, ít bị sâu bệnh, tỷ lệ đậu trái cao hơn, tình trạng nứt thân, xì mủ, nấm đen làm rụng trái được hạn chế tối đa.

Đến nay, sau gần 1 năm triển khai các phương pháp theo mô hình, vườn sầu riêng của ông Thanh chuẩn bị cho thu hoạch. Theo đánh giá của các đơn vị hợp tác triển khai mô hình, so với diện tích sầu riêng đối chứng, trái sầu riêng canh tác theo mô hình đạt chất lượng cao hơn, tỷ lệ trái đồng đều, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, vườn cây khỏe mạnh hơn so với canh tác đơn thuần.

Ông Đoàn Văn Thanh cho biết, từ khi triển khai mô hình, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Công ty TNHH Bayer Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cách thì vườn cây trở nên xanh tốt, cây phát triển khỏe hơn, ít bị sâu bệnh, tỷ lệ đậu trái cao, chất lượng trái đồng đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện nay, mặc dù chưa vào vụ thu hoạch chính nhưng vườn sầu riêng của gia đình đang được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu săn đón với giá thu mua cao hơn giá thị trường.

Tương tự, gia đình ông Mai Huyệch, phường Nam Gia Nghĩa cũng tham gia mô hình thâm canh sầu riêng kiểu mẫu, chất lượng cao, quy mô lớn trên diện tích gần 9 ha. Từ khi tham gia mô hình, ông Huyệch đã bỏ hẳn phương pháp canh tác truyền thống, áp dụng toàn bộ phương pháp canh tác mới trên toàn bộ diện tích sầu riêng hiện có.

Ông Mai Huyệch cho biết, mô hình đã chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trồng trọt, sử dụng thuốc BVTV một cách an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm; tạo sản phẩm chất lượng, phát triển ngành hàng xuất khẩu sầu riêng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; góp phần tăng thu nhập từ đó cải thiện đời sống cho người sản xuất; nhằm thay đổi thói quen trong sản xuất nông nghiệp chuyển sang phương thức sản xuất bền vững, hướng tới một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm an toàn xã hội.

Theo ông Nguyễn Văn Chương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, mục tiêu của “mô hình thâm canh sầu riêng kiểu mẫu chất lượng cao, quy mô lớn” là để thí điểm, tiến tới triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Để có sản phẩm chất lượng tốt nhất, Trung tâm và đối tác phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp trồng trọt, giải pháp sử dụng thuốc BVTV.

Trong đó, tập trung can thiệp nhiều nhất là giải pháp sử dụng thuốc BVTV đúng cách. Với mục đích là quản lý dịch hại đúng lúc, đúng thời điểm và giảm thiểu lượng thuốc BVTV. Từ đó, tạo ra sản phẩm sầu riêng đồng đều về chất lượng, mẫu mã, kéo giảm dư lượng thuốc BVTV, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu đối với sầu riêng.

Cũng theo ông Chương, sau gần một năm triển khai cho thấy, việc quản lý sâu bệnh hại hiệu quả đã giúp vườn mô hình có năng suất ổn định, giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Năng suất của vườn mô hình cao hơn vườn đối chứng khoảng 10%, lợi nhuận cao hơn khoảng 300 triệu đồng/1ha. Cụ thể, năng suất vườn mô hình đạt 30 tấn/ha, tỷ lệ hàng loại 1 đạt hơn 85%, có giá bán bình quân là 65.000 đồng/kg.

Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 1,3 tỷ đồng/ha. So với vườn sầu riêng đối chứng, năng suất đạt 27 tấn/ha, tỷ lệ sản phẩm đạt loại 1 khoảng 78%, có giá bán bình quân 63.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được hơn 1 tỷ đồng/ha.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng và đối tác, mô hình thâm canh sầu riêng kiểu mẫu, chất lượng cao, quy mô lớn được triển khai đúng thời điểm, khi ngành sầu riêng trong nước nói chung và tại Lâm Đồng nói riêng đang đối mặt với nhiều yêu cầu khắt khe về chất lượng từ thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu.

Việc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, đúng quy trình kỹ thuật đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm sầu riêng, góp phần làm thay đổi nhận thức từ canh tác truyền thống sang phương thức sản xuất có trách nhiệm với người tiêu dùng và môi trường sống.

Tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 42.000 ha sầu riêng, diện tích cho thu hoạch khoảng 20.000 ha, sản lượng đạt hơn 200.000 tấn/ năm. Loại cây này được nông dân mở rộng diện tích hằng năm, dần trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao của tỉnh.

Có thể bạn quan tâm