Phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La (Kỳ 1)

Sau hơn 15 năm tổ chức thực hiện dự án di dân tái định cư (TÐC) thủy điện Sơn La, đời sống, sản xuất của người dân trong vùng dự án đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều khu, điểm TÐC nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng không ít đồng bào vùng dự án vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Việc đánh giá, rút kinh nghiệm, sớm có những giải pháp mới phù hợp nhằm tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân thuộc dự án TÐC thủy điện Sơn La là hết sức cần thiết.

Người dân tái định cư huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) nuôi cá diêu hồng trên hồ thủy điện Sông Ðà.
Người dân tái định cư huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) nuôi cá diêu hồng trên hồ thủy điện Sông Ðà.

Bài 1: Bài học thuận lòng dân

Dự án di dân TÐC thủy điện Sơn La được Ðảng, Quốc hội, Chính phủ thông qua năm 2001 và xác định có tầm quan trọng ngang với việc xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La. Rút kinh nghiệm từ dự án di dân thủy điện Hòa Bình, Chính phủ đã xây dựng một dự án riêng, nhằm giải quyết thấu đáo những vấn đề liên quan chính sách đền bù, đời sống, sản xuất của người dân, coi đây là cơ hội để sắp xếp, ổn định lại dân cư, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng Tây Bắc.

Vì dòng điện của Tổ quốc

Sau hơn 15 năm thực hiện dự án di dân TÐC thủy điện Sơn La, bước đầu các khu vực TÐC đã dần hoàn thiện, tạo nên sức sống mới tại vùng Tây Bắc Tổ quốc. Quá trình triển khai dự án thủy điện Sơn La phải di chuyển 20.340 hộ dân, với 93.201 người dân ở 248 tổ, bản, 31 xã, tám huyện, thị trấn thuộc ba tỉnh Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu ra khỏi vùng ngập. Trong đó, tỉnh Sơn La có số hộ phải di chuyển lớn nhất, chiếm gần hai phần ba số hộ dân phải di chuyển. Ðáng chú ý, huyện Quỳnh Nhai của tỉnh Sơn La gần như nằm trọn giữa vùng ngập, phải di chuyển toàn bộ huyện lỵ cũ, với 8.435 hộ dân, lớn hơn tổng số hộ dân phải di chuyển của hai tỉnh Ðiện Biên và Lai Châu. Ngoài ra, còn hàng chục nghìn hộ dân sinh sống ở các vùng đón dân bị ảnh hưởng do phải nhường đất, san sẻ lợi ích.

Ðể triển khai tốt dự án, Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách khá đồng bộ, bám sát được tình hình thực tế. Bắt đầu từ mô hình thí điểm khu TÐC Tân Lập (Sơn La) bố trí 396 hộ dân và khu TÐC Si Pha Phìn (Ðiện Biên) bố trí 200 hộ dân. Tuy nhiên, cách làm này có suất đầu tư lớn, thời gian kéo dài, kết cấu nhà ở làm bằng xi-măng mô hình giống nhau, chưa phù hợp tâm lý, tập quán của đồng bào. Ðồng thời, chưa bảo đảm công bằng giữa hộ ít người và hộ nhiều người, việc cấp đất nơi ở mới thay thế đất nơi ở cũ còn bất cập, chưa tạo sự đồng thuận. Kết quả, một số hộ dân đã bỏ về nơi ở cũ.

Trước tình hình đó, tỉnh Sơn La đã thử nghiệm hình thức TÐC trên cơ sở lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Tinh thần chính là tập trung tuyên truyền vận động, mời đại diện các trưởng bản, trưởng dòng họ đi xem điểm quy hoạch TÐC, xem quỹ đất, nguồn nước bảo đảm, mới ký cam kết và tiến hành xây dựng. Từ đó mô hình điểm TÐC Nà Nhụng, thuộc xã Mường Chùm, huyện Mường La ra đời và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Cách làm này không xây dựng nhà ở như mô hình Tân Lập, mà tập trung vào san nền nhà, xây những công trình thiết yếu: nhà văn hóa, trường học, điện, nước, đường vào điểm TÐC, đường nội bộ theo quy mô phù hợp, đồng thời, khuyến khích người dân tháo dỡ, di chuyển ngôi nhà sàn cũ về nơi ở mới.

Các ban quản lý dự án cấp huyện tập trung thực hiện chính sách thống kê, bồi thường, giúp dân di chuyển. Ðây cũng chính là cơ sở quan trọng để Thủ tướng Chính phủ xem xét cho ra đời Quyết định số 02/2007/QÐ-TTg ngày 9-1-2007 về việc ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, TÐC dự án thủy điện Sơn La, mở ra giai đoạn di dân số lượng lớn từ năm 2006 đến 2010, với hàng trăm nghìn người ra khỏi vùng ngập. Kết quả đó góp phần hoàn thành công tác di dân TÐC về đích sớm hơn so với Nghị quyết của Quốc hội ba năm và Nhà máy Thủy điện Sơn La phát điện sớm hai năm, làm lợi cho Nhà nước một tỷ USD.

Có thể nói, dù lần đầu di dân với số lượng lớn, khó khăn chồng chất, tính chất phức tạp chưa có tiền lệ, nhưng kết quả thực hiện về cơ bản đã thành công hơn sự mong đợi. Kết quả đó phản ánh quyết tâm chính trị rất lớn của các cấp ủy đảng, chính quyền ở ba tỉnh Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu. Ðồng thời, thể hiện sự chung sức, tấm lòng hy sinh lớn lao của đồng bào các dân tộc Tây Bắc vì dòng điện của Tổ quốc.

Cuộc sống mới vùng tái định cư

Dẫn chúng tôi đến thăm khu đô thị mới Phiêng Lanh của huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) và thị xã Mường Lay (Ðiện Biên), địa bàn trọng điểm bị ảnh hưởng nhiều nhất thuộc dự án di dân TÐC thủy điện Sơn La, Bí thư Huyện ủy Quỳnh Nhai Bùi Minh Tân cho biết: Sang năm 2019, huyện Quỳnh Nhai sẽ tổ chức kỷ niệm 10 năm di chuyển trung tâm hành chính huyện ra khỏi vùng ngập. Trung tâm huyện Quỳnh Nhai ngày nay tại Phiêng Lanh trước kia chỉ là vùng đất ven sông Ðà, vắng bóng người. Nhưng nhờ có thủy điện Sơn La nơi đây đã có sự thay đổi kỳ diệu. Một khu đô thị mới trẻ trung, hiện đại, sơn thủy hữu tình vào bậc nhất ở khu vực Tây Bắc mọc lên ven hồ sông Ðà.

Tại đây, cây cầu Pá Uôn có trụ cầu cao nhất Việt Nam đang trở thành điểm du lịch lòng hồ hấp dẫn. Một câu chuyện mà người dân ở đây thường kể: Khi di dời khỏi vùng ngập, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳnh Nhai đã quyết định di chuyển miếu thờ Nàng Han, thuộc bản Mường Chiên cũ về địa điểm mới. Hiện nay, đền thờ Nàng Han - nơi lưu giữ linh hồn nữ Anh hùng dân tộc Thái trắng được trang trọng đặt trên một quả đồi cao, mặt hướng ra lòng hồ. Huyện luôn coi trọng gìn giữ truyền thống, tâm linh, đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của đồng bào các dân tộc.

Ðiều đó đã tạo sự đồng thuận, niềm tin, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm cho lòng người cắm rễ vào vùng quê mới. Với lợi thế lòng hồ rộng 10.500 ha mặt nước, huyện Quỳnh Nhai đang đẩy mạnh phát triển du lịch và nuôi trồng đánh bắt thủy sản. Năm 2010, huyện nuôi thử chưa đầy 100 lồng cá, đến nay đã phát triển lên hơn 7.000 lồng cá, với 45 hợp tác xã, 670 thành viên tham gia, sản lượng hằng năm ước tính 450 tấn cá, tôm, thu nhập hàng chục tỷ đồng. Trong đó, có hàng trăm hộ nông dân ở xã Chiềng Bằng, Chiềng Ơn, Mường Sại nuôi cá lồng thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hơn một tỷ đồng.

Tương tự, khu TÐC thị xã Mường Lay (Ðiện Biên) được bố trí quy hoạch năm khu: Nậm Cản, Cơ Khí, Ðồi Cao, Chi Luông, Lay Nưa. Trong số gần 2.600 hộ dân trên địa bàn thị xã, hiện có hơn 1.000 hộ làm nông nghiệp. Ðể bảo đảm đời sống cho nhân dân sau TÐC, nhất là các hộ nông nghiệp bị mất đất sản xuất, cấp ủy, chính quyền ở đây đã quan tâm đào tạo chuyển đổi ngành nghề cho các hộ nông nghiệp, phi nông nghiệp. Các nhóm ngành được lựa chọn truyền dạy, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, gồm: trồng trọt, chăn nuôi, may mặc… Thị xã đã mở 56 lớp đào tạo nghề, với hàng nghìn lượt người tham gia, nhiều hộ dân đã chuyển đổi ngành nghề, phát triển kinh tế gia đình.

Gia đình anh Nguyễn Văn Hợi, tổ 5, phường Sông Ðà (thị xã Mường Lay) tham gia mô hình nuôi cá lồng theo dự án "Nuôi cá rô phi đơn tính dòng GIFT trong lồng bè" do Trung tâm Thủy sản Ðiện Biên triển khai. Anh Hợi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư tám lồng cá, với chi phí 120 triệu đồng/lồng, sau ba tháng nuôi đã phát triển trung bình 1,5 kg/con, ước lãi 200 triệu đồng/năm. Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Tâm ở phố 5, phường Noong Bua (TP Ðiện Biên Phủ) cũng là điển hình trong chuyển đổi ngành nghề. Trước kia gia đình chị chỉ quanh năm suốt tháng trồng rau xanh bán, nhưng từ khi chuyển về Noong Bua, không còn đất sản xuất, chị Tâm đã mạnh dạn chuyển nghề sang dịch vụ buôn bán ở chợ Noong Bua. Từ đó đến nay, gia đình chị Tâm đều có nguồn thu hơn 100 triệu đồng/năm, cuộc sống dần ổn định.

Khó khăn hơn, tỉnh Lai Châu nằm ở thượng nguồn sông Ðà, có số hộ dân di chuyển ít hơn, với 3.297 hộ, gần 17 nghìn nhân khẩu, bố trí TÐC ở 13 khu, 37 điểm TÐC. Mặc dù quy hoạch bố trí TÐC rộng rãi, đất sản xuất không thiếu, nhưng đời sống người dân cũng mới bắt đầu ổn định. Sau khi tổ chức di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng ngập, điều quan tâm nhất là tổ chức sản xuất, chuyển đổi ngành nghề cho người dân. Ngoài việc khuyến khích người dân trồng 20 nghìn ha cây cao-su, tỉnh Lai Châu đã hỗ trợ giúp người dân cách thức nuôi cá lồng, đưa cây ngô lai xuống trồng trên đất ruộng một vụ tăng thu nhập.

Trưởng bản Phiêng Quang Lò Văn Nam (xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ), cho biết, sau 10 năm di chuyển đến khu TÐC, 59 hộ dân của bản mặc dù chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng cuộc sống đã khá hơn. Hiện thu nhập bình quân đầu người của bản Phiêng Quang đạt gần 20 triệu đồng/người/năm, cả bản chỉ còn ba hộ nghèo theo tiêu chí mới.

Theo đánh giá về công tác di dân của Ban Chỉ đạo Nhà nước dự án thủy điện Sơn La, dự án TÐC đã thành công trên nhiều phương diện, cơ bản đạt được những mục tiêu lớn đề ra. Phần lớn các khu, điểm TÐC đến nay đều đã ổn định dân cư, đời sống sản xuất của đồng bào có bước phát triển, hình thành những mô hình sản xuất mới, nhiều nơi cuộc sống của đồng bào tốt hơn nơi ở cũ, cơ sở hạ tầng nông thôn đều được bảo đảm, điều kiện sản xuất, môi trường sống và sự hài lòng của người dân được hơn 50% so với yêu cầu. Nói như vậy, không có nghĩa các vùng dự án di dân TÐC thủy điện Sơn La đã hết khó khăn. Thực tế, hàng chục nghìn hộ dân vùng lòng hồ thủy điện vẫn đang tiếp tục phải nỗ lực hết sức mình để tạo dựng cuộc sống mới. Do đó rất cần thêm sự hỗ trợ từ trung ương đến địa phương nhằm sớm đưa Tây Bắc phát triển ổn định, tiến kịp miền xuôi.

(Còn nữa)