Ngày 5/7, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho biết, các y bác sĩ của bệnh viện vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật kéo dài 45 phút, thai nhi chào đời cân nặng 2,7kg hồng hào, khóc to, phần ruột thừa viêm mủ, có nhiều giả mạc chung quanh của sản phụ đã được cắt bỏ kịp thời, không xuất hiện biến chứng nhiễm trùng sau phẫu thuật. Hiện sức khỏe hai mẹ con sản phụ đều ổn định.
Trước đó, ngày 28/6, sản phụ N.L.T (30 tuổi, trú thành phố Đà Nẵng) đau lâm râm ở vùng thượng vị nên được gia đình đưa đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng kiểm tra.
Thời điểm nhập viện, sản phụ T đang mang thai ở tuần 37, các kết quả thăm khám lâm sàng, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu chưa phát hiện nguyên nhân gây ra cơn đau. Các bác sĩ quyết định hội chẩn liên chuyên khoa để tìm kiếm nguyên nhân chính xác.
Sau khi cân nhắc, các bác sĩ quyết định lựa chọn chụp cộng hưởng từ (MRI) – kỹ thuật chẩn đoán không ảnh hưởng đến sức khỏe của sản phụ và thai nhi để xác định chính xác bệnh lý.
Kết quả MRI cho thấy, sản phụ có ruột thừa viêm cấp, lòng chứa dịch, phù nề, thâm nhiễm chung quanh.
Tại thời điểm cấp cứu, trong quá trình theo dõi tình trạng ruột thừa viêm, biểu đồ tim thai đồng thời ghi nhận dấu hiệu chuyển dạ sớm: cơn co bóp tử cung 2 cơn/10 phút cường độ mạnh. Khám trong cổ tử cung mở 1cm.
Trước nguy cơ ruột thừa viêm vỡ mủ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, có thể gây nguy hiểm tính mạng cho cả thai phụ và thai nhi. Sau hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật mổ lấy thai trước, sau đó tiến hành cắt ruột thừa.
2 ê-kíp phẫu thuật được triển khai đồng thời. Sau 45 phút, ca phẫu thuật diễn ra an toàn. Bác sĩ Hồ Thuyên, Khoa Phụ Sản, đại diện cho kíp mổ chia sẻ: Ruột thừa viêm mủ nằm ở vị trí phức tạp ở sản phụ có biểu hiện chuyển dạ sớm, thai 37 tuần có cân nặng đạt ngưỡng.
Cân nhắc lợi ích cho sản phụ và thai nhi, ê-kip chỉ định mổ lấy thai và xử trí ruột thừa ngay trong một lần phẫu thuật. Thai phụ khá may mắn khi ruột thừa viêm được phát hiện tại thời điểm viêm mủ nhưng chưa vỡ. Nếu ruột thừa vỡ mủ sẽ tràn vào ổ bụng, tăng nguy cơ nhiễm trùng rất lớn cho mẹ và bé, có thể gây nhiễm trùng huyết.
Theo các bác sĩ, viêm ruột thừa trên phụ nữ có thai khá hiếm gặp, tỷ lệ 1/2000. Tùy từng thời điểm, bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp xử trí tối ưu cho sản phụ và thai nhi.
Do thay đổi giải phẫu trong thai kỳ, dấu hiệu viêm ruột thừa thường mờ nhạt và nhiều khả năng bị che mờ bởi các dấu hiệu thường gặp thời kỳ hậu sản, người bệnh dễ chủ quan, từ đó dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc, áp xe ruột thừa...