Ông Ba Phong - Người giữ trọn lời thề

NDO - Rời chiến trường ác liệt, mang trên mình hàng chục vết thương, năm nay ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, sức khỏe của cựu chiến binh Huỳnh Xuân Phong (ông Ba Phong), nguyên Phó Tham mưu trưởng, Trung đoàn 1-U Minh (nay là Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, Quân khu 9), Phó trưởng Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1-U Minh cũng đã giảm nhiều. Nhưng với ý chí và nghị lực của người lính năm xưa, ông vẫn giữ trọn lời thề với đồng đội là “giúp đỡ nhau trong lúc ra trận cũng như lúc đời thường”.
0:00 / 0:00
0:00
Cựu chiến binh Huỳnh Xuân Phong tiếp Đoàn phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ tổ chức về nguồn tại Đền thờ anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 1-U Minh (thuộc phường Phú Thư, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ).
Cựu chiến binh Huỳnh Xuân Phong tiếp Đoàn phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ tổ chức về nguồn tại Đền thờ anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 1-U Minh (thuộc phường Phú Thư, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ).

Năm 1967, khi ông Ba Phong mới 15 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ông đã lên đường nhập ngũ tại Tiểu đoàn 309, Trung đoàn 1-U Minh.

Trải qua gần 20 năm, ông trực tiếp tham gia chiến đấu, với hàng trăm trận đánh lớn nhỏ trên khắp các mặt trận, chiến trường Tây Nam Bộ, biên giới Tây Nam và tham gia làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia.

Cuộc đời binh nghiệp của ông luôn ghi dấu và không bao giờ quên được đó là khi ông tham gia cùng Trung đoàn 1-U Minh, cũng là lực lượng chủ công trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại Cần Thơ; tiến công vào sân bay Lộ Tẻ; đánh chiếm Đài Phát thanh Cần Thơ; đánh phá trận địa pháo Bình Thủy... và đánh thiệt hại nặng các đơn vị quân Mỹ, trong đó có Lữ đoàn 9 của Mỹ-ngụy.

Từ năm 1973, ông Ba Phong được điều về làm Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 303 ông đã cùng đồng đội tiếp tục lập nhiều chiến công vang dội đánh chiếm nhiều mục tiêu chiến lược tại Vĩnh Long, Trà Vinh và Cần Thơ, góp phần giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).

Giải phóng ở đất liền xong, ông cùng đơn vị tiếp tục vượt biển khơi ra giải phóng đảo Thổ Chu, Hòn Ông, Hòn Bà... đánh tan hai tiểu đoàn Pol Pot.

Hòa bình lập lại chưa được bao lâu thì ông cùng đồng đội lại tiếp tục lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam (1977-1978). Rồi lại hành quân xuyên biên giới, làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, giải phóng Thủ đô Phnom Penh ngày 7/1/1979 và hỗ trợ nước bạn truy quét tàn quân Pol Pot suốt gần 10 năm.

Trở lại đời thường, ông Ba Phong luôn ấp ủ ước mơ giúp đỡ những đồng đội còn khó khăn trong cuộc sống và thân nhân, gia đình những đồng đội đã hy sinh.

Ông cho rằng, “Mình còn sống sau chiến tranh là điều rất may mắn, nên việc giúp đỡ cho đồng đội là cái tình thương không có gì bằng, cuộc sống trên đời này không có cái gì bằng tình thương đồng đội. Mình phải chân thành giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua trong lúc khó khăn”, ông Huỳnh Xuân Phong chia sẻ.

Chính bản thân ông qua nhiều năm làm ăn cũng vất vả để mưu sinh trong cuộc sống. Nhưng gia đình ông lại bén duyên với nghề làm bánh chuối chiên và thu nhập khá từ nghề này.

Thấy vậy, ông báo cáo với Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1-U Minh để tìm cách giúp đỡ cho những đồng đội còn khó khăn hơn.

Cuối năm 2019, “Tủ chuối chiên đồng đội” đầu tiên ra đời tại địa bàn thành phố Cần Thơ. Cứ thế, từ 1 đến 6 tủ bánh chuối chiên lần lượt ra đời và đến nay đã có hơn 100 tủ chuối chiên được ông gửi trao cho đồng đội và thân nhân của đồng đội. Tiếng lành đồn xa, câu chuyện “Tủ chuối chiên đồng đội” nhanh chóng lan tỏa khắp các tỉnh miền tây và miền đông Nam Bộ.

Thiếu tướng Trần Vinh Quang, nguyên Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, Trưởng ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1-U Minh cho biết, đồng chí Ba Phong có báo cáo với Ban liên lạc là đã làm thành công mô hình “Tủ chuối chiên đồng đội”, thì đồng chí muốn mở rộng mô hình này để giúp cho anh em, gia đình anh em đồng đội ở một số nơi khác làm. Tôi nói luôn là hoàn toàn ủng hộ, quá nhất trí, quá hay. Việc làm này chẳng những Ban liên lạc ủng hộ, mà còn được Đại tướng Phạm Văn Trà, ngày xưa cũng là Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 1-U Minh nghe tin này càng khuyến khích cho đồng chí Ba Phong tiếp tục làm. Cứ làm đi, tốt lắm làm cho càng nhiều người càng tốt.

Chị Lê Thị Lực, ấp Nhơn Thuận, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ cho biết, tôi làm bánh chuối chiên này khoảng 2 năm rồi, mỗi ngày thu nhập cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng. Tôi cũng rất cám ơn chú Ba Phong đã diều dắt, hướng dẫn cho tôi làm nghề bánh chuối chiên này. Hiện nay thì cuộc sống gia đình tôi cũng được ổn định hơn nhiều.

Ngoài ra, ông còn hướng đến những hoàn cảnh khó khăn, ít đất sản xuất, không có nghề để kiếm thu nhập, trang trải trong cuộc sống. Đối với những người không có vốn ban đầu, ông sẵn sàng hỗ trợ, giao tủ bánh chuối chiên cho làm, chừng nào làm có lời thì trả lại, nhưng “khó quá nữa thì cho qua” ông Ba Phong vui vẻ kể lại.

Mấy năm gần đây, ông Ba Phong, với vai trò là Phó Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1-U Minh, cùng các địa phương tìm kiếm lấy mẫu thử ADN xác định được danh tính 48 liệt sĩ và chuyển một số hài cốt về quê nhà làm lễ cải táng long trọng đúng quy định. Hiện nay, ông vẫn còn ấp ủ những hoài bão về tiếp tục truy tìm, quy tập các đồng đội đã hy sinh.

Hơn 10 năm qua, để tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh ông đã tự lập gian thờ tại nhà riêng. Hằng năm, đến ngày 27/7 thì tổ chức giỗ, lớn nhỏ còn tùy theo kinh tế của gia đình, đồng thời có mời đại diện một số thân nhân gia đình liệt sĩ ở các tỉnh cùng tham dự.

Ông Ba Phong - Người giữ trọn lời thề ảnh 2

Cựu chiến binh Huỳnh Xuân Phong thuyết trình về lịch sử Trung đoàn 1-U Minh cho đoàn viên, thanh niên thành phố Cần Thơ.

Từ khi Đền thờ anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 1-U Minh khánh thành ngày 20/4/2024 được trang nghiêm hơn, ông Ba Phong đã bám trụ, gìn giữ ngôi đền thiêng liêng này và ông cũng đã trở thành người thuyết trình viên “bất đắc dĩ” về lịch sử Trung đoàn 1-U Minh cho các đoàn học sinh, sinh viên về nguồn, các đoàn khách khi đến tham quan, thăm viếng.

Nơi đây giờ đã trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống lịch sử địa phương, về người lính cụ Hồ nói chung và Trung đoàn 1-U Minh nói riêng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.