Vì vậy, phát huy vai trò của cộng đồng là một trong những giải pháp bền vững nhất. SAU đợt kiểm kê, rà soát di tích trên địa bàn thành phố tiến hành từ năm 2024, Hà Nội “phát hiện” thêm 547 di tích, nâng tổng số di tích lên con số 6.489. Thành phố cũng có 1.973 di sản văn hóa phi vật thể.
Trong số này, có một Di sản Văn hóa thế giới, năm di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 23 di tích, cụm Di tích quốc gia đặc biệt, 1.165 di tích cấp quốc gia.
Bất kể di sản văn hóa nào, dù là vật thể hay phi vật thể đều luôn đứng trước nguy cơ mai một hoặc bị biến đổi theo thời gian. Xác định cộng đồng là chủ thể đích thực của di sản, những năm gần đây UNESCO luôn chú trọng vai trò của cộng đồng dân cư, nơi có những di sản và khuyến cáo các quốc gia nâng cao vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Nhận thức rõ điều này, thành phố Hà Nội luôn quan tâm, tạo điều kiện để cộng đồng phát huy vai trò chủ thể trong bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn.
Vai trò này được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết: Thành phố đã ban hành những chính sách để người dân trực tiếp tham gia quản lý di tích; giám sát tu bổ và nhiều hoạt động khác, nhất là tạo hành lang pháp lý, động viên sự tham gia của cộng đồng vào bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Ở các xã, phường đều có ban quản lý di tích; từng thôn, làng, khu dân cư đều thành lập ban bảo vệ di tích với đại diện các tổ chức chính trị-xã hội, gồm: Mặt trận Tổ quốc, hội người cao tuổi, hội liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên. Mọi người dân được góp ý và tham gia thực hiện, giám sát vào quá trình quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nơi mình sinh sống.
Người dân được cử đại diện tham gia ban giám sát cộng đồng đối với dự án tu bổ di tích của địa phương. Không chỉ trực tiếp tham gia quản lý, gìn giữ, giám sát tu bổ…, thành phố còn triển khai nhiều hoạt động liên ngành để nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với di sản.
Những năm gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai giảng dạy môn học giáo dục địa phương cho học sinh toàn thành phố. Học sinh vừa được tham quan, tìm hiểu những di tích nổi bật của thành phố, vừa tìm hiểu di tích, di sản tại địa phương nơi mình cư trú. Đối với bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội cũng triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến nhân tố con người.
Thành phố xây dựng chế độ bồi dưỡng để khuyến khích nghệ nhân “giữ nghề”; cấp kinh phí hằng năm cho các câu lạc bộ văn nghệ dân gian tiêu biểu hoạt động; hỗ trợ đào tạo các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương…
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức các chương trình, như: Liên hoan tài năng trẻ Ca trù Hà Nội; Liên hoan Hát văn, hát Chầu văn.. tạo sân chơi cho các nghệ nhân.
Đây là cơ sở để hàng loạt di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, gìn giữ hoặc hồi sinh mạnh mẽ, dù một số loại hình như ca trù, hát trống quân,… có lúc tưởng chừng đã mai một. Một trong những điển hình của phát huy vai trò cộng đồng trong bảo tồn di sản là Hoàng thành Thăng Long.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội triển khai hàng loạt chương trình hoạt động lan tỏa giá trị di sản đến cộng đồng, như: “Em làm nhà khảo cổ”, “Chúng em tìm hiểu di sản”; chương trình Tết Việt với việc tái hiện một số nghi lễ quan trọng trong Hoàng cung Thăng Long xưa; đồng thời, các chương trình Tết Đoan Ngọ, Vui Tết Trung thu, Ký ức mùa thu, tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”… vừa thu hút đông đảo công chúng, vừa là giải pháp nâng cao nhận thức của cộng đồng với di sản.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang nhấn mạnh: Trong Công ước 2003 UNESCO đã khẳng định: “Cộng đồng quyết định những thực hành văn hóa của họ và quyền đó cần được tôn trọng”.
Luật Di sản Văn hóa cũng tái khẳng định điều này. Vì vậy, nhiều năm qua, hoạt động của trung tâm luôn hướng tới cộng đồng. Đáng chú ý, nhiều chương trình tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long cộng đồng cư dân làm chủ thể chính, tham gia thực hành nghi lễ với các nghi thức tế lễ, dâng hương, biểu diễn trống hội… Với những giải pháp có tính bền vững đó, Hà Nội là một hình mẫu trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên cả nước.