Về nơi mái ấm nghĩa tình của thương, bệnh binh

Tháng 7 là tháng tri ân truyền thống, đạo lý nước nhớ nguồn, chúng tôi có dịp trở về mái nhà chung của những thương bệnh binh nặng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên và Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng, tỉnh Ninh Bình.

Chủ tịch nước Lương Cường tặng quà các thương binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên nhân dịp 27/7
Chủ tịch nước Lương Cường tặng quà các thương binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên nhân dịp 27/7

Ở nơi mái nhà chung nghĩa tình ấy, chúng tôi được gặp những thương binh - những người lưu giữ ký ức chiến tranh và những y bác sĩ, điều dưỡng viên lặng thầm, tận tâm đồng hành với những thương binh bằng cả tấm lòng biết ơn và tình cảm chân thành.

Quê hương thứ hai của những thương binh nặng

Là một trong những cơ sở điều dưỡng thương binh được thành lập sớm nhất cả nước (tháng 6/1957), Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên, tỉnh Ninh Bình, luôn là ngôi nhà chung ấm áp của các thương binh, bệnh binh.

Trung tâm được giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng và giải quyết các chế độ, chính sách cho thương binh, bệnh binh nặng, có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 81% trở lên.

Hiện nay, Trung tâm đang nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng và giải quyết chính sách cho 52 thương, bệnh binh và một thân nhân liệt sĩ của 9 tỉnh, thành. Các đồng chí thương, bệnh binh tại Trung tâm đều đã ở độ tuổi trên 70, trong đó cao nhất là 93 tuổi.

1-6299.jpg
Thương binh Phạm Văn Liên đã gắn bó với Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên từ năm 1984.

Với tinh thần “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm,” đội ngũ y, bác sĩ trung tâm luôn yêu thương, tôn trọng và thấu hiểu các đồng chí thương binh, bệnh binh.

Thương binh Phạm Văn Liên chia sẻ: "Năm 1984, tôi về trung tâm, từ đó đến nay, tôi sống ở đây và luôn được các y bác sĩ và các chị em điều dưỡng hỗ trợ, phục vụ 24/24, nhất là lúc ốm lúc đau thì đều được y bác sĩ chăm sóc đầy đủ thuốc men, động viên về tinh thần, để chúng tôi vượt qua được nỗi đau, tiếp tục sống vui vẻ.

Bằng cả tấm lòng trân quý và tình cảm chân thành, thương Binh Nguyễn Văn Lục, xúc động, tự hào mỗi khi nhắc đến mái nhà chung của mình, ông nói: Trong hơn 40 năm sống ở đây, qua nhiều thế hệ y bác sĩ và qua thế qua nhiều thế hệ là giám đốc và các chị em khối phục vụ tất cả đều rất tuyệt vời. Cái quý là tinh thần phục vụ của bác sĩ và y tá và y sĩ ở đây rất nhiệt tình, vui vẻ đầm ấm, nên chúng tôi luôn coi nơi này là quê hương thứ hai.

Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng được thành lập từ năm 1976, trực thuộc Cục Người có công, Bộ Nội vụ. Hiện nay, trung tâm đang nuôi dưỡng, điều trị cho 106 thương binh, bệnh binh và thân nhân người có công bị bệnh tâm thần mãn tính của các tỉnh, thành phố từ Quảng Ngãi trở ra, trong đó chỉ có 30% thương, bệnh binh ổn định về bệnh tật, còn lại 70% thương, bệnh binh sa sút nặng về trí tuệ.

Thương, bệnh binh được điều trị ở 2 khoa theo tính chất bệnh lý. Tại khoa điều trị I, có 72 thương, bệnh binh hạng 1 đặc biệt có tỷ lệ thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên với đặc điểm bệnh lý thường xuyên kích động, rối loạn.

Nhiều bác tuổi cao, sức yếu lại mắc các bệnh nội, ngoại khoa, việc điều trị tại chỗ ít hiệu quả, thường xuyên phải đưa đi điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương. Khoa điều trị II, chăm sóc, điều trị cho 34 đối tượng là thân nhân người có công, vợ con liệt sĩ, con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và đối tượng khác bị bệnh tâm thần mãn tính.

Bác Nguyễn Văn Thái, quê ở tỉnh Thái Nguyên cho biết, bác là thương binh hạng 1 đã gắn bó với Trung tâm Thương binh Kim Bảng 20 năm nay. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước điều kiện ăn ở, chăm sóc, điều trị cho các thương, bệnh binh ở đây được nâng cao hơn trước rất nhiều.

Đặc biệt, các thương, bệnh binh luôn được cán bộ, nhân viên của trung tâm chăm sóc tận tình, chu đáo. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe, các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý còn thường xuyên chuyện trò, tâm sự để các bác vơi đi nỗi buồn, giảm đau đớn. Chính vì vậy, bác cùng các thương, bệnh binh luôn coi trung tâm là mái nhà và cán bộ, nhân viên điều dưỡng là người thân của mình.

Ông Phạm Ngọc Thắng, Quyền Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng cho biết, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng được biên chế là 62 cán bộ, viên chức và người lao động nhưng hiện nay mới có 58 cán bộ, viên chức.

Do đặc thù bệnh tật của các đồng chí thương, bệnh binh là tâm thần mãn tính, sa sút trí tuệ nên việc theo dõi, điều trị, chăm sóc gặp rất nhiều khó khăn. Những cán bộ, nhân viên của trung tâm luôn nỗ lực khắc phục khó khăn và nhận thức sâu sắc công tác chăm sóc, nuôi dưỡng điều trị thương bệnh binh là trách nhiệm và cũng là niềm vinh dự tự hào; coi trung tâm là ngôi nhà chung, các đồng chí thương, bệnh binh là người thân trong gia đình.

Y, bác sĩ, nhân viên điều dưỡng là người thân của thương binh

Bằng tình thương và lòng kính trọng đối với những người có công với cách mạng, nhiều năm qua, những cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng (phường Tam Chúc, tỉnh Ninh Bình) đã nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng Trung tâm Điều dưỡng thương binh trở thành mái nhà chung ấm áp nghĩa tình của các thương, bệnh binh.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, do đa phần thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng mắc bệnh tâm thần mãn tính, sa sút hoạt động tâm thần nên các bác sĩ, điều dưỡng phải luôn theo sát các bác.

Hằng ngày, đến giờ ăn uống, các điều dưỡng viên đến từng phòng gọi và đưa những thương bệnh binh khó khăn trong việc đi lại về phòng ăn, rồi ở bên cạnh theo dõi, bón từng thìa cơm, miếng nước. Riêng các bác thương binh tại khoa điều trị I, mọi sinh hoạt từ ăn, ngủ, uống thuốc, vệ sinh cá nhân đều do hộ lý và điều dưỡng phục vụ, quản lý khép kín 24/24 giờ.

Việc chăm sóc các thương, bệnh binh nặng tại trung tâm rất vất vả, nhiều bác vẫn còn mảnh đạn trong người, những khi trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát khiến các bác đau đớn, không làm chủ được cảm xúc, không muốn hợp tác với điều dưỡng, hộ lý.

1.jpg
Các nhân viên tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng chăm sóc từng bữa cơm, giấc ngủ cho các thương binh.

Thấu hiểu và chia sẻ với tất cả những đau đớn mà các thương binh phải trải qua, các cán bộ, nhân viên trung tâm vẫn luôn ân cần chăm sóc, góp phần xoa dịu nỗi đau về thể xác và tinh thần cho các thương, bệnh binh.

“Chúng tôi gắn bó với Trung tâm bằng tâm huyết và lòng biết ơn. Ai cũng tâm niệm rằng, các bác thương, bệnh binh đã cống hiến thanh xuân, xương máu để giành độc lập cho dân tộc. Đất nước đã hòa bình nửa thế kỷ mà họ vẫn chịu nhiều đau đớn về thể xác nên tất cả đều cố gắng, chăm sóc tốt cho các thương binh, bệnh binh như người ông, người cha của mình”, điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ.

Các thương binh ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên đều suy giảm khả năng lao động trên 81% trở lên cần được chăm sóc túc trực liên tục bởi đội ngũ y bác sĩ điều dưỡng, nhân viên tận tâm của trung tâm, không chỉ chăm lo sức khỏe, các cán bộ, nhân viên nơi đây còn là điểm tựa tinh thần thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn, nỗi niềm của những người lính năm xưa, tình yêu thương chân thành cùng sự đồng cảm sâu sắc chính là sợi dây gắn kết giữa những y bác sĩ, điều dưỡng với các thương binh như người thân trong một đại gia đình đặc biệt.

z6843289273006-d77a90c709d53ca89a3a14771cfcfdbd.jpg
Các nhân viên Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên tận tâm, chu đáo chăm sóc từng bữa ăn cho các thương binh.

Chị Vũ Thị Thương, nhân viên phòng y tế, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên chia sẻ: "Công việc hằng ngày của tôi là bắt đầu từ là bảy giờ sáng đến phòng các bác, gõ cửa, mở cửa gọi các bác cùng các bác bắt đầu vào ngày mới với từng việc nhỏ như dọn phòng, gấp chăn, gấp màn cho các bác, có bác nào ốm thì mình lấy nước cho các bác đánh răng, rửa mặt, vệ sinh tại giường, hỏi thăm, động viên xoa bóp, lấy thuốc lấy thang cho các bác uống"...

Công việc chăm sóc thương bệnh binh nặng luôn đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và cả sự kiên nhẫn. Nhưng vượt lên mọi nhọc nhằn, các cán bộ trung tâm vẫn âm thầm bên cạnh như những người con hiếu nghĩa, người đồng chí, đồng đội góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh còn in hằn trong tâm trí và cơ thể của các thương binh.

Chị Nguyễn Thị Hằng, Phó phòng Y tế, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên chia sẻ: "Các bác thương binh coi cán bộ, nhân viên như người con, người cháu trong gia đình và cán bộ, nhân viên như người thân ruột thịt, sống gần gũi và tình cảm. Mỗi khi thời tiết trái gió trở trời, chúng tôi thường xuyên chứng kiến những cơn đau của các bác nó quằn quại thân thể thì mình lại càng cảm thấy xúc động và thương các bác hơn, mình cũng luôn tự nhủ phải cố gắng hơn nữa để phục vụ các bác được tốt hơn, vì tôi luôn nghĩ rằng mình cũng như một người con, người cháu của các bác, để các bác yên tâm, điều dưỡng".

Bác sĩ Đoàn Văn Kiện, Phó giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên cho biết: Anh em các y bác sĩ tại Trung tâm luôn tự nhủ rằng mình làm việc ở đây cùng với trách nhiệm tận tình trong công việc thì cũng cần tình cảm và sự nhiệt huyết của mình, phải coi các bác ấy là như người thân của mình, có sự gắn kết với tình cảm. Vì làm việc ở đây không như các bệnh viện điều trị là bệnh nhân vào-ra, mà ở đây là sống cùng các thương bệnh binh, chia sẻ nỗi đau cùng các bác. Nhiều bác ở đây đến 60 năm rồi. Nên nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai.

Có thể bạn quan tâm