Đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn có hơn 20 nghìn người, chiếm khoảng 5,6% số dân, sinh sống riêng biệt hoặc đan xen với các dân tộc khác tại 108 thôn, bản của 35 xã, thị trấn. Ðể cải thiện đời sống vùng đồng bào dân tộc Mông, những năm vừa qua, tỉnh Bắc Cạn chỉ đạo xây dựng các khu tái định cư nhằm khắc phục tình trạng du canh, du cư, tạo đất sản xuất, xây dựng đường giao thông, công trình cấp điện, cấp nước hợp vệ sinh, thực hiện các chương trình phát triển sản xuất, chăn nuôi nhằm từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào.
Ðến khu tái định cư của đồng bào Mông thôn Khuổi Có, xã Lương Thượng, huyện Na Rì, chúng tôi nhận thấy đời sống đồng bào Mông ở đây có nhiều thay đổi. 44 gia đình trước đây sống rải rác trên các sườn núi, không có điện, không có nước sinh hoạt, chủ yếu làm nương rẫy được tỉnh đưa về khu tái định cư, bố trí đất ở, đất sản xuất, cấp điện, nước sinh hoạt và thành lập thôn Khuổi Có. Tiếp đến, tỉnh triển khai lồng ghép nhiều chương trình, dự án khác để các hộ phát triển kinh tế, như trồng rừng theo Quyết định số 147/2007/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; dự án hỗ trợ, mở rộng diện tích các loại cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng; các chương trình, đề án về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi…, nhờ đó, số hộ nghèo, thiếu đói ngày càng giảm.
Pác Nặm là huyện có nhiều hộ đồng bào Mông sinh sống ở các sườn núi cao thường xuyên bị sạt lở đất đe dọa. Người dân không yên tâm sinh sống lâu dài, nhưng lại không có khả năng tự tạo chỗ ở mới. Trước tình hình đó, tỉnh Bắc Cạn đã khảo sát thực tế, lấy ý kiến các hộ và xây dựng khu tái định cư Lẻo Luông (xã Nhạn Môn) để bố trí chỗ ở, đất cấy lúa, đất trồng cây cho 15 hộ. Ðồng thời, mỗi hộ dân được hỗ trợ 20 triệu đồng để sớm ổn định cuộc sống. Huyện Pác Nặm phân công các phòng, ban, tổ chức, đoàn thể của huyện xây dựng kế hoạch giúp đỡ người dân thông qua hỗ trợ ngày công vận chuyển nhà và tài sản của người dân tới khu tái định cư. Ông Dương Văn Pá, dân tộc Mông chuyển từ khu vực Khuổi Ỏ, thôn Nà Bẻ thuộc xã Nhạn Môn xuống khu tái định cư Lẻo Luông tâm sự: "Gia đình tôi không còn lo sợ bị sạt lở khi trời mưa to nữa. Xuống đây được cấp đất làm nhà, sản xuất nên rất yên tâm. Có được cuộc sống như ngày hôm nay, chúng tôi rất cảm ơn các cấp ủy Ðảng, chính quyền, các đoàn thể địa phương".
Cốc Ỏ là thôn vùng cao của xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn, cách trung tâm xã hơn 6 km, đi lại rất khó khăn, 15 hộ trong thôn đều là người Mông và đều thuộc diện hộ nghèo. Ðể cải thiện đời sống cho đồng bào, huyện Ngân Sơn xây dựng Ðề án Phát triển kinh tế - xã hội thôn Cốc Ỏ giai đoạn 2013-2016, triển khai từ tháng 6-2013 đến tháng 6-2016 với số vốn gần hai tỷ đồng. Cụ thể, mỗi hộ được hỗ trợ tiền để mua bò về vỗ béo, lợn giống, làm đường giao thông, công trình cấp nước hợp vệ sinh. Từ số tiền hỗ trợ mua bò vỗ béo, các hộ trong thôn đã lấy chăn nuôi gia súc là hướng phát triển kinh tế chủ yếu; xuất hiện nhiều hộ có đàn gia súc hàng chục con trâu, bò như hộ anh Dương Văn Lầu có tám con trâu, hộ anh Phùng Văn Giằng có bảy con trâu, ba con bò, hộ anh Ðào Văn Phình có tám con bò. Bên cạnh đó, các hộ cũng chú trọng chăn nuôi lợn, gia cầm. Nhờ vậy, nền tảng phát triển kinh tế, hướng thoát nghèo bền vững cho đồng bào thôn Cốc Ỏ được định hình. Ðối với những thôn, bản có đồng bào Mông sống xen ghép, tỉnh chỉ đạo các địa phương ưu tiên, tạo điều kiện tốt nhất để các hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế, tiếp cận với tín dụng ưu đãi và các dịch vụ công ích khác.
Ngoài việc vận động đồng bào Mông tái định cư, phát triển sản xuất, tỉnh Bắc Cạn còn chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo chú trọng tuyển sinh con, em đồng bào Mông, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần tạo nguồn cán bộ người dân tộc Mông cho tỉnh... Tỉnh phát huy vai trò của các già làng, trưởng thôn, người có uy tín, tăng cường các hoạt động học tập, xóa mù chữ, tích cực đưa thông tin về vùng có đông đồng bào Mông để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Mặc dù đời sống vật chất, văn hóa, hạ tầng vùng đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc, nhưng còn một bộ phận đồng bào hiện nay gặp khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do tập quán sinh sống trên núi cao, phân tán, ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại không thuận lợi, khó tiếp cận các dịch vụ y tế, văn hóa, dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở đồng bào Mông còn cao.
Từ nay đến năm 2020, tỉnh Bắc Cạn đầu tư 85,9 tỷ đồng để xây dựng khu tái định cư, hạ tầng giao thông, công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trường học, nhà họp thôn ở các vùng đồng bào Mông thuộc bốn huyện gồm: Pác Nặm, Ngân Sơn, Chợ Ðồn và Chợ Mới. Trước khi xây dựng công trình, dự án, tỉnh chỉ đạo các huyện phối hợp các xã họp, lấy ý kiến đồng bào Mông ở những nơi được hưởng lợi để nguồn vốn đầu tư phát huy hiệu quả thiết thực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Mông.