Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tính đến ngày 8/5 vừa qua gần 16.600 tỷ đồng. Đồng Nai phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt 100% trong năm nay. Tuy nhiên, tính đến thời điểm trên, số vốn đã giải ngân mới gần 1.870 tỷ đồng, đạt 11,2% kế hoạch. Để giải ngân hết gần 90% khối lượng vốn còn lại, đòi hỏi chính quyền, nhà đầu tư phải tập trung tối đa thực hiện cao điểm giải ngân ngay từ bây giờ.
2025 là năm đầu tư hạ tầng
Tỉnh Đồng Nai được Trung ương giao kế hoạch đầu tư công năm 2025 nằm trong tốp 5 cả nước. Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quán triệt giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu cần ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, với tinh thần xác định năm 2025 là năm đầu tư về hạ tầng. Ủy ban nhân dân tỉnh đã sớm ban hành chỉ thị về triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025, yêu cầu các chủ đầu tư phải tăng tỷ lệ giải ngân ngay từ các tháng đầu năm, không để dồn đến cuối năm.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Tài chính Đồng Nai, tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm nay không cao, thấp hơn mức trung bình cả nước. Kết quả giải ngân tổng thể tính đến ngày 8/5, đạt 11,2% kế hoạch và thấp nhất là tỷ lệ giải ngân nguồn ngân sách tỉnh chỉ đạt 4,8% so với kế hoạch ban đầu.
Các dự án lớn chậm tiến độ thực hiện, ảnh hưởng đáng kể đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm: Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1, nguyên nhân do thiếu vật liệu đá xây dựng làm nền đường; Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, lý do thiếu vật liệu đá xây dựng làm nền đường, các nhà thầu chưa tập trung nhân lực, thiết bị, máy móc.
Nhiều dự án khác tiến độ bị chậm do vấp phải “điểm nghẽn” là khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, như: Dự án kè chống sạt lở bờ sông Đồng Nai thuộc địa phận thành phố Biên Hòa; Dự án xây dựng đường Sông Nhạn-Dầu Giây đoạn còn lại đi qua địa bàn huyện Thống Nhất; các dự án đường Hương lộ 2 nối dài, đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa, đường ven sông Cái...
Nguyên nhân chủ quan dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt lộ trình, được chỉ ra rằng: Đối với các dự án có các chủ đầu tư sáp nhập, một số chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục bàn giao sau sáp nhập để tiếp tục thực hiện dự án. Ở các dự án đã có mặt bằng thi công xây dựng, chủ đầu tư chưa quyết liệt đôn đốc, thúc đẩy đơn vị thi công tăng cường thiết bị, nhân công để đẩy nhanh tiến độ; chưa chủ động chuẩn bị đầy đủ vật liệu phục vụ thi công, dẫn đến tình trạng khan hiếm vật liệu đất đắp, đá làm nền đường, do cùng lúc triển khai nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh. Người đứng đầu các đơn vị chủ đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân một số địa phương chưa sâu sát, quyết liệt trong công tác thực hiện bồi thường, triển khai dự án, chưa chủ động rà soát đầu tư các khu tái định cư.
Cao điểm tăng tốc giải ngân
Nhấn mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp khơi thông động lực phát triển để Đồng Nai hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế 10% năm 2025, đồng chí Võ Tấn Đức, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết: “Tập trung tháo gỡ “nút thắt” đầu tư công và giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phải có biện pháp cụ thể, cam kết tiến độ xử lý dứt điểm khâu giải phóng mặt bằng, vốn là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay; phát triển mạnh hạ tầng chiến lược, trong đó ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm có tính liên kết vùng như: đường Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và các tuyến kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép-Thị Vải và các khu công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn tỉnh”.
Ngày 29/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch giải ngân chi tiết dự án sử dụng vốn đầu tư công năm 2025. Các đơn vị chủ đầu tư cam kết và xác định trách nhiệm bảo đảm cuối năm 2025 phải đạt tỷ lệ từ 95% trở lên. Các đơn vị tập trung quyết liệt để hoàn thành giải phóng mặt bằng hàng loạt dự án trong tháng 5/2025. Thực tế, thời gian gần đây, một số lãnh đạo được phân công vị trí Tổ trưởng các Tổ công tác theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh liên tục trực tiếp thị sát nắm tình hình, kiểm tra đột xuất, để đưa ra chỉ đạo tức thì ngay tại công trường công trình trọng điểm, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà đã khẩn trương làm việc với các chủ đầu tư, chính quyền các huyện, xã về phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/11 đạt 90% và cả năm đạt trên 95%. Tại buổi làm việc mới đây với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị chủ đầu tư được bố trí nguồn vốn đầu tư công lớn năm 2025, để nghe báo cáo các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đến hết quý II/2025, ông Hồ Văn Hà cho biết, Đồng Nai đặt mục tiêu đến ngày 30/6 phải nằm trong tốp 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước và phát động cao điểm 45 ngày đêm tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công.
Trong các nhóm giải pháp đồng bộ được triển khai, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai lưu ý: Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Tổ công tác về điều phối công tác tổ chức bàn giao chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch đầu tư công trong giai đoạn sáp nhập, chia tách trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, không ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn. Sở Xây dựng phải thường xuyên thanh, kiểm tra tiến độ các dự án trọng điểm của tỉnh, đề xuất phạt hợp đồng đối với các đơn vị thi công chậm và bố trí nhân lực không bảo đảm so với hồ sơ dự thầu. Sở Nông nghiệp và Môi trường, các địa phương nỗ lực đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư công; giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh biên soạn sổ tay về bồi thường, giải phóng mặt bằng để tháo gỡ “nút thắt” này cho các dự án. Sở Tài chính chủ trì họp ít nhất 2 lần/ tháng với chủ đầu tư để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh; các địa phương, chủ đầu tư đăng ký danh sách các gói thầu sẽ khởi công mới trong thời gian từ nay đến cuối tháng 6 tới.
Mới đây, tại buổi làm việc với Đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng chí Vũ Hồng Văn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai yêu cầu rà soát, đề xuất thay thế cán bộ, nhất là người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ, ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh. Việc này phải hoàn thành, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 30/6/2025. Kết quả thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công được tỉnh lấy làm cơ sở đánh giá, sắp xếp cán bộ trong đợt tinh gọn bộ máy lần này.