Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Tiến Dũng khẳng định, về mặt không gian pháp lý đối với chuyển đổi số, ngành ngân hàng hiện nay rất "mở" và đạt được nhiều thành quả.
Tỷ lệ số hóa cao
Thời gian qua, NHNN đã liên tục cập nhật, hoàn thiện thể chế để thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành ngân hàng. Cụ thể, ngay từ năm 2021 các ngân hàng đã cho phép mở tài khoản bằng eKYC.
Mới đây nhất, từ ngày 1/10/2024, ngân hàng cũng cho phép mở tài khoản bằng căn cước công dân có gắn chip, triển khai bảo lãnh cũng như cho vay trực tuyến hoàn toàn,...
Ngay từ năm 2021 các ngân hàng đã cho phép mở tài khoản bằng eKYC. Mới đây nhất, từ ngày 1/10/2024, ngân hàng cũng cho phép mở tài khoản bằng căn cước công dân có gắn chip, triển khai bảo lãnh cũng như cho vay trực tuyến hoàn toàn,...
Chính nhờ việc "mở đường" về mặt pháp lý, ngành ngân hàng đã và đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, từ việc ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính số hóa, nhất là tận dụng sức mạnh của dữ liệu.
Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, tỷ lệ số hóa của ngành ngân hàng hiện rất cao với mức tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, đến thời điểm này, bình quân toàn ngành có 80% lượng công việc của ngân hàng được xử lý trên kênh số, khoảng 66% số lượng giao dịch được thực hiện trên kênh số… Có những tổ chức tín dụng 95% số giao dịch được thực hiện trên kênh số, số lượng khách hàng thực hiện giao dịch điện tử ngày càng tăng. Tốc độ tăng trưởng của thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng mạnh mẽ thể hiện qua các con số tích cực. Tính đến tháng 8/2024, thanh toán không dùng tiền mặt tăng hơn 58% về số lượng và 36% về giá trị so với cuối năm 2023. Cùng với đó, số lượng giao dịch trên ATM giảm 13,12% về số lượng và 5,52% về giá trị trong 8 tháng năm 2024, lượng POS được lắp đặt tăng hơn 45%.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng còn có vai trò kết nối với các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế như kết nối và tích hợp với dữ liệu của Bộ Công an, ngành viễn thông,…
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ, nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chip hoặc ứng dụng VNeID; làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư…
"Toàn ngành đã tập trung làm sạch toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các tổ chức tín dụng, bảo đảm 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư", ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Giải pháp an toàn, bảo mật
Tuy nhiên, đi cùng với tỷ lệ số hóa cao, việc tích hợp với nhiều đơn vị cũng phát sinh nguy cơ liên quan đến an toàn bảo mật và gián đoạn vận hành trong hoạt động ngân hàng.
Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, sau khi đã phủ sóng sản phẩm dịch vụ trên diện rộng, các ngân hàng cũng phải hướng tới bảo đảm an toàn hoạt động và chiều sâu cho sản phẩm dịch vụ đó. "Ðây là thời điểm các ngân hàng cần phải quan tâm đến việc bảo đảm chất lượng tốt nhất cho các sản phẩm dịch vụ của mình", ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.
Ðơn cử thời gian qua, sau khi các quy định mới của NHNN có hiệu lực, số vụ việc lừa đảo đối với khách hàng cá nhân đã giảm rõ rệt. Nhưng từ đây lại xảy ra tình trạng lách quy định bằng việc mở tài khoản doanh nghiệp, lách xác thực sinh trắc học để phục vụ mục đích gian lận. Ðiều này cho thấy không có một biện pháp nào được coi là triệt để và hoàn hảo. Do đó, ngành ngân hàng cần không ngừng nâng cao các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, đồng thời tăng cường ý thức bảo mật cho khách hàng trong giao dịch trực tuyến. "Bảo đảm an toàn thông tin là yếu tố cốt lõi để ngành ngân hàng phát triển bền vững trong thời đại số", Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng nhìn nhận.
Hiện nay, vấn đề về an ninh, an toàn trong thanh toán và các hệ thống thông tin ứng dụng nghiệp vụ cũng như hoạt động phòng chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng đang tiếp tục được tăng cường. Ðã có khoảng hơn 37 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công. Ðây được xem là một bước tiến tích cực giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ người dùng trước các gian lận, lừa đảo.
Theo Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng, là ngân hàng đang có hơn 98% lượng giao dịch diễn ra trên nền tảng số, đòi hỏi TPBank phải xây dựng một hạ tầng công nghệ mạnh mẽ, bảo đảm an toàn và vận hành ổn định. "Trong bối cảnh môi trường số, các tội phạm mạng ngày càng tinh vi, không chỉ nhắm vào hệ thống ngân hàng mà còn tấn công vào từng khách hàng. Cho nên ngoài bảo vệ hệ thống, chúng tôi không ngừng cảnh báo, hướng dẫn khách hàng cách bảo vệ thông tin cá nhân, không chia sẻ mật khẩu, mã OTP với bất kỳ ai. Ðây là thách thức không chỉ riêng TPBank mà của toàn ngành ngân hàng", ông Nguyễn Hưng chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Hưng, TPBank đang đẩy mạnh triển khai công nghệ sinh trắc học và xác thực căn cước công dân gắn chip để nâng cao an toàn cho các giao dịch trực tuyến của khách hàng. Sinh trắc học sẽ tạo ra phương thức xác thực độc nhất, tăng cường bảo mật và giúp khách hàng an tâm hơn khi giao dịch qua kênh số.
Trong khi đó, nhấn mạnh về công nghệ AI, Phó Tổng Giám đốc VietinBank Trần Công Quỳnh Lân cho biết, VietinBank đã ứng dụng AI để nâng cao hiệu quả làm việc và tối ưu chi phí vận hành. Ðặc biệt, AI không chỉ tăng cường bảo mật mà còn giúp VietinBank tùy biến hệ thống dễ dàng khi có thay đổi công nghệ hoặc yêu cầu mới từ khách hàng. "Trước đây, việc điều chỉnh hệ thống rất mất thời gian, nhưng nhờ AI, chúng tôi có thể phản ứng nhanh, từ đó cải thiện dịch vụ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng", ông Trần Công Quỳnh Lân chia sẻ thêm.
Ngoài ra, để bảo đảm an toàn thông tin trong lĩnh vực ngân hàng, Cục trưởng An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Văn Tuấn cho hay, cục sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thông tin trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng. "Từng đơn vị trong ngành ngân hàng cần có kế hoạch, chiến lược toàn diện để giám sát, phát hiện, bảo vệ, phản ứng nhanh, phục hồi sau sự cố cho chính đơn vị của mình; cần đầu tư công nghệ hiện đại và tăng cường khả năng phòng ngừa", ông Tuấn khuyến nghị.
Về phía cơ quan quản lý, Vụ trưởng Thanh toán (NHNN) Phạm Anh Tuấn cũng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế để thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành ngân hàng, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong thực hiện Ðề án 06 để vận dụng các kết quả của đề án này vào quá trình chuyển đổi số của ngành; đồng thời, tiếp tục không ngừng nâng cao năng lực an toàn bảo mật của hệ thống ngân hàng và coi đây là ưu tiên hàng đầu.