Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã định hướng 3 thành phần chính của hạ tầng số cho Chính phủ số gồm mạng Truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước; nền tảng điện toán đám mây Chính phủ và mạng internet băng rộng. Định hướng này được cụ thể hóa tại Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
Trong ba thành phần này, mạng Truyền số liệu chuyên dùng do Cục Bưu điện Trung ương quản lý, sử dụng từ năm 2007 với công nghệ chuyển mạch nhãn đa giao thức (MPLS) là công nghệ tiên tiến nhất tại thời điểm đó.
Từ đó đến nay, mạng đã không ngừng mở rộng phạm vi, tăng cường năng lực, phát huy hiệu quả trong truyền tải các ứng dụng, dịch vụ phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến cấp xã.
Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao về phạm vi kết nối, năng lực truyền tải, chất lượng dịch vụ, đặc biệt để đáp ứng định hướng là hạ tầng then chốt của Chính phủ điện tử, Chính phủ số, việc nâng cấp, hiện đại hóa mạng là hết sức cần thiết và cấp bách.
![]() |
Ngày 19-20/12/2024 tại Vĩnh Phúc, Cục Bưu điện Trung ương đã phối hợp với các Văn phòng Quốc hội, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức diễn tập với xe thông tin chuyên dùng ứng dụng đa phương thức liên lạc ứng cứu thông tin trong tình huống khẩn cấp. |
Trước yêu cầu đó, Cục Bưu điện Trung ương tập trung nghiên cứu các giải pháp đồng bộ dựa trên 3 yếu tố chính: thứ nhất là chuyển đổi kiến trúc mạng, thứ hai là thay đổi công tác quản lý vận hành và cuối cùng là tối ưu quá trình cung cấp dịch vụ.
Cách làm này tạo ra những thay đổi căn bản, tăng hiệu suất mạng, giúp hạn chế rủi ro, thực hiện từng bước, cho phép bộ máy vận hành chủ động trước khi chuyển đổi mô hình cung cấp dịch vụ.
Chuyển đổi kiến trúc, công nghệ mạng
Kiến trúc mạng truyền thống dựa trên công nghệ chuyển mạch nhãn MPLS đã phát triển qua nhiều thập kỷ, có thể đáp ứng nhu cầu của các tổ chức trong thời gian dài.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, kiến trúc này đã bộc lộ những hạn chế (quản lý phân tán, khó khăn trong thay đổi, mở rộng mạng lưới). Việc chuyển đổi là xu hướng tất yếu, được các nhà mạng lớn quan tâm.
Ông Trần Duy Ninh, Cục trưởng Cục Bưu điện Trung ương cho biết: "Qua nghiên cứu các xu hướng, chúng tôi nhận thấy kiến trúc mạng định nghĩa bằng phần mềm (SDN) là xu hướng trong 10 năm tới".
Đến năm 2023, SDN đã được triển khai rộng khắp ở các trung tâm dữ liệu (64%), mạng diện rộng (58%), và mạng truy nhập (40%) của các nhà mạng lớn trên thế giới.
"Từ kết quả nghiên cứu và xem xét tính phù hợp, từ tham khảo kinh nghiệm chuyển đổi từ kiến trúc truyền thống, Cục Bưu điện Trung ương đã lựa chọn kiến trúc này cho quá trình chuyển đổi", ông Trần Duy Ninh cho hay.
Khi kiến trúc đã xác định, công nghệ là một lựa chọn quan trọng. Công nghệ mạng lõi thế hệ mới có tên là “định tuyến phân đoạn” (Segment Routing) đã ra đời, được sử dụng rộng rãi từ 2020 đã thúc đẩy hình thành cơ sở hạ tầng viễn thông mới, với ưu điểm nổi bật là tính mềm dẻo, khả năng quản lý, mở rộng, hiệu quả về chi phí và các vấn đề bảo mật (giảm 75% độ phức tạp của các giao thức mạng so với công nghệ MPLS).
![]() |
Cán bộ diễn tập kết nối tín hiệu xe Thông tin cơ động đến xe Thông tin chỉ huy. |
Công nghệ mạng lõi thế hệ mới này (Segment Routing) sẽ là tiền đề quan trọng để hướng ảo hóa mạng Truyền số liệu chuyên dùng theo kiến trúc mạng định nghĩa phần mềm (SDN). Cục Bưu điện Trung ương đã lựa chọn công nghệ này cho quá trình chuyển đổi.
Trong năm 2024, Cục Bưu điện Trung ương đã hoàn thành triển khai Segment Routing trên mạng Truyền số liệu chuyên dùng tại mạng lõi giữa Trung tâm 3 vùng Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Trung tâm tỉnh tại 63 tỉnh, thành phố.
Thay đổi công tác quản lý, vận hành, chuyển đổi mô hình cung cấp dịch vụ
Công tác quản lý, vận hành mạng thay đổi theo hướng quản lý tập trung. Các chức năng cấu hình dịch vụ, thiết lập chính sách điều khiển lưu lượng trên mạng sẽ thực hiện thông qua hệ thống điều khiển tập trung (Controller) thay vì cấu hình thủ công, rời rạc trên từng thiết bị mạng riêng lẻ như hạ tầng mạng truyền thống trước đây.
Điều này cho phép đơn giản hóa, giảm thiểu chi phí vận hành, khai thác mạng (sau khi triển khai SDN: giảm từ 30-60 phút xuống 5-10 phút đối với 1 lần khai báo dịch vụ trên mạng).
![]() |
Diễn tập và kết nối thông tin về trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành Chính phủ |
Việc chuyển đổi mạng Truyền số liệu chuyên dùng sang kiến trúc SDN cho phép Cục Bưu điện Trung ương mở rộng mô hình cung cấp dịch vụ phục vụ Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Thay vì chỉ cung cấp dịch vụ truyền thống dựa trên thuê bao, mô hình cung cấp dịch vụ trên mạng Truyền số liệu chuyên dùng sẽ chuyển sang hướng cung cấp dịch vụ dựa trên nhu cầu người dùng (các yêu cầu về băng thông, độ trễ…), giúp cải thiện trải nghiệm của người dùng trên mạng, đáp ứng các yêu cầu về cam kết chất lượng dịch vụ (SLA) bên cạnh cung cấp các dịch vụ về kênh kết nối truyền thống như hiện nay.
Các giải pháp đồng bộ chuyển đổi mạng Truyền số liệu chuyên dùng đã được triển khai có hiệu quả, giúp tối ưu hiệu năng và nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm năng lực triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong thời gian tới.
Đây là tiền đề quan trọng để từng bước hoàn thành sứ mệnh mới của mạng Truyền số liệu chuyên dùng là “mạng thống nhất, kết nối đến các cơ quan Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến cấp xã, được giám sát, kiểm soát truy cập tập trung” theo như định hướng của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.