Phát huy vai trò Tổ chuyển đổi số cộng đồng

Bên cạnh chính quyền số và kinh tế số, việc đưa công nghệ đến gần hơn với người dân đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Tại huyện Đông Anh (Hà Nội), mô hình Tổ chuyển đổi số cộng đồng cho thấy vai trò hạt nhân quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số toàn diện từ cơ sở, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng xã hội số lấy người dân làm trung tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn Thanh niên xã Kim Chung là lực lượng nòng cốt của các Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại địa phương.
Đoàn Thanh niên xã Kim Chung là lực lượng nòng cốt của các Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại địa phương.

Đông Anh đang là một trong những địa phương đi đầu của Hà Nội trong việc phát huy sức mạnh của cộng đồng để thực hiện chuyển đổi số. Hiện nay, toàn huyện có 201 Tổ chuyển đổi số cộng đồng với hơn 1.470 thành viên gồm cán bộ đoàn thanh niên, công an xã, tổ trưởng tổ dân phố, chi hội phụ nữ…, được triển khai tại 100% thôn, tổ dân phố. Các Tổ chuyển đổi số cộng đồng là lực lượng xung kích, trực tiếp đồng hành người dân trong hành trình tiếp cận công nghệ số.

Ông Nguyễn Tất Vũ, Phó Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Đông Anh đánh giá: “Tổ chuyển đổi số cộng đồng là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các cấp, giúp đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến từng hộ dân; đồng thời hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ số phục vụ những lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục, an sinh xã hội, thủ tục hành chính hay bán hàng trực tuyến”.

Thông qua các Tổ chuyển đổi số, người dân được hướng dẫn sử dụng ứng dụng định danh điện tử VNeID, “Công dân Thủ đô số iHanoi”, sổ sức khỏe điện tử, ứng dụng bảo hiểm VssID, thuế điện tử Etax Mobile… Những hoạt động này giúp giảm thiểu tình trạng quá tải tại các cơ quan hành chính, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Bà Dương Thị Luyến, người dân xã Kim Chung, huyện Đông Anh chia sẻ trải nghiệm: “Sau khi cài đặt VNeID, tôi thấy thật sự tiện lợi. Khi đi khám bệnh, lên máy bay hay làm thủ tục hành chính ở xã tôi không phải mang theo nhiều giấy tờ nữa vì mọi thứ đã tích hợp trong điện thoại”. Anh Nguyễn Văn Thắng, thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh cho biết: “Tổ chuyển đổi số đến tận nhà hướng dẫn tôi cài Etax Mobile. Từ đó, tôi nộp thuế đất phi nông nghiệp ngay trên điện thoại mà không cần phải lên cơ quan thuế nữa, tiết kiệm được nhiều thời gian”.

Không dừng lại ở dịch vụ công, các Tổ chuyển đổi số còn phát huy vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế số tại địa phương. Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ ở Đông Anh, nhất là tại xã Kim Chung đã làm quen với môi trường số thông qua việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như Shopee, Postmart, Voso, Lazada, TikTok, Facebook… Các mặt hàng phổ biến bao gồm đồ gia dụng, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thủ công mỹ nghệ… Anh Đỗ Trung Ngự, Tổ trưởng Tổ chuyển đổi số thôn Nhuế, xã Kim Chung chia sẻ: “Chúng tôi trực tiếp hướng dẫn người dân cách chụp ảnh sản phẩm, viết nội dung giới thiệu, tạo gian hàng, kết nối giao hàng. Ban đầu nhiều người bỡ ngỡ, nhưng sau khi thấy hiệu quả và sản phẩm bán chạy cho nên các hộ sản xuất và người dân tích cực tham gia”.

Tổ chuyển đổi số không chỉ là người hướng dẫn kỹ thuật mà còn hỗ trợ bà con xây dựng thương hiệu cá nhân và phát triển thị trường. Một điểm nhấn trong chuyển đổi số ở Kim Chung là mô hình “Chợ 4.0”. Tại chợ Mun, trung tâm thương mại của xã, 100% hộ kinh doanh đã có tài khoản ngân hàng, thanh toán qua mã QR. Đây là kết quả của sự phối hợp đồng bộ giữa Ủy ban nhân dân xã, Tổ chuyển đổi số cộng đồng và Ban Quản lý chợ.

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song hoạt động của Tổ chuyển đổi số cộng đồng vẫn gặp một số khó khăn. Thách thức lớn nhất hiện nay là sự chênh lệch về nhận thức và kỹ năng sử dụng công nghệ, nhất là những người cao tuổi. Việc cài đặt ứng dụng không khó, nhưng để người dân sử dụng thành thạo và liên tục là một hành trình cần kiên trì, đồng hành và “cầm tay chỉ việc”. Bí thư Đoàn xã Kim Chung Lê Xuân Trung cho biết: “Nhiều người cao tuổi từ chối cung cấp thông tin cá nhân vì lo ngại rủi ro, hoặc có cài ứng dụng nhưng sau đó lại quên cách dùng. Tổ chuyển đổi số phải quay lại hỗ trợ”. Ngoài ra, một số phần mềm của các bộ, ngành vẫn chưa đồng bộ với hệ thống dùng chung của thành phố, gây khó khăn trong việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ trên cổng dịch vụ công. Vấn đề hạ tầng mạng ở một số khu vực cũng chưa thật sự ổn định, ảnh hưởng đến tốc độ triển khai. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kim Chung Trần Thị Dịu chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông để bảo đảm hạ tầng mạng ổn định. Tuy nhiên, dịch vụ công trực tuyến đôi khi còn chậm hoặc quá tải do chưa đồng bộ giữa các hệ thống”.

Tổ chuyển đổi số cộng đồng ở Đông Anh đang từng bước tạo nên những thay đổi rõ nét trong tư duy, hành vi của người dân. Chuyển đổi số đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống thường nhật tại nhiều thôn, làng của huyện. Tổ chuyển đổi số không chỉ là cầu nối giữa chính quyền và người dân, mà còn là hạt nhân của xã hội số - nơi mọi người đều được tiếp cận, thụ hưởng và góp phần kiến tạo một tương lai số toàn diện và bền vững ■